Trong vòng 5 năm, số người sử dụng thuốc lá điện tử trên toàn cầu đã tăng gấp 3 lần, vượt mốc 82 triệu người vào năm 2023.
Trước cảnh báo về những nguy hại mà thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có thể gây ra cho người sử dụng, nhiều chuyên gia y tế đã chỉ ra rằng loại thuốc này đang nhắm đến đối tượng là giới trẻ và cả người chưa hút. Vì vậy việc cấm hoàn toàn loại thuốc lá này được cho là biện pháp hiệu quả bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Thuốc lá điện tử còn được gọi tên khác như E-cigarette hay Vape. Thiết bị này bao gồm các thành phần chính là pin sạc, bộ phận đốt nóng (coil), buồng chứa dung dịch và vòi hít. Nó hoạt động bằng cách nung nóng một dung dịch chứa nicotine, các chất phụ gia và hương liệu nhân tạo, tạo ra khí dung mà người dùng hít trực tiếp vào phổi.
Theo các chuyên gia y tế, điều đáng lo ngại là thành phần của thuốc lá điện tử chứa đựng nhiều chất độc hại. Nếu như thuốc lá truyền thống chứa khoảng 7.000 hóa chất độc hại, thì thuốc lá điện tử không hề kém khi một đợt khí dung từ nó có thể chứa đến 2.000 hóa chất khác nhau, trong đó có ít nhất 60 chất được xác định là có khả năng gây ung thư cao.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuốc lá điện tử chứa tới 15.000 loại hương vị, nguy cơ trộn hương vị và cả chất ma túy. Người hút dễ phơi nhiễm các chất độc gây bệnh ung thư, tim mạch, hô hấp, ảnh hưởng phát triển trí não. Các chất độc được tìm thấy trong dung dịch thuốc lá điện tử và trong khói. Vì vậy, thuốc lá điện tử có hại cho cả người dùng và người xung quanh. WHO khẳng định: Không có bằng chứng nào chứng minh thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng ít gây hại hơn các sản phẩm thuốc lá thông thường. Ngược lại chúng đều chứa các chất gây nghiện cao và làm tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe. Thậm chí so với thuốc lá truyền thống, thuốc lá điện tử tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn khi sự độc hại được che giấu bằng công nghệ và các biện pháp quảng cáo hấp dẫn. Nó cũng dễ dàng tiếp cận với giới trẻ bằng thiết kế bắt mắt, hương vị hấp dẫn và quan niệm sai lầm về tính an toàn.
Theo BS Ngô Anh Vinh - Phó trưởng khoa sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi trung ương, thuốc lá điện tử chứa nicotine là chất gây nghiện, vì thế trẻ có thể vật vã khó chịu khi sử dụng. Nicotine có thể gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, gây suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến trí tuệ do não bộ của trẻ chưa hoàn thiện.
Đồng quan điểm, PGS.TS Phan Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, bệnh viện Bạch Mai khẳng định: Nếu chưa bao giờ hút thuốc thì đừng thử vì thuốc lá điện tử vẫn có chứa nicotine và cũng sẽ gây nghiện. Thuốc lá điện tử hoạt động nhờ pin và tinh dầu. Loại tinh dầu này gồm chất lỏng nicotine được hòa tan trong nước và propylene glycol. Khi sử dụng, bộ cảm biến trong điếu thuốc sẽ kích hoạt làm cho điếu thuốc lá điện tử hoạt động. Nó sẽ làm phần đầu của điếu thuốc nóng lên, đốt cháy lượng tinh dầu, tạo ra khói. Người hít phải khói thuốc lá điện tử thụ động cũng giống như người hút trực tiếp đều có nguy cơ mắc hơn 25 loại bệnh tật. Nặng nề nhất như: ung thư phổi, ung thư thanh quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ, xuất huyết não, ung thư dạ dày…
Nicotine, một chất gây nghiện mạnh, là thành phần chính trong cả hai loại thuốc lá điện tử và thuốc lá điếu. Nó gây tác động nghiêm trọng đến hệ thần kinh với các triệu chứng tăng nhịp tim, co thắt mạch máu ở tim, tăng mạch và huyết áp. Nicotine còn ảnh hưởng đến sự phát triển và di căn của khối u và có khả năng thúc đẩy, hình thành các khối u. Chúng đặc biệt nguy hiểm cho sự phát triển não bộ của trẻ em và thanh thiếu niên, kéo theo những hậu quả nghiêm trọng là nghiện, gây ra những thay đổi não bộ vĩnh viễn, rối loạn nhận thức và cảm xúc, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng học tập, trí nhớ, kiểm soát hành vi và gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho hệ hô hấp.
Phơi nhiễm nicotine cũng đặc biệt gây hại cho sức khỏe bà mẹ và bào thai trong thời kỳ thai nghén, có thể gây đẻ non, thai chết lưu, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.
PGS.TS Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh: Hút thuốc lá gây ra nhiều bệnh mạn tính, nan y và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu mà có thể phòng tránh được. Theo đó, thuốc lá điện tử còn có propylene glycol, glycerin và một loạt các hóa chất nguy hiểm như formaldehyde, acetone, acrolein. Các kim loại nặng như chì, niken, crom được tìm thấy trong khí dung của thuốc lá điện tử có hàm lượng tương đương hoặc cao hơn so với thuốc lá thông thường, gây ra những tác hại khôn lường đến hệ hô hấp và cơ thể con người. Khói từ thuốc lá điện tử còn trực tiếp gây tổn thương niêm mạc phổi, làm tăng đáng kể nguy cơ các bệnh về phổi, trong đó có ung thư phổi. Do vậy, không thể coi việc sử dụng thuốc lá điện tử như một phương pháp cai nghiện, hoặc để giảm tác hại của thuốc lá điếu. Thực tế đây chỉ là phương thức thay thế một sản phẩm gây nghiện khác và tạo ra một thế hệ người nghiện mới.
Theo số liệu thống kê của WHO, mỗi năm thuốc lá gây ra khoảng 8 triệu ca tử vong trên thế giới. Trong đó có 1 triệu ca tử vong do hút thuốc lá thụ động với 64% nạn nhân là nữ và 160 nghìn ca là trẻ em dưới 5 tuổi. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40 nghìn người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Điều đáng lo ngại là trong vòng hai năm trở lại đây, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh từ 13 đến 15 tuổi đã gia tăng một cách đáng kể từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023. Tại Việt Nam, qua tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho thấy: chỉ tính riêng năm 2023, đã có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Triệu chứng khi nhập viện chủ yếu do: dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp.
Nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, ngày 30/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ năm 2025.
Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh: Đây là vấn đề phải xử lý cấp bách, do đó Quốc hội đã xử lý ngay vấn đề thuộc thẩm quyền, đưa vào Nghị quyết của Kỳ họp thứ 8 chứ không chờ sửa Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Quốc hội cũng yêu cầu đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đối với thanh niên, thiếu niên về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người.