Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Phan Trung Tường - Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai (Gia Lai) cho biết, cơ quan chức năng vừa tiến hành trục vớt thêm 8 m3 gỗ vô chủ được cất giấu dưới lòng hồ thủy điện Sê San 3A (làng Nú, xã Ia Khai, huyện Ia Grai, giáp ranh với huyện Ia HDrai, Kon Tum). Như vậy qua 2 lần trục vớt, tổng khối lượng gỗ được lực lượng chức phát hiện, kéo lên bờ gần 11 m3 từ nhóm 2 đến nhóm 6.
Khu vực bến đò được lâm tặc tập kết gỗ.
Hiện số gỗ trên vẫn chưa có bất kì người nào đến nhận nên lực lượng chức năng đã vận chuyển về Trạm kiểm soát liên ngành (Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai) để phục vụ công tác điều tra.
Theo ghi nhận, tuyến đường thủy trên sông Sê San những năm trước đây luôn là “điểm nóng” để lâm tặc lợi dụng vận chuyển gỗ lậu.
Tại khu vực bến sông ở làng Tung (đoạn qua rẫy cao su) và một bến khác ở làng Nú (dưới đập thủy điện, xã Ia Khai) rất nhiều dấu vết của hoạt động tập kết gỗ như dấu bánh xe cơ giới in hằn cũng như vỏ, bìa gỗ còn để lại.
Về vấn đề này, ông Phan Trung Tường khẳng định, năm 2017, huyện triển khai nhiều giải pháp, như thành lập ban chỉ huy cấp bách bảo vệ rừng, thành lập đoàn liên ngành, ký kết quy chế hợp tác với huyện giáp ranh là huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum.
Liên quan đến con đường dài 6 – 7 km từ gần trung tâm xã Ia Khai chạy thẳng vào bãi tập kết gỗ vừa bị bắt giữ, rất nhiều cơ quan chức năng từ xã đến huyện Ia Grai lại không biết con đường này người dân tự ý mở rộng hay lâm tặc mở để vận chuyển gỗ lậu.
Hơn nữa, muốn đi vào bãi tập kết gỗ trên, mọi hoạt động sản xuất của người dân hay xe vận chuyển gỗ đều phải đi theo tuyến đường độc đạo này và phải vượt qua chốt bảo vệ rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai chốt đóng. Ông Nguyễn Trường Hải, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai cho biết, chốt đó chỉ là nơi cán bộ của ban nghỉ ngơi sau khi đi tuần tra chứ không phải là nơi kiểm tra lâm sản.
Trước đó, Đại Đoàn Kết đã thông tin, ngày 3/1, ngành chức năng huyện Ia Grai đã phát hiện vụ cất giấu gỗ ở bến sông dưới lòng hồ thủy điện Sê San 3A.