Cao điểm giao thông cận Tết Nguyên đán là thời điểm số lượng phương tiện lưu thông tăng cao, thường xuyên xảy ra ùn tắc, các vụ tai nạn vì thế có chiều hướng gia tăng.
Đã có nhiều giải pháp được đưa ra để bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong thời điểm này, nhưng về lâu dài đòi hỏi các thiết chế phải đủ mạnh, người dân phải nâng cao nhận thức, tôn trọng và chấp hành Luật Giao thông đường bộ để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Tại Hà Nội, nếu như trước đây tình trạng ùn tắc giao thông thường xảy ra vào giờ cao điểm thì những ngày cận Tết việc tắc đường lại xuất hiện gần như ở tất cả các khung giờ, trên các tuyến phố và trục đường lớn nhỏ. Nhất là tại các tuyến đường như: Đường dẫn lên cầu vượt Ngã Tư Sở, Trường Chinh; đường Nguyễn Trãi (đoạn đối diện Trường Đại học Hà Nội đến lối xuống hầm chui Thanh Xuân); ngã tư Nguyễn Xiển; đường Phạm Hùng (đoạn bến xe Mỹ Đình)...
Tham gia giao thông tại Hà Nội vào những ngày này khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi, thậm chí là ngán ngẩm... Chị Phương Linh (24 tuổi, sống tại quận Hai Bà Trưng làm việc tại quận Thanh Xuân) chia sẻ: “Mặc dù ngày nào tôi cũng đi qua Ngã Tư Sở và đã quá quen với chuyện ùn tắc buổi sáng, nhưng cả tuần nay tôi thường phải mất từ 40 phút đến 1 tiếng đồng hồ để di chuyển bởi đường quá đông, người tham gia giao thông ai cũng thấy căng thẳng, mệt mỏi”.
Còn anh Trịnh Giang (41 tuổi, sống tại phường Minh Khai, làm việc tại phố Thái Hà) ngán ngẩm với cảnh lò dò di chuyển mỗi lần lái xe. “Thời điểm cuối năm cộng thêm thời tiết mưa, lạnh trong mấy tuần qua càng khiến cho mật độ giao thông tăng cao. Với những người sử dụng phương tiện xe ô tô như tôi luôn phải căn thời gian dư ra cả tiếng đồng hồ nếu muốn đi làm đúng giờ. Mỗi ngày với cảnh nhích từng chút từng chút để đi hết một đoạn đường nhiều lúc cũng khiến tôi cảm thấy bực mình”, anh Giang nói.
Đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, trên địa bàn hiện có 234 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông dịp cuối năm. Các điểm có nguy cơ cao nhất là khu vực cửa ngõ phía Nam, chiếm đến 70% phương tiện ra, vào Hà Nội, trong đó có tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ, đường Vành đai 3 trên cao. Bên cạnh đó, các cây cầu cửa ngõ như Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Chương Dương, Nhật Tân, Thăng Long và các tuyến đường có bến xe lớn như Giải Phóng, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Cừ… cũng có nguy cơ ùn tắc rất cao.
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo cảnh báo, từ nay đến Tết Giáp Thìn ùn tắc giao thông dự báo sẽ còn diễn biến khó lường do người dân tỉnh thành khác đổ về Thủ đô, nhu cầu đi lại, sắm Tết, vận chuyển hàng hóa… tăng cao đột biến.
Bên cạnh đó, hiện nay thành phố đang triển khai nhiều công trình trọng điểm dẫn đến rào chắn làm thu hẹp mặt cắt tuyến đường. Ngoài ra, ý thức tham gia giao thông người dân chưa cao, không tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, dẫn tới tình trạng các loại xe thi nhau "điền vào chỗ trống" mạnh ai nấy đi, không theo hàng lối... là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông vẫn còn tồn tại kéo dài.
Ông Trần Hữu Minh - Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, theo tổng hợp từ báo cáo nhanh của Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an và Cục Hàng hải Việt Nam, tháng 1/2024 (tính từ ngày 15/12/2023 đến ngày 14/1/2024), toàn quốc xảy ra 2.434 vụ tai nạn giao thông, làm 967 người tử vong và 2.037 người bị thương. Nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông chủ yếu theo Cục Cảnh sát giao thông là do người điều khiển phương tiện thiếu chú ý quan sát; vi phạm phần đường; không làm chủ tốc độ; tránh, vượt sai quy định; không nhường đường; sử dụng rượu, bia; không giữ khoảng cách...
