Sau một mùa khô hạn cực kỳ khắc nghiệt (khoảng tháng 3-4/2024) nhiều địa phương phải công bố tình trạng thiên tai khẩn cấp. Hiện các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang gấp rút lên kế hoạch ứng phó. Trong đó phương án xây hồ chứa nước ngọt được đánh giá là phù hợp và mang lại nhiều lợi ích hơn cả.
Vai trò lớn của hồ chứa nước ngọt
Là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nhiều của xâm nhập mặn, huyện ven biển Ba Tri (tỉnh Bến Tre) có nhiều sông, kênh rạch nối với phía biển khiến cho công tác ứng phó gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để dự trữ nguồn nước ngọt mùa khô (thường kéo dài khoảng 2-3 tháng) một số hồ chứa nước ngọt dung tích lớn đã và đang được xây dựng ở đây. Nổi bật nhất là hồ chứa nước ngọt Lạc Địa ở xã Phú Lễ (huyện Ba Tri) với dung tích khoảng 1,3 triệu m3. Đây cũng là hồ nhân tạo lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khi hoàn thành vào năm 2025. Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày này lực lượng công nhân cùng nhiều máy móc thiết bị đang hối hả làm việc để hồ chứa nước có nguồn vốn 352 tỷ đồng hoàn thành đúng kế hoạch. Theo chủ đầu tư, hiện dự án đang thi công song song nhiều gói thầu, có gói đã hoàn thành hơn 80% khối lượng công việc và dự kiến toàn bộ công trình sẽ hoàn thành trong năm 2025.
Ông Nguyễn Văn Điền - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, chủ đầu tư dự án cho biết, khi hoàn thành đưa vào sử dụng, hồ chứa nước ngọt Lạc Địa sẽ phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất của hơn 60.000 hộ dân huyện Ba Tri, đảm bảo mọi người dân đều có thể tiếp cận với nước sạch không bị gián đoạn, nhất là trong mùa khô... Hiện cơ quan đang chỉ đạo các nhà thầu gấp rút khắc phục khó khăn, hoàn thành công trình đúng theo kế hoạch.
Nhiều người dân ở huyện Ba Tri cho biết, hồ chứa nước Lạc Địa hoàn thành sẽ cải thiện rất nhiều tình trạng thiếu nước ngọt vào những tháng khô hạn, giúp cho người dân trong vùng có nước ngọt sử dụng trong sinh hoạt đời sống cũng như sản xuất, tưới tiêu.
Cách hồ chứa nước Lạc Địa khoảng 10km, hồ chứa nước Kênh Lấp ở xã Tân Xuân (huyện Ba Tri) với dung tích khoảng 0,8 tới 1 triệu m3 nước đang là hồ chứa ngọt nhân tạo lớn nhất vùng ĐBSCL. Mặc dù vậy, vài năm trở lại đây hồ này đã không còn đủ nguồn nước dự trữ cung cấp cho cư dân trong vùng mùa khô hạn do nhu cầu quá lớn. Thậm chí có một số thời gian, hồ Kênh Lấp còn bị nhiễm mặn, cạn trơ đáy vì tình trạng hạn hán nghiêm trọng.
Trong khi đó, hồ chứa nước ngọt ở huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) cũng đã được đưa vào sử dụng sau 3 năm xây dựng với sức chứa 3,85 triệu m3 nước và kỳ vọng giải quyết tình trạng thiếu nước cho khoảng 113.000 người dân trong vùng. Với nguồn vốn khoảng 248 tỷ đồng, dự án được hình thành từ khu đầm nước tự nhiên có sẵn trước đó và sẽ phát huy hiệu quả trong mùa khô tới.
Thực tế vài năm trở lại đây, ở các khu vực như huyện Chợ Lách, Châu Thành (tỉnh Bến Tre) hay TP Mỹ Tho, Châu Thành (tỉnh Tiền Giang) cách cửa biển theo sông Tiền khoảng 50-60km nhưng độ mặn của nước sông cũng làm hư hại các vườn cây ăn trái. Và càng về phía biển, độ mặn của nguồn nước sông, đồng ruộng càng đậm đặc, điều này tác động xấu đến cây trồng, người dân cũng không thể sử dụng làm nước sinh hoạt… Chính bởi vậy, việc xây dựng các hồ chứa nước ngọt là vô cùng quan trọng và cần thiết.
