Đừng quên những ước mơ

Dạ Yến 31/07/2016 20:45

Trong cuộc sống, ai rồi cùng phải trải qua sự mất mát. Nhưng chúng tôi vẫn không cầm được nước mắt. Chúng tôi đã cầu mong tất cả chỉ là một sự nhầm lẫn. Chúng tôi quá bất ngờ khi nhận tin về anh. Còn anh thì không. Nhà báo Hoàng Trần Long (Hoàng Long) đã mất lúc rạng sáng ngày 30/7, nhẹ nhàng sau một giấc ngủ mãi mãi.

Nhà báo Hoàng Trần Long.

Một chuyến đi không báo trước, tuyệt đối không làm phiền đến ai. Giống như cái cách anh vẫn sống và đối diện trong mọi khó khăn của cuộc đời. Chia ly những người yêu thương nhất bằng trái tim người chồng, người cha, người anh em, người đồng nghiệp chu đáo từng chút một, không nghĩ gì cho riêng mình.

Những người ở lại như tôi lại không chuẩn bị tâm thế cho việc này, để viết về anh, khi hai bờ âm dương cách biệt. Trong khi anh vốn dĩ là một người không ồn ào, không bao giờ gây sự chú ý mà cứ lặng lẽ nhiệt thành bằng tấm chân tình của mình sống với những đam mê.

Có thể, bây giờ, mọi câu chữ viết về anh đã trở nên quá muộn màng, chua xót nhưng với những gì anh đã để lại, một Hoàng Long tôi từng biết, chưa bao giờ muộn để nói ra.

>> Thông tin về lễ viếng nhà báo Hoàng Long

15 năm trước, Hoàng Long của chúng tôi không phải là “anh nhà báo to béo” với chiếc máy ảnh ” to đùng” chạy ngược xuôi trong các kỳ cuộc của Mặt trận hay các phiên họp Quốc hội mà là một người cán bộ mẫn cán của Nhà in Hà Nội mới.

Tôi thường gặp anh trong bộ quần áo công nhân màu xanh côban lấm lem màu mực, ánh mắt thân thiện, nụ cười tươi rói khi cho chúng tôi xem bản in mới nhất vừa ra lò. Dường như không có sự liên hệ nào giữa báo chí với anh công nhân ấy ngoài niềm đam mê cháy bỏng là chụp ảnh.

Cái tên Hoàng Long bắt đầu hiện diện trên Đại Đoàn Kết từ những bộ ảnh đời thường mà anh gửi đến cộng tác. Những bộ ảnh về cuộc sống lam lũ của người dân vạn chài, hay lũ trẻ vùng cao hồn nhiên chân chất... Ảnh thật như con người anh, một chút ngổ ngáo, một chút vụng về nhưng rất đỗi trong sáng.

Nhà báo Hoàng Trần Long đang tác nghiệp.

Duyên đến khi đam mê ấy lại gặp đúng thời điểm báo Đại Đoàn Kết cần tuyển phóng viên ảnh, Hoàng Long đầu quân về Ban Thư ký toà soạn cho đến tận bây giờ...

Bây giờ, sau gần 15 năm, Đại Đoàn Kết có một phóng viên ảnh Hoàng Long chuyên nghiệp trong nghị trường. Người đến sớm nhất và ra về muộn nhất.

Người luôn chạy ở phía trước trong những chuyến kinh lý của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận.

Cũng là người luôn ngồi lại ở phía sau để “làm cho xong ảnh gửi toà soạn” rồi mới ăn vội bát cơm chan canh để lấy sức chạy lên phía trước.

Sự mẫn cán của anh luôn khiến người khác phải nể phục. Sau khi tác nghiệp, việc đầu tiên của anh là cầm bút giấy chạy khắp nơi ghi tên đại biểu, người được chụp, để tránh ảnh “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Một việc làm mà hiếm phóng viên trẻ để ý. Do cách làm việc cẩn trọng này mà ảnh của Hoàng Long thường chú thích đầy đủ, rành rẽ, biên tập viên, bạn bè đồng nghiệp ít khi phải băn khoăn xem ai là ai, dù là ảnh các đại biểu Quốc hội hay ảnh lãnh đạo Mặt trận làm việc với khách nước ngoài.

Nhà báo Hoàng Trần Long tại kỳ họp Quốc hội.

Đó là một bộ ảnh tư liệu quý về các kỳ họp Quốc hội cũng như những hoạt động quan trọng của Mặt trận. “Tài sản để lại cho con cháu đấy” - nhiều lần anh nói với chúng tôi như vậy, giống như một “điềm báo” cho sự ra đi của mình.

Facebook bạn bè, đồng nghiệp của anh những ngày này đẫm nước mắt. Họ tiếc thương về sự ra đi quá đỗi đột ngột của một đồng nghiệp hết mình trong công việc, một con người luôn sống chan hoà, nhường nhịn, quan tâm những người xung quanh.

Với nhóm phóng viên theo dõi Mặt trận chúng tôi, Hoàng Long như một người anh cả thực thụ. Anh chăm lo cho các em từng chút, từng chút một trong những chuyến công tác. Đi làm ngoại thành hoặc đi công tác xa, nếu phải tập trung sớm để đi cùng đoàn, biết mấy đứa vội chưa kịp ăn sáng, lần nào anh cũng mua sẵn đồ ăn sáng cho cả nhóm, lúc thì mấy gói xôi, lúc mấy tấm bánh mì…

Hoặc nếu còn thời gian, anh bắt chúng tôi đi ăn sáng bằng được, vì anh bảo “đi làm vất vả lắm, trưa muộn mới được ăn cơm, không ăn là không có sức làm việc đâu nhé”.