Vì thế, với số lượng lớn các phương tiện tham gia giao thông trong những ngày cuối năm, dự đoán số lượng các vụ tai nạn giao thông có khả năng sẽ tiếp tục gia tăng. Thời điểm cận Tết, người dân khi tham gia giao thông cần hết sức bình tĩnh và tập trung để xử lý các sự cố trên đường, tránh những tai nạn đáng tiếc.
Để phòng ngừa tai nạn giao thông và giữ gìn trật tự an toàn giao thông phục vụ nhân dân cả nước đón Tết và các lễ hội bảo đảm an toàn, an ninh, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện số 10/CĐ-TTg về tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an quyết liệt chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người tham gia giao thông nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
Với Hà Nội, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô, phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán, lễ hội đầu năm an toàn, Đại tá Trần Đình Nghĩa - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội cho biết, lãnh đạo Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội chủ trì, phối hợp với các phòng nghiệp vụ, công an quận, huyện huy động lực lượng, phương tiện triển khai quyết liệt Phương án 04 về chỉ huy giao thông, điều khiển giao thông, chống ùn tắc giao thông và phòng ngừa tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô dịp Tết Nguyên đán.
Duy trì lực lượng tại hơn 200 điểm nút được xác định thường xuyên xảy ra ùn tắc. Hàng ngày công an bố trí lực lượng 3.000 cán bộ chiến sĩ, người dân vào khung giờ cao điểm sáng, chiều song hành cùng VOV Giao thông hướng dẫn, xử lý kịp thời các sự cố ùn tắc giao thông...
Những biện pháp của cơ quan chức năng khi được thực thi sẽ phần nào giải bài toán đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết. Tuy nhiên về lâu dài, đòi hỏi các thiết chế mạnh hơn để đủ sức răn đe các trường hợp cố tình vi phạm luật giao thông. Với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và dự thảo Luật Đường bộ hiện đang chờ Quốc hội cho ý kiến, trong thời gian tới hy vọng luật sẽ được xây dựng chặt chẽ, chi tiết và cụ thể hơn các quy định đã ban hành trước đó để phù hợp với thực tiễn.
Nhưng trên hết để giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông cần phải giúp người dân nâng cao ý thức, xây dựng văn hóa giao thông. Hiện nay đa số người dân đã có ý thức trong việc giữ an toàn khi tham gia giao thông, tuy nhiên vẫn có không ít trường hợp lách luật, phóng nhanh, vượt ẩu, đi sai làn, lạng lách đánh võng gây nguy hiểm cho người đi đường. Chưa kể đến có đoạn đường hàng chục xe máy vô tư đi ngược chiều làm tắc ứ giao thông.
Dịp gần Tết phát sinh thêm nhiều dịch vụ vận chuyển hàng hóa, xe đưa đón bắt khách dọc đường gây ảnh hưởng đến luồng giao thông chung... Với những hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông như vậy sẽ làm tăng thêm nguy cơ xảy ra các vụ tai nạn giao thông.
Vì vậy, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và từng cá nhân.
Xây dựng thói quen ứng xử có văn hóa, đúng pháp luật khi tham gia giao thông không chỉ giúp giảm tai nạn mà còn góp phần xây dựng văn hóa, ứng xử văn minh nơi công cộng.
Việc xây dựng văn hóa giao thông trước mắt sẽ có tác dụng hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông trong điều kiện hạ tầng giao thông chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội. Về lâu dài, việc tuân thủ pháp luật về giao thông trong người dân sẽ góp phần tạo ra môi trường giao thông an toàn và văn minh hơn.