Hàng loạt dự án chuẩn bị triển khai
Sau đợt thiếu nước được đánh giá là trầm trọng nhất trong nhiều năm trở lại đây ở khu vực ven biển huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) hay Cần Đước (tỉnh Long An)… các tỉnh miền Tây Nam bộ đã bắt tay vào việc ngăn chặn tình trạng này tái diễn trong mùa khô. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng phương án xây hồ chứa nước ngọt có tính bền vững, mang lại hiệu quả cao và đặc biệt có thể áp dụng cho cả nhu cầu sinh hoạt lẫn thuỷ lợi. Thực tế hiện nay hầu hết các tỉnh miền Tây Nam bộ đều có hồ chứa nước ngọt khép kín hoặc hồ chứa nước ngọt hở, là hệ thống sông, kênh rạch tự nhiên nhưng có xây cống, đập để ngăn mặn mùa khô. Nhưng với dự báo về sự diễn biến phức tạp của thời tiết và nguồn nước từ hệ thống sông Mê Kông, nhiều tỉnh thành dự kiến vẫn tiếp tục xây dựng thêm các hồ chứa nước ngọt quy mô lớn khác.
Cụ thể, tỉnh Tiền Giang đã có đề xuất xây dựng hồ chứa nước ngọt kênh Nguyễn Tất Thành dài 19km đi qua địa bàn huyện Tân Phước và Châu Thành. Dự án xây dựng hồ kênh Nguyễn Tất Thành được thiết kế bao gồm đập ở 2 đầu kênh, một nối với sông Tiền và một nối với kênh Nguyễn Văn Tiếp. Vào mùa khô, đập sẽ đóng lại để đảm bảo hồ được giữ hoàn toàn lượng nước ngọt trong kênh và sẽ dẫn vào các khu vực đồng ruộng, cư dân quanh vùng. Dự án có tổng nguồn vốn khoảng 400 tỷ đồng. Ngoài hồ này, tỉnh Tiền Giang cũng từng đề xuất ngăn sông Cửa Trung ở huyện Tân Phú Đông, gần giáp biển với chiều dài khoảng 14 cây số để tạo thành hồ chứa nước ngọt với kinh phí khoảng 900 tỷ đồng...
Trong khi đó, dù đã có nhiều hồ nước ngọt nhưng hiện tỉnh Bến Tre vẫn tiếp tục xây dựng hệ thống đê bao, cống ngăn mặn để biến sông Ba Lai, một tuyến sông lớn trên địa bàn ven biển Bến Tre thành hồ chứa nước khổng lồ. Nếu hoàn thành nhóm các dự án đê bao, cống thuỷ lợi này thì sông Ba Lai sẽ thành hồ chứa nước với dung tích 80 triệu m3, đủ để cung cấp và duy trì nguồn nước ngọt cho người dân Bến Tre trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất.
Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái đồng bằng sông Cửu Long:
Giải quyết nhu cầu nước ngọt là ưu tiên số 1
Trong bối cảnh hiện nay cần đặt việc giải quyết nhu cầu nước ngọt cho sinh hoạt của người dân ở những vùng có thể ảnh hưởng mặn là ưu tiên số 1. Khi chọn phương án làm các công trình ao, hồ hay kênh trữ ngọt có một số vấn đề cần cân nhắc. Đầu tiên là phải phân biệt rạch ròi giữa nguồn nước cho sinh hoạt và nguồn nước cho sản xuất (tưới tiêu). Công trình trữ nước cho sản xuất khó có thể đáp ứng tiêu chuẩn cho nước sinh hoạt vì có thể bị ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất dẫn đến hiện tượng phú dưỡng hữu cơ hay tích tụ độc chất vô cơ. Nước trữ trong ao, hồ là nước tĩnh, do đó hàm lượng ôxy trong nước thấp và ít có khả năng tự làm sạch. Do đó phải bảo đảm cắt mọi nguồn ô nhiễm vào nguồn nước này. Tiếp đó là cân nhắc giữa việc làm nhiều công trình (hồ chứa) nhỏ phân tán và một công trình lớn tập trung vì khi làm công trình lớn tập trung sẽ thuận lợi cho việc quản lý, lắp đặt nhà máy xử lý nước nhưng khoảng cách đến nhiều người dùng thì có thể xa và tốn kém, làm tăng giá thành của nước.