Mặc dù Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố chấm dứt tình trạng y tế khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu, tuy nhiên, nhiều chuyên gia khẳng định, điều này không đồng nghĩa với việc Covid-19 không còn là mối đe dọa hay SARS-CoV-2 đã ít nguy hiểm hơn.
PGS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhấn mạnh: Ở thời điểm hiện tại, WHO vẫn đánh giá rủi ro nguy cơ về Covid-19 vẫn ở mức cao, dù số mắc và số ca tử vong giảm trên toàn cầu nhưng từng khu vực vẫn có sự gia tăng. Bản thân virus SARS-CoV-2 vẫn có biến đổi, thay đổi. Nếu như đầu tháng 4, WHO công bố có khoảng 400-500 biến thể phụ của Omicron nhưng đến đầu tháng 5, con số này đã là 900. Trong bối cảnh hiện nay, dịch bệnh đang có sự gia tăng ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Mỗi ngày nước ta ghi nhận khoảng 2.000 ca bệnh Covid-19, trong đó bao gồm có ca nhập viện, tử vong, 1/10 trong số này có liên quan hậu Covid-19. Vì vậy, Covid-19 vẫn gây gánh nặng cho hệ thống y tế. Thậm chí, đến nay, câu hỏi bao giờ đại dịch kết thúc vẫn chưa rõ ràng. Vì thế, có thể khẳng định, dịch Covid-19 khó dự báo, khó lường và có sự gia tăng ở từng khu vực.
Đồng quan điểm, TS Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cũng khẳng định: Đây không phải là lúc chúng ta nghỉ ngơi, số ca mắc Covid-19 vẫn tăng, vẫn có ca bệnh cần chăm sóc đặc biệt và vẫn có tử vong. Vì thế, dù miễn dịch trong cộng đồng do mắc phải và tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 cao, nhưng chúng ta vẫn phải cảnh giác và có biện pháp thích hợp.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, việc chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B tại nước ta vẫn cần xem xét kỹ lưỡng.
“Trong phân loại, bệnh truyền nhiễm nhóm A thiên về các biện pháp hành chính xã hội và đảm bảo nguồn lực. Tuy nhiên, dù là nhóm bệnh nào thì việc phối hợp thực hiện hài hòa, linh hoạt để khi áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch có thể triển khai nhanh chóng, phù hợp với tình huống dịch, tránh được lãng phí mới là quan trọng” - PGS.TS Phan Trọng Lân cho hay.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường, khó dự báo, bởi vậy, người dân vẫn cần duy trì 2K, vaccine, thuốc điều trị, công nghệ và ý thức người dân trong việc phòng, chống Covid-19 lâu dài. Đặc biệt những người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch cần chủ động đăng ký tiêm các mũi vaccine tăng cường để phòng bệnh. Thậm chí, người đã mắc bệnh Covid-19 vẫn cần tiếp tục có mũi tiêm nhắc lại theo hướng dẫn của WHO.