Châu Âu đang chật vật ứng phó với những cú sốc kinh tế khi mùa đông cận kề, chi phí năng lượng đang bào mòn kinh tế của từng gia đình và lạm phát tăng cao, đồng Euro xuống giá. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể sẽ rơi vào suy thoái.
Theo Ủy ban châu Âu (EC), sự bất ổn và chi phí gia tăng sẽ đẩy Eurozone và hầu hết các nước thành viên của EU rơi vào suy thoái vào cuối năm nay. Những "cơn gió ngược" đang thổi khắp 19 quốc gia sử dụng chung đồng Euro. Theo EC, lạm phát khu vực Eurozone trong năm nay và năm 2023 lần lượt ở mức 8,5% và 6,1%. Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề kinh tế Paolo Gentiloni cho rằng, lạm phát vẫn không được kiểm soát và sẽ đạt đỉnh khi hết năm, vào lúc châu Âu giá rét.
Thực ra thì khu vực Eurozone đã rơi vào lạm phát cao từ nhiều tháng trước. Vào tháng 7, trung bình mức lạm phát của cả 19 quốc gia khu vực này ở mức 8,9%, so với mức 8,6% trong tháng 6. Ở vào thời điểm đó, theo Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eorostat) thì lạm phát tại khu vực Eurozone đã ở mức cao nhất kể từ năm 1997.
Giới chuyên gia tài chính chung nhận xét rằng, rủi ro của khu vực Eurozone phần lớn xuất phát từ việc cắt giảm lượng khí đốt tự nhiên từ Nga, khiến các nhà máy hoạt động khó khăn, giá xăng lên cao khiến người dân phải chống cự hết sức mệt mỏi.
Vẫn theo Eurostat, nếu nhìn lại “chuỗi lạm phát” kéo dài mới thấy 27 quốc gia thành viên EU, trong đó có 19 nước thuộc khu vực Eorozone sẽ còn tiếp tục phải chịu đựng “đau khổ” trong những tháng mùa đông khi nhu cầu khí đốt, năng lượng dùng để sưởi ấm tăng cao. Giá tiêu dùng tại Eurozone trong tháng 9 tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi ghi nhận mức tăng 9,1% trong tháng 8 - mức tăng cao nhất kể từ khi Eurostat thực hiện thống kê về lạm phát.
Tỷ lệ lạm phát trong tháng 9 tăng mạnh chủ yếu do giá năng lượng tăng tới 40,8%. Nhưng cơn ác mộng chưa dừng ở đó. Số liệu do Eurostat công bố mới đây cho thấy, tỷ lệ lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu trong tháng 10/2022 đã lên tới 10,7%. Đây là lần đầu tiên kể từ khi đồng Euro được đưa vào lưu hành cách đây 2 thập kỷ, lạm phát tại khu vực đồng tiền chung mới vượt qua cột mốc 10%.
Trong số 19 quốc gia khu vực Eurozone, 10 nước đã ghi nhận lạm phát ở mức 2 con số. Trong đó, nền kinh tế lớn nhất khu vực này là Đức có mức lạm phát 10,9%, cao nhất kể từ năm 1951. Estonia, Lithuania và Latvia đều có tỷ lệ lạm phát trên 22%.
Để đổi phó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) buộc phải tiếp tục lộ trình tăng lãi suất, bất chấp nguy cơ suy thoái kinh tế đe dọa. Bà Christine Lagarde - Chủ tịch ECB cho biết khi thiết lập chính sách tiền tệ, ECB phải tính đến tất cả những yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát, cũng như những rủi ro đe dọa tăng trưởng kinh tế của EU. Và rằng các quyết sách của ECB có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế khu vực, nhưng đó là cái giá mà châu Âu phải chấp nhận bởi bình ổn giá là một ưu tiên quan trọng.
Tuy nhiên, không chỉ chống chọi với lạm phát, khu vực Eurozone còn đối mặt với suy thoái, mà đó là điều người ta sợ nhất. Theo nhà kinh tế trưởng Chris Williamson của S&P Global, sự kết hợp giữa tình trạng sản xuất chậm lại và áp lực lạm phát tăng khiến cho nền kinh tế khu vực Eurozone lần đầu phải chứng kiến nhu cầu và sản lượng suy giảm ở cấp độ nghiêm trọng, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào đầu năm 2009.
“Chi phí tăng cộng với nhu cầu giảm khiến chỉ số niềm tin kinh doanh của các công ty ngày một hao mòn. Các công ty giảm mua nguyên liệu đầu vào, cắt giảm việc làm, trước mắt là để đối phó với một mùa Đông khó khăn” - tiến sĩ Wlliamson nói.
Trong khi đó, tương lai kinh tế toàn cầu cũng không sáng hơn là mấy. Ngày 14/11, dự báo do Viện Chính sách kinh tế quốc tế Hàn Quốc đưa ra cho thấy, xét theo từng quốc gia, dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ ước đạt mức tăng 0,6% vào năm 2023 so với 2022. Nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu dự kiến sẽ tiếp tục đi ngang, có nghĩa là vẫn chìm trong bế tắc. Trong năm 2022, kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng 2,4%; còn năm 2023 có thể sẽ là 3,1% thấp hơn mức dự báo 3,5% được đưa ra trước đó.
Khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là một nhóm các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) sử dụng đồng euro làm đơn vị tiền tệ chính thức. Khu vực này hiện có 19 nước, tổng dân số trên 332 triệu người. Năm 1970 lần đầu tiên ý tưởng về một liên minh tiền tệ châu Âu được cụ thể hóa, theo sáng kiến của Thủ tướng Luxembourg Pierre Werner trong dự án mang tên “Liên minh kinh tế châu Âu với tiền tệ thống nhất”. Tuy nhiên, phải tới ngày 16/12/1995, Hội đồng châu Âu tại Madrid (Tây Ban Nha) mới có được quyết định tên của loại tiền tệ mới: “Euro”. Ngày 1/1/1999, Euro trở thành tiền tệ chính thức trong khối và việc phát hành đồng Euro đến người tiêu dùng bắt đầu vào ngày 1/1/2002, sau khi hoàn thành việc quy đổi tỷ giá giữa các đồng tiền nội khối tồn tại trước đó.