Đừng thờ ơ với kiểm định chất lượng

Thu Hương 28/12/2021 06:58

Kết quả của công tác kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là lời tuyên bố chắc chắn tới các bên liên quan về hiện trạng chất lượng của cơ sở GDNN. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ sở GDNN chưa “sẵn sàng” tham gia kiểm định hoặc còn “thờ ơ” với kiểm định để tránh việc bị đánh giá, kiểm soát chất lượng hoặc tránh mất khoản chi phí cho việc đánh giá ngoài.

Đây là một trong những nội dung được nêu ra tại hội thảo “Thực trạng hệ thống kiểm định và bảo đảm chất lượng GDNN” do Tổng Cục GDNN, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức sáng 27/12.

Theo quy định của Luật GDNN, kiểm định là bắt buộc đối với cơ sở GDNN và chương trình đào tạo các ngành, chuyên ngành hoặc nghề trọng điểm quốc gia, khu vực, quốc tế, phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước để kiểm soát chất lượng GDNN của Nhà nước. Tuy nhiên, đến nay tỉ lệ các cơ sở GDNN tham gia đánh giá ngoài đạt tỉ lệ rất thấp.

Đáng lưu ý, số cơ sở thực hiện tự đánh giá vẫn còn thấp, mới đạt 684/1.909 (36%) cơ sở GDNN. Trong đó, số cơ sở tự đánh giá đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng GDNN là 591 cơ sở (86% số cơ sở thực hiện tự đánh giá). Báo cáo của Tổng cục GDNN cũng chỉ ra có một số tỉnh có tỉ lệ cơ sở GDNN trên địa bàn thực hiện tự đánh giá rất thấp, dưới 20% số cơ sở thực hiện.

Là một trong những cơ sở GDNN đầu tiên thực hiện thí điểm xây dựng hệ thống quản lý chất lượng dạy nghề, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc đã bước đầu xây dựng thành công hệ thống bảo đảm chất lượng. Ông Nguyễn Hồng Hưng - Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo Chất lượng, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc cho biết, nhà trường đã phối hợp hai mô hình Nguyên lý và Quy tắc nhằm tạo thói quen, để các hoạt động bảo đảm chất lượng đi vào nề nếp, để phát triển văn hóa chất lượng và khi các nguyên lý giáo dục, nguyên tắc quản lý hiệu quả, mô hình quản lý chất lượng trở thành công việc hàng ngày từ đó sẽ hình thành văn hóa chất lượng. Bài học kinh nghiệm từ Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc đó là để thực hiện thành công công tác xây dựng và vận hành hệ thống bảo đảm chất lượng trong cơ sở GDNN cần có sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu cơ sở dạy nghề.

Theo TS Nguyễn Mạnh Cường (Công ty Cổ phần Kiểm định và Tư vấn giáo dục Việt Nam VTEC), một trong các khó khăn dễ nhận thấy là cơ sở GDNN gặp nhiều khó khăn về kinh phí thực hiện tự đánh giá chất lượng và đảm bảo chất lượng, nhất là các cơ sở GDNN đang tự chủ và tư thục phải tự chủ động về kinh phí.

Ông Cường đề xuất, bên cạnh việc thông tin rộng rãi về kết quả đánh giá ngoài của các cơ sở GDNN tham gia kiểm định, các trường đạt tiêu chuẩn kiểm định nhằm tạo sự quan tâm của xã hội, của người học và căn cứ để phụ huynh, người học an tâm lựa chọn nơi đào tạo đạt chất lượng để theo học; cần có chính sách ưu đãi nếu cơ sở GDNN đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng, có chế tài đối với các cơ sở không đạt tiêu chuẩn kiểm định hoặc không thực hiện công tác kiểm định. Chẳng hạn, xây dựng chính sách đầu tư phát triển, triển khai các dự án, ưu đãi vay vốn, ưu tiên về đầu tư, đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học đối với các cơ sở GDNN đạt chuẩn kiểm định chất lượng GDNN…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng thờ ơ với kiểm định chất lượng