Văn hóa

Gập ghềnh hành trình công nghiệp văn hóa

Nam Anh 01/06/2024 09:50

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa chính thức được triển khai từ năm 2016, nhưng đến nay những mục tiêu cơ bản nhất của chiến lược vẫn chưa cán đích.

anhbaitren(10).jpg
Tháp nước Hàng Đậu trở thành điểm đến của đông đảo du khách trong dịp lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023. Nguồn: Travellive+.

Đi tìm tiếng nói chung

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa được xem là một trong những giải pháp đột phá trong phát triển văn hóa nói riêng, phát triển đất nước nói chung.

Từ đó, ông Sơn cho rằng cần suy nghĩ nghiêm túc, hành động quyết liệt hơn nữa để các ngành công nghiệp văn hóa mang lại lợi ích cho sự phát triển bền vững. Ông Sơn cũng từng chỉ ra điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong hành trình phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và xây dựng thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa.

Ngày 22/12/2023, tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, một số ý kiến cho rằng lĩnh vực này đã có những chuyển biến tích cực, nhất là ở những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng - 3 thành phố được thiết kế để trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước.

Tuy nhiên, tới thời điểm này, nhiều ý kiến lại cho rằng con đường phát triển công nghiệp văn hóa ở nước ta vẫn gập ghềnh. Nhân dịp Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, câu hỏi được đặt ra: Hà Nội cần ứng xử ra sao với những di sản công nghiệp? Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, hơn 10 năm trước khi tham gia làm Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, Quy hoạch Hà Nội mở rộng, rồi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; đã có nhiều ý kiến đặt ra vấn đề di dời cơ sở công nghiệp, kho tàng, bến bãi ra khỏi trung tâm.

Một số cơ sở đã được di dời, nhưng thay vào đó là các dự án bất động sản lớn. Vì thế, theo ông Chính, Hà Nội phải xác định rõ mục đích sử dụng các diện tích đất di dời. Trên cơ sở đó, các nhà quy hoạch, các kiến trúc sư cảnh quan, các nhà văn hoá, nhà chuyên môn mới đưa ra các ý tưởng khai thác không gian, lập đề án...

Nói rõ hơn về “hiện tượng” Nhà máy xe lửa Gia Lâm gây chú ý trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, TS Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho rằng, câu chuyện thiết kế sáng tạo đương đại và câu chuyện của di sản vật thể gắn liền với những ký ức đã tồn tại cả thế kỷ rất khác nhau và nếu để chúng tại các khu trưng bày chỉ có thể có sức hấp dẫn trong ngắn hạn. “Muốn có sản phẩm sáng tạo, chúng ta phải đầu tư cho nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực thực hành” - bà Lý lưu ý.

Như vậy, cả việc dành diện tích cho không gian văn hóa sau khi di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi trung tâm, cũng như biến di sản công nghiệp thành nơi sáng tạo, trưng bày mới trong công nghiệp văn hóa không hề dễ dàng. Nói cách khác là chưa tìm được tiếng nói chung.

Thấy gì từ những “thương vụ” đình đám?

Thực tế cho thấy, những sự kiện văn hóa - giải trí “thắng đậm” thời gian gần đây đã chứng tỏ sức mạnh của công nghiệp văn hóa.

Theo Touring Data (chuyên trang thống kê số vé bán ra và doanh thu các tour diễn của nghệ sĩ toàn cầu), 2 đêm diễn (29/7 và 30/7/2023) của nhóm nhạc nữ BlackPink tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) có tới 67.443 khán giả. Giá vé dao động từ 1,2 triệu đến 9,8 triệu đồng. Doanh thu 335 tỷ đồng từ bán vé. Cũng cần nói thêm rằng, việc 3 trong 4 thành viên của nhóm nhạc này là Rosé, Jisoo và Jennie khi đăng tải những hình ảnh tại Việt Nam trên mạng đã nhận được hơn 23,5 triệu lượt người thích.

Có thể dẫn thêm một ví dụ về siêu sao ca nhạc người Mỹ Taylor Swift. Chỉ một đợt lưu diễn tại Anh, cô đã mang về 1,25 tỷ USD. Tour diễn này có khoảng 1,2 triệu người mua vé, với mức chi tiêu trung bình lên tới 848 bảng Anh (khoảng 1.077 USD/người), bao gồm chi phí vé, đi lại, ăn ở, mua sắm và các hoạt động giải trí khác.

Còn tại Singapore, mỗi đêm diễn của Taylor Swift có hơn 50.000 khán giả. Giá vé dao động từ 108 đến 1.228 USD/vé. Theo tờ The Strait Times, doanh thu du lịch của Singapore tăng lên tới 500 triệu USD sau 6 đêm diễn của nữ siêu sao này.

Để có được thành công vang dội trong lĩnh vực biểu diễn, người ta phải tạo ra được mô hình hoàn hảo, từ lựa chọn đầu tư cho đến đào tạo, phong cách diễn, quảng bá, phương cách thương mại... Đó thực sự là một ngành công nghiệp không dựa vào ăn may.

Nhìn từ những “thương vụ” đình đám có thể thấy việc xây dựng công nghiệp văn hóa Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm. Nhưng nếu không làm bài bản, vẫn loay hoay thì hành trình ấy sẽ còn tiếp tục gập ghềnh chưa rõ lúc nào cán đích.

Công nghiệp văn hóa là thuật ngữ sử dụng cho các ngành công nghiệp kết hợp với sự sáng tạo, sản xuất và thương mại hóa các nội dung sáng tạo. Các ngành công nghiệp văn hóa thể hiện rõ xu thế kinh tế và văn hóa thấm sâu vào nhau, là kết hợp của các yếu tố chính: sáng tạo, cơ sở hạ tầng và công nghệ sản xuất hiện đại, từ đó có thể sản sinh ra các sản phẩm văn hóa đem lại lợi ích kinh tế; đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ văn hóa ngày mạnh mẽ và đa dạng của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gập ghềnh hành trình công nghiệp văn hóa