Triển lãm cá nhân “Duyên nghiệp nhân sinh” giới thiệu các tác phẩm điêu khắc và hội họa của nhà điêu khắc Hà Minh Tuấn (1971 - 2023) tại A Bụt Studio (số 86, ngõ 56, phố Tứ Liên, Tây Hồ). Triển lãm mở cửa từ 22/12/2023 đến 7/1/2024.
Cho đến giờ phút cuối cùng của cuộc đời, nhà điêu khắc Hà Minh Tuấn vẫn cháy bỏng đam mê sáng tạo. Anh ra đi khi đang trong thời kỳ sáng tác sung sức nhất, đồng thời, cũng chuẩn bị cho triển lãm cá nhân.
Ngồi trong khu vườn của A Bụt Studio, cùng đồng nghiệp và gia đình chuẩn bị cho triển lãm cá nhân sau cùng của nhà điêu khắc Hà Minh Tuấn, họa sĩ Trần Nhật Thăng, người bạn gắn bó với anh lâu năm, tâm sự: “Từ năm thứ nhất, đến thứ ba, Hà Minh Tuấn thường đi làm những tượng đài lớn để kiếm sống, trong đó có tượng đài Bác Hồ ở Hòa Bình. Khi Hà Minh Tuấn vào Huế đi tu, tôi cùng nghệ sĩ Phó An My, cũng là hai người bạn đầu tiên vào chùa Huyền Không Sơn Thượng để thăm Tuấn.
Khi gặp, chúng tôi nhìn nhau ngỡ ngàng. Trước khi chia tay, Tuấn tặng tôi một sợi dây chuyền Thái Lan mặt Phật bằng vàng rất quý giá. Dây chuyền ấy giờ mẹ tôi vẫn đeo. Tuấn ở chùa khoảng 8 năm, tu tập, trì giới, cùng đi khất thực với các thầy, ăn không quá ngọ, mà làm đủ việc nặng từ cuốc đất, chở đất làm ao, làm vườn, đến điêu khắc tượng…”
Họa sĩ Trần Nhật Thăng kể thêm: “Tuấn có một thời gian dài phải làm tượng chân dung để kiếm sống. Tuấn làm nhiều tượng danh nhân, từ đạo diễn Trần Văn Thủy đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Sáng tác mới gần đây, khoảng 3 năm, Tuấn theo đuổi đề tài Phật giáo, tượng làm theo phác mảng tối giản rất thú vị. Tuấn cũng sáng tác tượng Phật thuần Việt, với chất liệu gốm Việt.
Hiện tại, các đồng nghiệp nung được 6 bức tượng Tuấn còn đang làm dở dang. Một mảng nghệ thuật nữa là các bức tranh sơn mài đề tài Phật giáo. Phần lớn là trên tông màu đỏ. Màu đỏ Tuấn làm sâu và kỹ”.
Nhà điêu khắc Hà Minh Tuấn có trách nhiệm với gia đình, luôn lo lắng, chăm sóc cho vợ con. Chị Trần Thủy, vợ anh, chia sẻ: “Khi ra khỏi chùa, anh Tuấn làm lại nghề chân dung kiếm sống, anh sáng tác với giá rẻ, đau đáu việc làm thế nào để bán được tượng. Với sự chăm chỉ, cần mẫn làm việc, anh dần hòa nhập lại được với tinh thần sáng tạo và hồi phục lại cảm hứng điêu khắc, từ đó, lo được ngôi nhà cho gia đình.
Đến khi tôi sinh cháu thứ ba, anh Tuấn muốn làm việc nhiều hơn nữa để lo cho con. Anh vừa sáng tác, vừa làm tác phẩm theo hướng trang trí sao cho dễ tiếp cận với khách hàng. Trong khoảng 8 tháng qua, anh Tuấn chăm chú vào việc sáng tác bên xưởng Bát Tràng, đi từ sáng sớm đến chiều, về nhà ăn bát cơm rồi đi đón con, rồi làm việc đến 10 giờ đêm.
Thứ bảy, chủ nhật anh dành toàn bộ thời gian miệt mài ở A Bụt Studio. Thời gian cuối, nhờ việc đưa đón con mà bố và con thêm thời gian gần gũi. Anh Tuấn sáng tác tại xưởng ở nhà, mỗi khi ra làm tượng ngoài vườn, con gái út quấn quýt với bố, khi ngủ thì nằm trên ngực bố.
Vì thế, anh càng có động lực sáng tác vì các con. Anh Tuấn mong muốn sáng tác được nhiều tác phẩm hay, phát triển nhiều chi nhánh từ A Bụt Studio. Anh thường nói với các con: “Bố để lại di sản cho con”… Không may, đó là một cái điềm…”
Từ sự cần mẫn sáng tạo và làm việc liên tục, nhà điêu khắc Hà Minh Tuấn đã để lại nhiều tác phẩm đặc sắc. Triển lãm lần này giới thiệu đến đồng nghiệp, người thân, bạn bè của anh 20 bức tranh sơn mài, 30 tượng Phật, 50 đĩa tranh gốm và thêm một số tác phẩm khác. Tất cả các tác phẩm đều chung đề tài Phật giáo, được nhà điêu khắc Hà Minh Tuấn ấp ủ phác thảo trong thời gian dài.