Sau buổi công chiếu tại TP Hồ Chí Minh, ngày 30/11, tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội, bộ phim tài liệu âm nhạc “Màu cỏ úa” về nhạc sĩ Trần Tiến đã được giới thiệu đến công chúng Thủ đô.
“Màu cỏ úa” do đạo diễn trẻ Lan Nguyễn thực hiện. Đây cũng là bộ phim đầu tay của nữ đạo diễn 9x sau 5 năm nỗ lực tìm tòi, thu thập thông tin, tư liệu về con người và sự nghiệp của nhạc sĩ Trần Tiến.
Và chính nữ đạo diễn đảm nhận việc dẫn chuyện xuyên suốt bộ phim dài 80 phút. Bộ phim khắc họa hình ảnh người nhạc sĩ tài hoa qua giọng kể của chính ông, người thân, bạn bè bên cạnh những ca khúc mang đậm thương hiệu “gã du ca”.
Mặc dù chỉ là một tác phẩm đầu tay nhưng với sự “tỉ mẩn” của đạo diễn trẻ với hơn 15 đợt quay tại nhiều tỉnh thành khác nhau như Hà Nam, Hà Nội, Quảng Bình, Lâm Đồng… bộ phim khắc họa cả một hành trình của người nhạc sĩ tài hoa.
Đó là một Trần Tiến lãng tử, say mê ca hát từ thời trẻ cho đến Trần Tiến trung niên vẫn mải mê bước du ca và một Trần Tiến khi sang tuổi thất thập. Trong đó, có một điểm chung là dù ở bất kỳ độ tuổi nào, sự thay đổi hoàn cảnh sống ra sao, Trần Tiến vẫn là một “gã du ca” hiếm có của làng nhạc Việt, có sức thu hút rất riêng ở những nơi ông xuất hiện.
Chia sẻ về bộ phim đặc biệt này, đạo diễn Lan Nguyên cho biết, thế hệ của cô có nhiều dòng nhạc để yêu mến, nhưng riêng cô lại lớn lên với âm nhạc của Trần Tiến. Vì thế, khi gặp Trần Tiến để làm một phóng sự truyền hình, Lan Nguyễn cảm thấy không thể tải hết một Trần Tiến trong phóng sự. Vì thế cô đã đề nghị ông cho làm bộ phim tài liệu.
Ban đầu, nhạc sĩ Trần Tiến đã từ chối nhưng sau cuộc nói chuyện và đặc biệt Trần Tiến yêu cầu cô hát cho ông nghe một bài của ông. Lan Nguyễn không ngần ngại cất giọng ca bài “Tạm biệt chim én”. Chính giọng ca nghiệp dư nhưng chân thực của một cô gái trẻ cùng với sự sẵn sàng dấn thân vào với thử thách đã thuyết phục Trần Tiến và ông đồng ý cho Lan Nguyễn đi theo hành trình du ca của mình.
Tuy nhiên, khi chính thức bắt tay vào thực hiện Lan Nguyễn cũng thừa nhận, ngoài niềm đam mê, với bộ phim này trong tay cô chỉ là con số không, từ kiến thức làm phim cho tới kinh nghiệm. Bởi chính bản thân cô chưa từng học qua trường lớp điện ảnh chính quy.
Rất may, trên hành trình đầy khó khăn đó, Lan Nguyễn may mắn bởi có những người bạn cùng đam mê nhạc Trần Tiến đi với cô. Họ sẵn sàng giúp đỡ cô, thậm chí còn động viên mỗi khi Lan Nguyễn mất phương hướng. Chính những sự hỗ trợ này, bên cạnh hình ảnh một người nhạc sĩ “lãng tử” thì những tên tuổi lớn từng gắn với Trần Tiến cũng xuất hiện qua những thước phim, hình ảnh tư liệu bạc màu thời gian nhưng rất quý hiếm.
Đó là hình ảnh về những người anh, người bạn của ông như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, nhóm “bộ tứ sông Hồng” (Phó Đức Phương, Dương Thụ, Nguyễn Cường, Trần Tiến)… Không những vậy hình ảnh “độc lạ” mang thương hiệu Trần Tiến cũng đã được tái hiện trong phim như ngôi nhà trên cây me cùng câu chuyện, giọng ca của người cựu chiến binh Trần Cường; phong cách đậm Trần Tiến ngồi uống bia hơi nơi quán xá Hà Nội hay hình ảnh phiêu linh, ngưỡng mộ khi hát ca khúc “Mặt trời bé con” cùng cậu bé lai chưa sõi tiếng Việt 11 tuổi…
Cùng với đó, “Màu cỏ úa” còn mang đến cho khán giả những ca khúc nổi tiếng qua nhiều thập niên gắn bó với tên tuổi Trần Tiến như “Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp”, “Giai điệu Tổ quốc”, “Những đôi mắt mang hình viên đạn”, “Vết chân tròn trên cát”, “Đôi mắt Pleiku”, “Mặt trời bé con”, “Ngẫu hứng sông Hồng”, “Quê nhà”, “Mưa bay tháp cổ”, “Chiếc vòng cầu hôn”, “Tạm biệt chim én”, “Tùy hứng ngựa ô”, “Chị tôi”, “Ngọn lửa cao nguyên”, “Sắc màu”, “Giấc mơ Chapi”… Đây là những ca khúc mà Trần Tiến không chỉ hát trên tivi, mà còn hát say sưa ở vỉa hè, ở những sân khấu không ánh đèn của vùng sâu, vùng xa đều rất hay, rất đời. Những ca khúc ấy cũng được thể hiện qua nhiều ca sỹ nổi tiếng, trong đó có cô cháu gái Trần Thu Hà.
Được biết, sau hai buổi công chiếu tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, đoàn làm phim đang có kế hoạch mang bộ phim chiếu rộng rãi tại các cụm rạp trên cả nước. Tuy nhiên, đạo diễn Lan Nguyễn cho biết cô không đặt nặng yếu tố doanh thu với bộ phim.
Cô coi đây là món quà dành tặng nhạc sĩ Trần Tiến vào thời điểm ông đang dưỡng bệnh. Đạo diễn Lan Nguyễn chia sẻ, “có những khoảnh khắc được đưa vào phim nhưng cũng có những đoạn, chúng tôi giữ cho riêng mình như một kỷ niệm quý giá về nhạc sỹ. Tôi chỉ mong bộ phim là món quà chúng tôi tặng cho ông.
Chú Tiến bảo tôi rằng nếu có chuyện xấu nhất xảy ra với chú thì cháu hãy chép phim ra một bản đĩa để chú mang theo thế giới bên kia. Đây cũng là một kỷ niệm đẹp cuối đời chú. Hiện sức khỏe chú không tốt lắm nhưng chú không muốn chúng ta nhắc nhiều đến vấn đề này. Điều chú ấy muốn kể lại là hình ảnh đẹp và rực lửa, thay vì vẻ yếu ớt, bệnh tật trong mắt mọi người” - đạo diễn Lan Nguyễn nói.