Anh là vậy, chu đáo, chân tình, quan tâm tới mọi người từng chuyện nhỏ nhặt. Trong ba lô khổng lồ của anh lúc nào cũng có sẵn kẹo, một gói thịt bò khô Quốc Hương để đi đường xa, chia cho lũ em nhỏ “cầm hơi” lúc đói lả.

Những việc quan tâm tỉ mẩn của anh như vậy luôn làm cho bạn bè, đồng nghiệp ấm lòng, cảm nhận ở anh tấm lòng đôn hậu, sống hết mình vì người khác.

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, ngoài công việc, chụp ảnh, Hoàng Long còn là một “gã trai phố cổ” gàn dở đáng yêu mà tôi từng biết.

To béo như một ông hộ pháp nhưng sẵn sàng lao vào bếp “thổi cơm” đãi bạn bè. Hoàng Long nấu ăn rất ngon, tỉ mẩn, tinh tế từ cái bát, đôi đũa.

Trong những chuyến công tác đi xa, sự quan tâm của anh còn là nỗi nhớ dành cho gia đình. Anh luôn nhắc tới cô con gái Bích Thuận bé bỏng, lo lắng gọi điện dặn dò cậu con trai Quốc Anh từng chút một và chị Hiền, người vợ tần tảo mà anh yêu thương hơn tất cả.

“Gã trai phố cổ” Hoàng Long yêu Hà Nội còn bởi ở đó có những người bạn thân thiết, có tâm huyết, có cả những đau đớn xót xa.

Một Hà Nội mang màu sắc thị dân với những quán café nhỏ nhắn, trầm mặc trong lòng phố cổ, những quán phở gia truyền tiếp nối từ thế hệ này đến thế hệ khác. Ở đó chủ quán nhớ rõ sở thích của một gã béo thân thiện. Còn khách hàng dù lâu đến mấy cũng cố đợi bát tái gầu vừa miệng ở Hàng Giầy, hay bát bún cá ngon đúng vị ở Hàng Gà…

Hà Nội của Hoàng Long nhộn nhịp nhưng không xô bồ, nó đáng quý, đáng yêu mà đáng trọng. Như cái cách anh nhặt nhạnh từng món đồ cũ, cả bức tranh tôi vẽ nguệch ngoạc về trưng bày trang trọng bên những bức tranh đắt tiền, những món đồ quý giá trong căn nhà cổ mà anh đã cất công xây dựng.

Như một đêm nào trong mưa gió, anh bất chợt gọi cho tôi, khóc tu tu như một đứa trẻ vì “con chó nhà ông Phùng bị xe cán chết rồi”.

Cuộc sống luôn là sự bất ngờ - bất ngờ với những niềm hạnh phúc, bất ngờ với những niềm đau. Đó là lúc chúng tôi phải nói lời vĩnh biệt anh một người bạn, một người đồng nghiệp. Nhưng chính những bất ngờ đó đã làm cho tôi nhận ra rằng: Hãy trân trọng và thương yêu tất cả mọi người, hãy quý trọng từng phút giây bạn được sống.

Cách đây không lâu, vào đúng dịp sinh nhật 50 tuổi (21/7), anh đã nói nhiều điều như anh đã biết trước: “Phải sống làm sao để khi chết đi mọi người khóc còn mình sẽ nở nụ cười”.

Bây giờ, sau tất cả, nụ cười vẫn ở trên môi anh, ngay cả khi thể xác ấy chẳng còn hơi ấm. Sự ra đi của anh, khiến chúng tôi đau đớn và xấu hổ khi nhìn lại mình: Đừng xét đoán và kết án, hãy tha thứ và yêu thương. Vì thế, hãy luôn mỉm cười, thông cảm, sẻ chia và hòa mình với niềm vui thường nhật, giúp đỡ những ai có thể, thương yêu tất cả mọi người vì có thể ngày mai, hoặc chỉ một phút giây nữa thôi bạn sẽ rời xa thế giới này - như bạn của tôi - nhà báo Hoàng Long.

15 năm qua, chúng tôi đã cùng anh mưa nắng đi qua rất nhiều chặng đường. Những con đường 14 chạy dọc các tỉnh Tây Nguyên thênh thang trải gió ngàn, bạt ngàn hoa dã quỳ trong nắng trời rực rỡ. Những cung đường hiểm trở phía Tây Bắc.

Rất nhiều nơi trên đất nước này, in dấu bước chân anh- Người đã nhận Huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa khi hai lần đến với nơi này.

Chúng tôi sẽ nhớ mãi những khoảnh khắc cùng anh đón bình minh vun vút trên những con đường nắng gió hay thảng thốt ngắm nhìn hoàng hôn đang lặn chìm vào biển. Có những lúc tựa vai nhau ngủ vùi, lắm khi cùng nhau hát vang một bản tình ca bất hủ và sẻ chia với nhau biết bao ước mơ.

Nhưng giờ đây anh đã có cuộc hành trình của riêng mình. Mãi mãi.

Thế nhé, tạm biệt anh - Hoàng Long. Nhưng đừng quên những ước mơ.

Trong quá trình công tác, báo Đại Đoàn Kết luôn quan tâm, tạo điều kiện tối đa cũng như đánh giá đúng năng lực của nhà báo Hoàng Long. Nhiều năm liền, anh được bình chọn là Chiến sĩ thi đua cơ sở, nhận được nhiều khen thưởng của Mặt trận Trung ương và Báo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng quên những ước mơ