Sáng khe khẽ con chim gì hót quá/ Nghe dịu dàng cánh gió dẫn vào thu/ Em là quả hay bầu trời mách thế/ Bờ môi trầm hổ phách nét ưu tư.
Bỗng lòng tôi vấp vào một nỗi niềm rất cũ, những chiếc lá xao xác rơi trong ảm đạm của chiều. Tôi chợt bâng khuâng trong lành lạnh mùa thu đến, theo cơn mưa nặng hạt bất chợt ban chiều. Áo trắng nữ sinh đến trường thắp sáng con phố lá vàng bay. Đôi mắt long lanh đen soi rạng ngời ước mơ. Góc hồ đã như lên men hương hoa nồng nàn. Có lẽ, ít ngày nữa thôi, hoa sữa - một đặc trưng rất rõ của Hà Nội mà ít thành phố nào có được. Nó làm chùng xuống bao nhiêu gấp gáp của những tháng ngày mưu sinh vội vã, làm dịu nhẹ những hối hả vòng bánh xe qua. Ai cũng có thể nao lòng nhớ về một thời đã cũ khi một mình dạo phố quen, chợt gặp lại mình ở tháng năm xa, những bạn bè thân, tiếng cười hiền và đôi má lúm…
Thời học sinh, tôi yêu những ngày xốn xang dạo phố, và chắc có lẽ yêu mùa thu hơn cả. Yêu cái lành lạnh thấm trong gói ô mai tuổi ngây khờ. Trong ánh mắt bạn bè nhìn nhau đã biết yêu biết giận. Và thể nào trong ngăn cặp bạn gái, chẳng phập phồng một lá thư tay của bạn trai. Bây giờ, với những người tuổi hơn bốn mươi, mùa thư tay, mùa học trò đã trở thành quá vãng. Ai cũng đi qua tuổi học trò và khi tuổi ấy lăn vào quá khứ, thể nào những người có tâm hồn lãng mạn, khi đi qua trường học chẳng bảng lảng dội về lòng mình những mảnh ký ức, đẹp đẽ, tươi nhuần. Có người mênh mang đưa con đến trường mà cứ ngỡ mình… đi học. Phải. Một ý nghĩ bất chợt lóe lên… và giật mình.
Hà Nội mùa lá me bay, mùa hoa cúc dâng hương, mùa mưa giăng bất chợt. Thủ đô không chỉ là trái tim của cả nước, mà còn gìn giữ bao nhiêu giá trị trong lòng thành phố thâm sâu nghìn năm, và sẽ bảo lưu tiếp những vẻ đẹp trầm lắng trong hơi thở của thời gian. Nhưng Hà Nội cũng thênh thang để cho khát vọng tuổi trẻ được phát huy tài năng, giá trị và làm giàu thêm vẻ đẹp thành phố bởi những cống hiến của thế hệ này tới thế hệ khác.
Thu cứ đem đến vẻ gì đó buồn thương da diết. Cứ thu nọ tiếp thu kia. Lá trải lên lối xưa suốt cả trăm năm nỗi niềm của cả những gì muốn chôn dấu, mà lại gợi nhớ. Trong hàng chục thi sĩ, nhạc sĩ si tình nhìn mùa thu đi qua phố, lại ghi vào thời gian, vào lòng người biết bao tác phẩm xúc động. Trong những lời của bài hát, câu thơ chỉ thấp thoáng sự thảng thốt. “Vẫn là mùa thu cũ đấy thôi anh/ Lá vẫn rải vàng trên con đường vắng/ Em nằm nghe trong những đêm sâu thẳm/ Hương hoa sữa ngọt dần cả trong giấc chiêm bao/ Vẫn là một mùi hương phảng phất đến nôn nao”. Nhạc sĩ Trần Tiến cũng thốt lên: “Người ngồi đó thời thiếu nữ/ Đã qua bao mùa thu lá bay/ Người ngồi đó hàng hiên cũ/ Phố xưa sương mù hiu hắt chờ/ Lá bay buồn như chiếc lá bay…”
Yêu mùa thu Hà Nội, làm sao ta có thể quên bài “Áo lụa Hà Đông” của thi sĩ Nguyên Sa, đã được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ nhạc. Thu về mà thương áo lụa, và yêu tà áo dài đến thế. Thu về mà miên man thương nhớ cả những làng lụa, những nương dâu biêng biếc với biết bao người nông dân hay lam hay làm. Học sinh, và cả người lớn nữa, mấy ai còn nhớ nghề trồng dâu nuôi tằm. Ở ngoại thành Hà Nội thôi, ven những bãi sông đều lóng lánh những ngôi làng có nghề ấy. Nghề dệt lụa, dệt thời gian, dệt ước mơ và cả kỷ niệm. Nghề ấy cũng dệt cả những mùa thu ngoại thành thật đẹp.
Đêm thu thường có trăng. Có lẽ ai cũng yêu những mảnh trăng thiếu thời và ghi dấu biết bao dòng kỷ niệm bên hiên gió có ánh trăng soi, bên khung cửa sổ không khép bao giờ mà tình yêu được làm chứng bằng sự tinh nghịch của một thứ ánh sáng nhiệm màu. Ở phố giờ chật chội, khó tìm thấy một vầng trăng tròn trịa, một mảnh trăng cong cong lưỡi liềm, có hay chăng người ta phải lên tận “nóc thành phố”. Vậy nên, ánh trăng hiếm và thu da diết trong bồi hồi của không ít trái tim.
Ai gánh trăng về tưới lên mùa thu em, hay chỉ có những con phố đưa đón nhau suốt một thời vành vạnh ước mơ? Ở mùa thu cũ, tôi có một tình yêu nồng nàn, trong trắng như pha lê. Thế rồi chia xa, thế rồi nhung nhớ. Thu có hay chăng chỉ còn là những dấu hỏi hoài niệm. Hôm nay lang thang trên đường quen, tôi gặp một dáng hình như em thuở trước. Bỗng vụng về gom nhặt chiếc lá, cầm trên tay bùi ngùi tưởng tượng. Những chiếc lá chợt như nước tan trên lòng tay buốt lạnh. Tôi vụng về buông, vụng về khóc. Ôi chiếc lá, ôi những kỷ niệm của thời nông nổi. Sao cứ núp trong tôi đến mê mải một quãng đời?