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia: Nâng cao trách nhiệm bảo vệ mình và người khác khi tham gia giao thông
Năm nào cũng vậy, ở tầm vĩ mô, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, các cơ quan chức năng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông từ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và dịp lễ hội xuân. Và vừa qua, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp một số đơn vị tổ chức lễ phát động ra quân Năm An toàn giao thông 2024 và đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông Tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội xuân năm 2024. Ba mục tiêu được đưa ra: Nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn; hằng năm kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông cả về số vụ, số người chết và số người bị thương; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính và tại các đô thị lớn.
Tuy nhiên thời gian qua, không ít vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vẫn xảy ra, bắt nguồn từ chính hành vi của người điều khiển phương tiện, như đi quá tốc độ, đi sai làn đường, sử dụng ma túy khi lái xe… Trong sâu xa, những nguyên nhân ấy nằm ở công tác tổ chức, quản lý, giám sát an toàn giao thông của chính đơn vị vận tải, đồng thời cũng có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng tuần tra, kiểm soát phương tiện. Nếu làm tốt tất cả các khâu, phát triển tốt hệ thống giám sát hành trình, báo cáo tai nạn, cảnh báo tai nạn được đầy đủ, hiệu quả thì chúng ta không chỉ kiểm soát tốt hành vi của tài xế, mà còn nhanh chóng có giải pháp kịp thời phòng ngừa tai nạn.
Trong thời gian tới, để đạt được phát triển bền vững vào năm 2030, với nhiều mục tiêu khác nhau, trong đó là kéo giảm số vụ, số người thương vong vì tai nạn giao thông, chúng ta phải xây dựng hệ thống luật thật khoa học, chi tiết và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Trong sâu xa, phải giáo dục, đào tạo ý thức chấp hành an toàn giao thông có hiệu quả từ trong nhà trường, để mỗi người tham gia giao thông có trách nhiệm bảo vệ mình và người khác. Ngoài ra, ở các khâu xây dựng hạ tầng giao thông, quản lý hạ tầng, quản lý phương tiện, đơn vị vận tải, xử lý vi phạm… phải được làm nghiêm, khoa học, vì sự bình yên và phát triển bền vững.
PGS.TS Phạm Việt Cường - Chuyên gia giao thông: Quan trọng nhất vẫn là ý thức tuân thủ pháp luật của người dân
Dịp cận Tết có rất nhiều yếu tố dẫn đến việc ùn tắc, trong đó yếu tố chủ quan của người tham gia giao thông đóng vai trò quan trọng. Với tâm lý vội vã, ai cũng muốn nhanh giải quyết công việc cá nhân nên nhiều khi không tuân thủ tín hiệu giao thông, nguyên tắc khi tham gia giao thông. Không ít trường hợp đi lấn làn, vượt đèn đỏ, hoặc cố vượt khi đèn tín hiệu chỉ còn 1,2 giây là chuyển sang màu đỏ. Tại các nơi đường giao nhau, nếu mỗi người đều cố vượt thì rất dễ xảy ra tắc nghẽn giữa các luồng giao thông, thậm chí kéo dài hàng giờ đồng hồ.
Điểm nữa là ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của một bộ phận người dân còn hạn chế. Đa phần người dân khi nhìn thấy lực lượng chức năng hoặc cảnh sát giao thông thì có ý thức tuân thủ nhiều hơn. Còn nếu như vắng bóng lực lượng cảnh sát giao thông thì việc tuân thủ luật lệ giao thông chưa được nghiêm. Lực lượng cảnh sát giao thông dù đã căng hết sức để phân luồng, điều tiết giao thông nhưng dường như cũng quá tải, bởi nếu căng người phân luồng thì sợ bỏ lọt vi phạm, mà tập trung tuần tra xử phạt lại thiếu nhân sự điều tiết giao thông.
Vậy nên, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức tuân thủ pháp luật về giao thông của người dân. Bên cạnh đó, ở tầm vĩ mô, các đô thị, thành phố lớn cần có phương án cụ thể để phân bổ giao thông và giảm ùn tắc, nhất là những thành phố có mật độ giao thông lớn như Hà Nội, TPHCM... Một trong những việc cần thiết phải làm là có những số liệu cập nhật, thống kê dự báo về khoảng thời gian lưu lượng tăng lên nhiều. Trên cơ sở số liệu thực tế sẽ tăng cường hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm được, tránh ra đường vào thời điểm ùn tắc.