Đó là chia sẻ của TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng (CĐ) Cơ điện Hà Nội. Theo TS Ngọc, không thể ngồi chờ doanh nghiệp (DN) tự tìm đến mình mà trong giai đoạn khởi đầu, nhà trường phải chủ động đi tìm DN, thậm chí chấp nhận “lép vế” trước khi có được hợp tác “win-win” ba bên cùng có lợi.
Nhà trường đi tìm doanh nghiệp
Từ kinh nghiệm hợp tác với hơn 200 DN lớn, vừa và nhỏ, đại diện Trường CĐ Cơ điện Hà Nội cho rằng kinh nghiệm cốt lõi là chất lượng nhà trường, quan điểm của người tiếp cận đứng đầu chính là người hiệu trưởng. Kinh nghiệm thứ hai là sự đồng thuận trong toàn hệ thống nhà trường. Nhất nhất ai trong nhà trường cũng nghĩ đấy là một giá trị thì sẽ thấy trân trọng. Thứ 3 là hợp tác phải “win - win”, tức là nhà trường thắng lợi - DN thắng lợi - người học thắng lợi. Từ đó mới mang lại giá trị cho nhau. Ban đầu, có thể chỉ hợp tác với 1 hoặc 2 DN, sau đó thu hút được những DN lớn thì các DN trong cộng đồng DN họ sẽ giới thiệu, chia sẻ với nhau và tìm đến nhà trường.
Nhắc lại những ngày khởi đầu gian nan, TS Ngọc cho rằng trong câu chuyện hợp tác với DN, hầu hết là nhà trường đi tìm DN trước, mời DN hợp tác. “Để khi được win- win như hôm nay, đó là câu chuyện dài. Bao nhiêu nỗ lực, công sức, tâm huyết và trăn trở…” - TS Ngọc nói.
Chia sẻ quan điểm này, đại diện Trường CĐ Lý Tự Trọng (TP HCM) cho biết nhà trường đã vận dụng nhiều cách làm để xây dựng mối liên kết chặt chẽ với DN. Bắt đầu từ việc cùng DN tham gia hỗ trợ trường trong các hoạt động tư vấn tuyển sinh; tham gia xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo. Hằng năm nhà trường tổ chức các ngày hội việc làm tại trường, chủ động mời các DN đến trường gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với HSSV để giới thiệu về các ngành, nghề đào tạo của trường với các DN, cũng như giúp HSSV có thể tiếp nhận và trao đổi thông tin cần thiết về điều kiện tuyển dụng của các DN, về cơ hội nghề nghiệp; tổ chức các buổi tham quan thực tế tại các doanh nghiệp cho HSSV của trường, tham quan, tiếp cận trực tiếp quy trình và công nghệ vận hành sản xuất của các công ty trong khu công nghiệp, khu chế xuất...
Mỗi trường một cách làm nhưng điều chắc chắn là để rút ngắn khoảng cách từ giảng đường tới thực tiễn DN thì chỉ có thể “bắt tay” vào làm. Nói như PGS. TS Cao Văn Sâm, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, nếu như nhà trường đóng cửa vì ngại tiếp xúc với DN lớn, sợ mình không đạt được yêu cầu của họ thì rất khó để giải bài toán gắn kết. Luôn luôn phải chủ động để có tâm thế tốt nhất, chứng minh cho DN biết nhà trường đang sẵn sàng để hợp tác dù có thể, ngay tại thời điểm đó, nhà trường chưa đáp ứng được chất lượng hoàn toàn như mong muốn của DN. Bởi không phải ngay từ đầu tất cả các trường đều có chất lượng tốt, đội ngũ hoàn hảo… nhưng nếu có quyết tâm, chắc chắn sẽ làm được.
Thay đổi để đáp ứng
Không chỉ nhà trường mà nhiều DN cũng chủ động tìm kiếm các nhà trường để hợp tác đào tạo sinh viên với mong muốn sau đào tạo sẽ có được những nhân lực đáp ứng ngay yêu cầu công việc.
Ông Nguyễn Tiến Đông - Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh Vinfast cho biết hiện Công ty đang ký kết hợp tác đào tạo với 5 trường CĐ ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Đơn cử, với Trường CĐ Cơ điện Hà Nội, DN sẽ cùng tham gia đào tạo song hành nghề Công nghệ ô tô và Cơ điện tử, đến nay đã có 155 sinh viên tham gia chương trình này.
“Chúng tôi cùng xây dựng chương trình đào tạo với nhà trường và tham gia đào tạo trực tiếp sinh viên tại xưởng sản xuất ở giai đoạn sau. Điều này rất khác với mô hình truyền thống là nhà trường có gì đào tạo đó. Và chuẩn đầu ra sẽ theo tiêu chuẩn của DN” - ông Đông cho biết.
Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng mạnh dạn và sẵn sàng thay đổi để đáp ứng yêu cầu hợp tác với DN. Cũng có trường hợp nguồn lực nhà trường không đủ để thay đổi… Đây chính là một rào cản trong quá trình “bắt tay” giữa hai bên.
Trao đổi về sự lãng phí nguồn nhân lực khi đào tạo xong, người học lại không làm việc cho DN, ông Đông cho rằng đó cũng là một băn khoăn. Song quan trọng hơn là để người học nhận thức được môi trường làm việc có phù hợp hay không. Vì thế, về phía người học cũng cần trao đổi rõ từ đầu về mong muốn, sở thích theo nghề và có sự sàng lọc nhất định về sự phù hợp với nghề. Bởi khác với việc học nghề tại nhà trường, các bạn có thể mơ hồ về công nghệ ô tô là sẽ làm gì? Khi theo học chương trình hợp tác này, sinh viên sẽ được định nghĩa ngay về vị trí công việc với việc học qua tỷ lệ 30% lý thuyết - 70% thực hành.
Trường CĐ nghề Việt Xô 1 (Vĩnh Phúc) hiện đang hợp tác Công ty cổ phần Fecon trong việc tuyển sinh, đào tạo sinh viên. Đại diện nhà trường cho biết, để DN tham gia vào cùng với nhà trường, bản thân nhà trường cũng phải thay đổi rất nhiều trong cách đào tạo, nắm bắt nhu cầu của DN để nâng cao chất lượng đào tạo với mục tiêu cuối cùng là giải quyết việc làm sau khi sinh viên tốt nghiệp...
Như vậy, không chỉ chủ động đi tìm DN mà song song với đó, các nhà trường cần chuẩn bị các điều kiện và sẵn sàng bỏ các nguồn đối ứng ra để đáp ứng yêu cầu của DN.
“Phải trả lời được câu hỏi, nhà trường có gì hấp dẫn được DN? DN đến với mình để giải quyết bài toán gì? Họ được hưởng lợi gì? Từ đó có sự chuẩn bị trong trường cho phù hợp. Bên cạnh đó, không thể thiếu được là phải thu hút đầu tư và có chiến lược đi tắt đón đầu. Bởi nhiều ngành nghề đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu, nhanh, rộng… nên nếu cứ làm bình bình thì không ổn. Phải nhanh chóng phân tích, đưa giải pháp đột phá để bám sát xu thế đào tạo nhân lực” - TS Đồng Văn Ngọc chia sẻ.