Yok Đôn là vườn quốc gia có diện tích lớn nhất đất nước, nằm trên địa bàn của hai tỉnh Đắk Nông, Đăk Lăk. Nơi đây cũng là vườn quốc gia duy nhất ở Việt Nam bảo tồn hệ sinh thái rừng khộp, có mùa xanh và mùa thay lá như rừng ôn đới.
Một góc vườn Quốc Gia Yok Đôn.
Có thể nói Vườn quốc gia Yok Đôn là nơi ẩn chứa nhiều điều kỳ thú, hấp dẫn cả du khách và các nhà khoa học bởi sự phong phú và độc đáo của thiên nhiên hoang sơ với nhiều loại cây gỗ quý như giáng hương, cà te, cẩm lai, trắc, gỗ đỏ, sao lá tím…Những buổi sớm mùa hè nắng nhẹ xuyên qua lá cây mang đến một bầu không khí trong lành và đẹp đến nao lòng. Còn về chiều, không gian trong rừng càng trong lành và yên bình đến lạ.
Đến đây, rất nhiều người tò mò về cái tên rừng khộp. Theo giải thích của người bản địa thì khộp được đọc từ tiếng Lào, còn có nghĩa là “khổ, nghèo”, rừng khộp còn có nghĩa là rừng nghèo, do điều kiện chất đất không dồi dào dinh dưỡng nên cây không lớn, tán không rậm và mùa khô thì cây trút lá. Khoảng tháng 5, khi mùa mưa bắt đầu, thì rừng lại phủ một màu xanh mướt mát.
Muốn ngắm nhìn toàn cảnh rừng khộp chỉ có cách là chinh phục đỉnh Yok Đôn - ngọn núi cao nhất được chọn để đặt tên cho Vườn quốc gia Yok Đôn. Nơi đây được bao phủ bởi thảm rừng xanh giữa muôn trùng rừng khộp tạo nên một cảnh quan tuyệt đẹp. Người dân bản địa vẫn truyền tai nhau rằng, nếu trước khi leo núi mà mang theo ý định xấu như: săn bắn thú rừng hoặc chặt cây lấy gỗ thì người đó sẽ bị lạc đường và không tìm ra lối về.
Rừng nguyên sinh chiếm trên 90% diện tích toàn vườn Quốc gia là môi trường sống lý tưởng cho nhiều loài động, thực vật. Hiện tại ở Yok Đôn có 489 loài, gồm 67 loài thú, 196 loài chim, 46 loài bò sát, 15 loài lưỡng cư và hơn 100 loài côn trùng. Hệ thực vật cũng rất phong phú với 858 loài, trong đó có tới 116 loài cho gỗ với giá trị cao như: trắc, cà te, cẩm lai, giáng hương, chiêu liêu đen... Đặc biệt, nơi đây còn có hơn 100 loài cây làm thuốc như địa liền, thiên niên kiện, hà thủ ô, sâm bố chính, mã tiền. Tuy nhiên, hiện nay những cây dược liệu này đang bị suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt nhiều loài thuốc quý đang đứng trước nguy cơ biến mất. Một trong những nguyên nhân là do việc khai thác chưa đi đôi với bảo tồn.
Đến Vườn quốc gia Yok Đôn không thể không chiêm ngưỡng Thác Bảy Nhánh, nơi duy nhất dòng sông Sêrêpốk huyền thoại chia làm 7 nhánh, hai bên là những tán cổ thụ tỏa bóng mát rượi, phía dưới dòng nước tuôn chảy róc rách qua những ghềnh đá. Đứng trên cao nhìn xuống, thác Bảy Nhánh như một bàn tay khổng lồ có bảy ngón xòe ra giữa ghềnh thác trắng xóa, vô cùng kỳ ảo.
Nơi rộng nhất của thác khoảng 2 km. Nhánh thác thứ nhất được che bởi những rặng si già, nhánh thác thứ hai, ba, bốn là những ghềnh đá lớn, rất phù hợp cho du khách ra tắm hoặc chụp ảnh lưu niệm. Nhánh thác thứ năm có bãi sạn, đá cuội được nước bào mòn xinh xắn. Và nếu nhánh thác thứ sáu là sáu bãi cát rộng, phẳng đẹp thì đến nhánh thứ bảy du khách sẽ được dạo mát trên cầu tre luồn lách qua các gốc si và rễ si già đan xen chằng chịt cùng thú vị.
Ngoài ra, vùng đệm Vườn quốc gia Yok Đôn còn có các bản làng định cư lâu đời như buôn Jang Lành, Đrang Phốk, Buôn Đôn. Người dân tộc thiểu số ở đây chủ yếu là Ê đê, M’nông và có thêm một số đồng bào từ nơi khác di cư tới như Lào, Tày, Mường... tạo ra một nền văn hóa đa sắc tộc với những lễ hội, phong tục tập quán rất độc đáo.