Ngày 1/12, Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (DS&KHHGĐ) đã tổ chức họp báo, về Tháng Dân số 2016. Theo đó, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là nâng cao chất lượng dân số.
Chất lượng dân số đang là mối quan tâm hàng đầu. Ảnh: Lê Huy Bích.
Duy trì mức sinh thay thế 2,09%
Theo những đánh giá mới nhất, chúng ta đã sớm đạt được và duy trì mức sinh thay thế.
Tuy nhiên, chất lượng dân số tuy đã được nâng lên nhưng chưa vững chắc, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hết sức nghiêm trọng, có sự khác biệt lớn về mức sinh giữa các tỉnh, các vùng, miền, biến đổi mạnh mẽ cơ cấu dân số theo tuổi, tạo cơ hội dân số vàng và thách thức dân số già, tỷ lệ dân thành thị còn thấp, lồng ghép sự biến động dân số và kế hoạch hoá phát triển còn sơ khai.
Vấn đề đặt ra hiện nay là tiếp tục duy trì mức sinh thay thế hiện nay (2,09% - năm 2016), tận dụng những cơ hội do dân số vàng đem lại, thích ứng với những thực trạng già hoá dân số...
Theo Tổng cục DS&KHHGĐ, dự báo đến năm 2049, dân số nước ta sẽ ở mức sinh cao (so với mức sinh hiện nay). Nếu vậy, quy mô dân số sẽ lớn, mật độ dân số sẽ đông tác động đến mọi thành tựu đạt được trong hàng thập kỷ qua.
Thực trạng này sẽ tạo sức ép rất lớn cho phát triển KTXH của đất nước về việc làm, thu nhập, an ninh lương thực, chăm sóc y tế, an ninh năng lượng, môi trường...
Nếu duy trì mức sinh thấp hơn sẽ khó phục hồi mức sinh và khó đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức tự nhiên. Trong trường hợp này, thời gian từ “già hoá dân số” sang “dân số già” càng ngắn lại, tạo ra các sức ép mạnh mẽ về chăm sóc y tế cho người cao tuổi.
Cũng theo Tổng cục, nếu trong tương lai, chúng ta duy trì được mức sinh thay thế sẽ giảm sức ép mất cân bằng giới tính khi sinh, làm chậm tốc độ già hoá dân số, giảm thiếu hụt lao động. Để duy trì mức sinh thay thế, một mặt giảm sinh ở những nơi tỉnh, thành phố có mức sinh cao, một mặt duy trì kết quả đã đạt được mức sinh thay thế.
Thực hiện mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp. Làm sao đảm bảo quy mô dân số nước ta không quá 98 triệu người vào năm 2020 và tạo vững chắc để tiến tới ổn định quy mô dân số ở mức 115-120 triệu người từ giữa thế kỷ XXI.
Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh
Một trong những bất cập lớn cần khắc phục trong thời gian tới là khắc phục hiệu quả tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Theo GS.TS Nguyễn Đình Cử- nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Trường ĐH Kinh tế quốc dân), một khi mà sách dạy cách sinh con theo ý muốn được in và bày bán công khai, tràn lan từ ngay chính NXB Y học của Bộ Y tế mà bất cứ ai cũng có thể dễ dàng mua được, khi giá trị, địa vị con người trong các gia đình còn được định đoạt theo loại bộ phận sinh dục nam hay nữ của họ, chứ không phải theo các thang đo về phẩm giá, tài năng và đóng góp cho xã hội cũng như khi tình trạng bất bình đẳng giới còn ngự trị trong xã hội thì tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh còn có đất sống.
Bài học từ Trung Quốc, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở đây đã khiến cho dân số nước này già hoá rất nhanh. Cho nên, theo ông Cử, nhất thiết phải có chế tài xử phạt thật nặng đối với các hành vi can thiệp sinh con theo ý muốn trong xã hội, để đưa tỷ lệ sinh con trở lại theo giới tính tự nhiên.
Chất lượng dân số đang là mối quan tâm hàng đầu từ nay về sau - theo ông Hồ Chí Hùng- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS&KHHGĐ - và có thể vì thế ngay cái tên của Tổng cục, tới đây cũng phải được đổi, cho phù hợp.