Đừng tạo tiền lệ phá rào

Lê Anh Đức 10/06/2020 09:30

Mấy ngày qua, dư luận xã hội xôn xao việc Bộ Xây dựng đề xuất với Thủ tướng cho phép Tổng công ty Sông Đà tham gia xây dựng cao tốc Bắc - Nam, dưới hình thức chỉ định thầu.

Việc đề xuất cho một đơn vị đang thua lỗ với số nợ lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng tham gia xây dựng công trình trọng điểm, mang ý nghĩa chiến lược đã khó lòng chấp nhận, nói gì đến việc chỉ định thầu. Nhiều chuyên gia pháp lý và luật sư cho rằng, việc Bộ Xây dựng đề xuất Chỉnh phủ chỉ định thầu là đang tạo ra một tiền lệ phá luật.

Theo lý giải của Bộ Xây dựng, trong quá trình thực hiện các dự án trọng điểm trước đây, nhất là thuỷ điện, Tổng công ty Sông Đà đã huy động số lượng lao động lớn, đầu tư nhiều thiết bị máy móc. Tuy nhiên, sau khi công trình hoàn thành, đơn vị này gặp nhiều khó khăn, áp lực để duy trì việc làm, đảm bảo đời sống lao động và thiết bị đã đầu tư. Bộ Xây dựng cho rằng, việc chỉ định thầu cho Tổng công ty Sông Đà tham gia cao tốc Bắc - Nam nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực con người, máy móc thiết bị sẵn có...

Thoạt nghe có vẻ cái lý rất đúng và rất nhân văn. Song, nếu xét về tổng thể thì đây là cái lý có nhiều vấn đề chưa đồng thuận. Thứ nhất, việc huy động số lượng lớn lao động, đầu tư nhiều trang thiết bị máy móc... cho một số công trình, để rồi bây giờ bị “áp lực” về công ăn việc làm là trách nhiệm của lãnh đạo công ty và của Bộ Xây dựng. Lẽ ra, việc Tổng công ty Sông Đà được thi công một số công trình trọng điểm thì phải ngày càng phát triển lớn mạnh, chứ không thể “khó khăn hơn”.

Thứ hai, với một “ông lớn” lẫy lừng một thời như Tổng công ty Sông Đà đang có nhiều bất cập mà càng nhận nhiều công trình trọng điểm thì có nguy cơ mất vốn nhà nước? Như vậy, về mặt logic, khả năng rất cao là sau khi được chỉ định thầu tham gia xây dựng cao tốc Bắc – Nam, tình hình tài chính của Tổng công ty Sông Đà khó khắc phục ngay. Lúc đó, Bộ Xây dựng liệu có đổ lỗi cho khó khăn của Tổng công ty Sông Đà là do “phải tham gia” xây dựng công trình giao thông trọng điểm cao tốc Bắc – Nam?

Mặt khác, Tổng công ty Sông Đà chuyên về xây dựng (bao gồm cả công trình giao thông) nhưng làm ăn thua lỗ kéo dài chứng tỏ chưa tạo được chỗ đứng về chuyên môn đối với xã hội, kể cả năng lực quản trị. Một đơn vị như vậy liệu có nên tin tưởng giao cho làm một công trình giao thông vô cùng quan trọng, huyết mạch quốc gia như cao tốc Bắc – Nam, lấy gì để đảm bảo chất lượng? Việc thi công hạ tầng giao thông vô cùng quan trọng, nhất là tuyến cao tốc Bắc – Nam, bởi nó gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế không thể xem nhẹ để “chia phần” cho những “đứa con cưng”.

Đó là mới xét trên bình diện logic và ý nghĩa xã hội, còn chiếu theo quy định pháp luật thì sao? Theo quy định của Luật Đấu thầu, tất cả các gói dự án trên 1 tỷ đồng đều phải tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch. Theo các chuyên gia kinh tế, việc tổ chức đấu thầu không chỉ nhằm mục đích hạ giá thành công trình, mà quan trọng hơn là lựa chọn được những nhà thầu uy tín, đảm bảo năng lực tài chính, năng lực chuyên môn, tránh nảy sinh vấn đề “sân sau, sân trước”.

Đem soi chiếu Luật Đấu thầu vào các dự án thành phần trong dự án cao tốc Bắc – Nam thì gói thầu nào cũng phải đấu thầu để đảm bảo giá thành rẻ, chất lượng công trình cao. Bộ Xây dựng hơn ai hết hiểu rất rõ điều đó. Nếu đã có một Tổng công ty Sông Đà là “con đẻ” của Bộ Xây dựng được ưu ái chỉ định thầu, có lý gì mà các doanh nghiệp “con đẻ” của những bộ, ngành, địa phương khác lại không đồng loạt xin được chỉ định thầu trong tất cả các dự án?

Việc chỉ định thầu cho một vài doanh nghiệp nhà nước không chỉ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài quốc doanh, mà còn tạo ra tiền lệ xấu. Tiền lệ xấu ở đây chính là việc các doanh nghiệp nhà nước khi thua lỗ thì lại xin tiền nhà nước để tiêu, xin cơ chế chỉ định thầu... Tiền lệ xấu còn là việc không tôn trọng quy định của pháp luật, bởi chỉ định thầu không đúng quy định chính là phá luật.

Một doanh nghiệp được phá luật thì có lý gì các doanh nghiệp khác không học theo, như vậy đâu còn sự tôn nghiêm của pháp luật? Đó là còn chưa kể ngân sách nhà nước không phải chiếc bánh để các doanh nghiệp quốc doanh hễ đói là được chia phần. Đã đến lúc cần phải nghiêm khắc, không dung túng cho lối làm ăn ỷ lại, thiếu hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước, dù đó có là “con đẻ” của bộ, ngành, địa phương mình. Đừng vì tư duy cục bộ ngành, địa phương để tạo ra lệ phá rào.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng tạo tiền lệ phá rào

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO