Kinh tế tăng trưởng ở mức cao trong tháng 9 và 9 tháng đầu năm, lạm phát trong tầm kiểm soát - đó là thông tin tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra sáng 1/10. Chiều cùng ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì họp báo thông tin về phiên họp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.
Tăng trưởng kinh tế toàn diện ở nhiều lĩnh vực
Theo đó, có 8 chỉ tiêu Quốc hội giao năm 2018 sẽ vượt, 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch. Cùng với GDP 9 tháng tăng 6,98%, mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011, thì cả ba khu vực nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ đều tăng cao. Đặc biệt, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,65%.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số CPI bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 3,57%. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 179 tỷ USD, tăng 15,4%, xuất siêu đạt kỷ lục với mức 5,39 tỷ USD. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,9%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,3%. Trong 9 tháng, cả nước có trên 96.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.
Dù đạt được những thành tựu như vậy, nhưng theo ông Dũng, Thủ tướng cho rằng, vẫn có thách thức đối với nền kinh tế. Chẳng hạn, các tác động từ bên ngoài, nhất là trước tình trạng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc. Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 9/2018 tăng 0,59% so với tháng trước, chủ yếu do giá dịch vụ giáo dục tăng 5,7% và đặc biệt là giá xăng dầu tăng.
Trong đó, sức ép lạm phát còn rất lớn cả từ bên trong, bên ngoài, từ tỷ giá, lãi suất, lộ trình thực hiện giá thị trường, tăng lương, lạm phát tâm lý… Đây là vấn đề cần theo dõi chặt chẽ để xử lý kịp thời, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát đề ra.
Nỗ lực gỡ thẻ vàng cho hải sản
Tại cuộc họp báo, nhiều vấn đề báo chí quan tâm đã được đại diện các bộ ngành chức năng trả lời. Về vụ việc bảo kê ở chợ Long Biên (Hà Nội) Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo, dứt khoát xử lý nghiêm theo pháp luật, không có vùng cấm.
Để xảy ra tình trạng như vậy là có trách nhiệm của Ban Quản lý chợ, chính quyền phường, quận trên địa bàn. Do vậy, nơi nào để xảy ra vụ việc tương tự như ở chợ Long Biên sẽ xử lý nghiêm minh.
Theo đại diện Bộ Công an, vụ việc xảy ra là khó chấp nhận, nếu có bảo kê của nhiều cơ quan trong đó có công an. Hiện Công an Hà Nội đang vào cuộc khẩn trương điều tra, xác minh đưa ra xét xử...
Về xử lý container phế liệu hiện đang nằm phơi gió sương tại các cảng, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, các container này thuộc 116 tổ chức, cá nhân. Các cơ quan chức năng đã yêu cầu các chủ của các container này khẩn trương đến làm thủ tục thông quan.
Với phế liệu không đảm bảo môi trường sẽ xử lý theo hướng buộc phải tái xuất hoặc tiêu hủy. Chi phí tiêu hủy do cơ quan nhập khẩu trả. Với các lô hàng nhập khẩu phế liệu vô chủ, sẽ tìm doanh nghiệp đủ điều kiện xử lý như chất thải gây hại. Thời hạn là sau 5 tháng bắt đầu xử lý.
Về vấn đề gỡ thẻ vàng cho hải sản Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các điều kiện để gỡ thẻ vàng cho hải sản Việt Nam. Tháng 5 vừa qua, Đoàn đánh giá của EU sang khảo sát, sau khi đánh giá họ đã có ghi nhận nỗ lực của Việt Nam để sớm được rút thẻ vàng.
Tuy nhiên, thời gian tới, chúng ta cần hoàn thiện khung pháp lý, kiểm soát được tàu, đảm bảo thực thi pháp luật, truy xuất được nguồn gốc đảm bảo hợp pháp khi xuất khẩu. Theo kế hoạch cuối tháng 10 Đoàn giám sát của EU sẽ sang.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ tại buổi họp báo. Ảnh: VGP.
Không để tình trạng độc quyền sách giáo khoa
Trả lời câu hỏi về vấn đề độc quyền sách giáo khoa (SGK), Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Hữu Độ giải thích, Nghị quyết của Quốc hội về chương trình giáo dục phổ thông đã giao Bộ biên soạn tài liệu SGK mới. Bộ thành lập nhóm biên soạn sách, tổ chức biên soạn, thành lập Hội đồng thẩm định quốc gia, sau đó chuyển sang Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục in ấn, chỉnh sửa, thiết kế, minh hoạ.
Thời gian vừa qua, NXB Giáo dục đã tổ chức in ấn và đấu thầu in SGK ở 4 khu vực trong cả nước, nhằm giảm kinh phí vận chuyển từ nhà in đến nhà trường. Vừa qua, Bộ Thông tin -Truyền thông đã có quyết định giao cho 5 NXB có thêm chức năng in ấn SGK. Nên sắp tới việc xoá độc quyền SGK được thực hiện theo tinh thần nghị quyết Quốc hội là tổ chức một chương trình, có nhiều bộ sách giáo khoa, huy động nguồn lực xã hội hoá để biên soạn sách giáo khoa” - ông Độ nói.
Về vấn đề NXB Giáo dục kêu mỗi năm lỗ 40 tỷ đồng vì in SGK nhưng giữ mức chiết khấu 25% (tương đương 250 tỷ mỗi năm), Thứ trưởng Độ cho hay, theo báo cáo của NXB Giáo dục thì mức chiết khấu SGK chỉ từ 18 đến 20%. Mức chiết khấu này cho việc vận chuyển sách từ nhà in đến các công ty sách, thiết bị trường học và vận chuyển đến các trường học. “So với mức chiết khấu sách tham khảo từ 30-40% thì mức chiết khấu SGK chỉ để trực tiếp phục vụ công tác phát hành”.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, dư luận rất quan tâm đến SGK vì hàng năm chi phí quá lớn cho in ấn, phát hành sách. Trả lời câu hỏi có lợi ích nhóm hay không, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tại phiên họp, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giải trình theo hướng minh bạch, công khai để cử tri, nhân dân rõ.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ: Có độc quyền của NXB Giáo dục Việt Nam và tình trạng này đã được phân tích khi xây dựng Đề án đổi mới Chương trình, SGK giáo dục phổ thông và tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phải xóa độc quyền.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, không chỉ có độc quyền SGK mà còn có thực tế là nhiều trường bằng cách này hay cách khác “ép” học sinh, phụ huynh mua sách tham khảo để hưởng hoa hồng. Đây là một trong những biểu hiện rõ của tiêu cực trong giáo dục. Từ năm 2014, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GD&ĐT phải tập trung chấn chỉnh tình trạng “ép” may đồng phục, “ép” mua sách...