Gắn bó với nhân dân để phát huy vai trò giám sát của nhân dân

Tiến Đạt (thực hiện) 23/09/2023 09:00

“Nhân dân có vai trò đặc biệt quan trọng trong giám sát. Muốn phát huy vai trò giám sát của nhân dân, trước hết MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phải gắn bó mật thiết với nhân dân, nắm bắt phản ánh của người dân về sự chuyển biến của cấp ủy, chính quyền các cấp thông qua công tác giám sát, phản biện xã hội”. Đó là khẳng định của ông Vy Tư Liệu - Vụ trưởng Vụ Đoàn thể nhân dân (Ban Dân vận Trung ương) trong cuộc trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết.

Ông Vy Tư Liệu

PV: Thưa ông, giám sát, phản biện xã hội được coi là nhiệm vụ quan trọng đối với hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong giai đoạn hiện nay, góp phần bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Ông đánh giá như thế nào về kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403 của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội?

Ông Vy Tư Liệu: Có thể nói, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã thực hiện giám sát, phản biện xã hội theo quy định; thường xuyên nắm tình hình đoàn viên, hội viên và nhân dân để phản ánh, tham mưu với cấp ủy, chính quyền kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ.

Trong đó, Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố tiếp tục phát huy vai trò trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, cải cách thủ tục hành chính, trách nhiệm công khai, minh bạch của chính quyền các cấp, chú trọng, nâng cao hiệu quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Các tổ chức chính trị - xã hội cũng tích cực triển khai kế hoạch giám sát chuyên đề hằng năm, tập trung lãnh đạo triển khai, quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác này. Qua quá trình giám sát đã kịp thời giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc mà đoàn viên, hội viên gặp phải, góp phần xây dựng tổ chức đoàn thể phát triển bền vững.

Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể phường 8, TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) phối hợp giám sát chất lượng nâng cấp, mở rộng lộ hẻm trên địa bàn.

Hiện nay, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cần có những giải pháp cụ thể nào trong thời gian tới?

- Với hệ thống văn bản khá đầy đủ quy định về hoạt động giám sát, phản biện xã hội tại thời điểm hiện nay, để nâng cao chất lượng của hoạt động này, trước hết cấp ủy chính quyền các cấp cần tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của hoạt động giám sát, phản biện xã hội, từ đó tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, cụ thể hóa các nội dung này.

Bên cạnh đó, hoạt động giám sát, phản biện xã hội rất cần đội ngũ làm công tác này có trình độ, năng lực thực sự. Vì vậy, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cần lựa chọn kỹ lưỡng, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Năng lực, trình độ của cán bộ được nâng lên, sự hiểu biết của cán bộ về hoạt động giám sát, phản biện xã hội tốt lên thì giám sát, phản biện xã hội mới đạt được hiệu quả như mong muốn.

Đồng thời, giám sát, phản biện xã hội rất cần sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông, báo chí của Đảng, Nhà nước và các cơ quan liên quan. Truyền thông vừa phải đi trước một bước, đồng thời phải đồng hành xuyên suốt quá trình giám sát, phản biện xã hội để phản ánh trung thực nhất về kết quả giám sát. Sau giám sát, các cơ quan truyền thông phải tiếp tục tuyên truyền để kết quả giám sát không chỉ dừng lại trên giấy tờ mà cần được lan tỏa sâu rộng hơn trong xã hội.

Mặc dù giám sát, phản biện xã hội được thực hiện thông qua MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội nhưng vai trò của nhân dân rất quan trọng. Nhân dân là "tai mắt" của Đảng, là người nắm vững tình hình ở địa phương, nắm chắc tư tưởng, quan điểm, thái độ, tác phong của cán bộ các cấp. Muốn phát huy vai trò giám sát của nhân dân, trước hết phải gắn bó mật thiết với nhân dân, nắm tình hình nhân dân, lắng nghe nhu cầu, nguyện vọng của người dân, nắm bắt phản ánh của người dân về sự chuyển biến của cấp ủy chính quyền các cấp thông qua giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Vậy theo ông, nội dung giám sát, phản biện xã hội cần có sự chọn lọc như thế nào để phù hợp với tình hình hiện nay?

- Tôi cho rằng, nội dung giám sát rất nhiều, liên quan đến tất cả các lĩnh vực đời sống, xã hội. Do vậy, giám sát và phản biện xã hội phải có sự chọn lọc về nội dung. MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cần quan tâm giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bởi chủ trương của Đảng là những đường hướng cơ bản, nhưng chủ trương đấy có đi vào cuộc sống được hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc ban hành và thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chính sách, pháp luật của Nhà nước càng cụ thể hóa, càng sát với nhân dân bao nhiêu thì người dân càng được hưởng lợi bấy nhiêu.

Đồng thời tập trung giám sát những nội dung liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân như giải quyết việc làm cho người lao động, vấn đề môi trường, đất đai, an ninh trật tự... Cũng cần quan tâm giám sát những lời hứa của các bộ trưởng, trưởng ngành và các thành viên Chính phủ đã nêu tại nghị trường Quốc hội, lời hứa của cán bộ tại các kỳ họp HĐND các cấp, theo sát các mốc thời gian thực hiện lời hứa. Nội dung này cũng rất cần sự vào cuộc, đồng hành của các cơ quan báo chí nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả giám sát.

Trân trọng cảm ơn ông!

MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cần lựa chọn kỹ lưỡng, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Năng lực, trình độ của cán bộ được nâng lên, sự hiểu biết của cán bộ về hoạt động giám sát, phản biện xã hội tốt lên thì giám sát, phản biện xã hội mới đạt được hiệu quả như mong muốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gắn bó với nhân dân để phát huy vai trò giám sát của nhân dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO