Là vật dụng quen thuộc từ trăm năm qua của người dân vùng đồng bằng châu thổ Cửu Long Giang, ghe thuyền gần như xuất hiện khắp nơi.
Thậm chí vài chục năm trước, nhà nào ở miền Tây cũng có một chiếc ghe nhỏ, neo buộc sau nhà. Nhưng dịch vụ ghe thồ (tương tự như xe thồ, xe ôm) có lẽ cũng chỉ xuất hiện chừng chục năm qua.
Đặc biệt, trong thời gian mùa nước nổi tràn về (kéo dài khoảng 3 tháng) thì ghe thồ xuất hiện ở khắp nơi. Với công việc chủ yếu chở người đi chợ, đi chùa, đi đám hay trẻ con đi học… ghe thồ đang khá quen thuộc ở những vùng sâu, vùng xa. Nếu như đò ngang, phà chỉ chở người qua sông thì ghe thồ “cơ động” hơn, có thể chở người đi bất cứ đâu trên mặt nước.
Những nữ ghe thồ
Nếu ai từng bước xuống những chiếc ghe vỏ lãi mỏng manh sẽ thấy, đây là một phương tiện cực kỳ khó khăn để di chuyển. Thậm chí nhiều người còn không thể lên được những phương tiện này chứ đừng nói là điều khiển. Nhưng ở khu vực Đồng Tháp Mười nói riêng và miền Tây nói chung, ghe vỏ lãi lại rất thân thuộc. Đặc biệt, phụ nữ cũng có thể điều khiển được. Những chiếc ghe vỏ lãi này chỉ dài chừng 5-7 mét nhưng lại có rất nhiều công dụng, đặc biệt là chở khách.
Có bận ngồi một quán nước nghỉ chân bên tuyến quốc lộ 62 với phía sau quán là kênh Dương Văn Dương, một con kênh đào quan trọng bậc nhất vùng châu thổ, tôi vô cùng bất ngờ khi thấy nhiều ghe vỏ lãi chở học sinh chạy ào ào qua. Trên ghe, những bóng em nhỏ mặc áo trắng quần xanh, đội mũ ngồi kín cả ghe nhìn rất lạ lẫm. Lúc này là buổi trưa, thời điểm các em tan học. Hỏi ra mới biết, đó là những ghe thồ chuyên đưa đón học sinh ở vùng này. Nhiều em, gia đình ở sâu trong đồng, nước tràn về thì ngoài ghe xuống, rất ít phương tiện có thể chạy tới.
Chị Nguyễn Thị Tố, 39 tuổi, ngụ ở thị trấn Bình Phong Thạnh (huyện Mộc Hoá, Long An)- một người chở ghe thồ chia sẻ. Hàng ngày, chị nhận chở khoảng 25 học sinh ở mấy xóm ra thị trấn học. Công việc khá đơn giản, chị giong ghe men theo sông Vàm Cỏ Tây vào mấy tuyến kênh nhỏ như kênh Quốc Phòng, kênh Bò Hút, kênh Cả Gáo… để đón các em tới trường buổi sáng. Trưa thì đón về. Nhiều em có học thể dục, học thêm buổi chiều chị cũng đưa đón luôn.
Kể về công việc hiện tại, chị Tố không giấu diếm gì chia sẻ luôn: “Mấy năm trước, do mỗi ngày phải đưa đón 2 đứa con và đứa cháu đi học bằng ghe vỏ lãi nên chị được vài hộ dân gần nhờ chở giùm. Do chở thường xuyên nên họ trả tiền chị đổ xăng chạy ghe. Dần dần chị mở dịch vụ, chở các em tới trường luôn. Sau đó, khi rảnh rỗi mình còn chở mấy người đi chợ, đi đám giỗ, đi chùa bên quốc lộ”.
Nhưng ở khu vực này, không chỉ riêng chị Tố chạy dịch vụ ghe thồ trên sông mà rất nhiều người cũng mở dịch vụ này. Hầu hết khách là người trong đồng, trên xóm ở vùng sâu. Nếu đi đường lộ ra ngoài quốc lộ hay thị trấn sẽ rất xa, lại khó đi nữa. Đặc biệt, di chuyển bằng ghe là thói quen khiến nhiều người dân miền Tây cảm thấy thân thuộc hơn.
“Trước ở đây nhà nào cũng có ghe cả, không cần phải thuê người chở. Nhưng hiện nay, nhiều gia đình bỏ không sử dụng ghe hàng ngày nữa. Lâu lâu họ mới sử dụng nên kêu thì mình chở đi. Đi ghe nhanh hơn đi đường lộ rất nhiều. Mà giá rẻ hơn nữa” - chị Tố kể.
Ngoài những chiếc ghe thồ, ở ven các tuyến kênh lớn và sông Vàm Cỏ Tây, chúng tôi cũng gặp rất nhiều các bến đò của người dân mọc lên. Thậm chí nhiều bến chỉ có cái tên rất đơn giản là bến chú Sáu, bến bà Năm, bến dì Tám… Các bến này đều có số điện thoại để khách liên lạc, gọi điện nếu có nhu cầu. Những chủ ghe vỏ lãi cũng thường để lại số điện thoại ở các bến này.
Theo chân những cuốc ghe đêm
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dù ghe là phương tiện quen thuộc với nhiều người nhưng điều khiển ghe máy, nhất là loại vỏ lãi Composit lại không hề đơn giản. Bởi vỏ lãi chạy tốc độ cao, phương tiện nhẹ và độ thăng bằng kém hơn ghe gỗ nên cần có kỹ năng giữ thăng bằng riêng. Trong đó, việc lượn để tránh các phương tiện đường thuỷ khác là vô cùng quan trọng.
Bà Phạm Thị Thu, 44 tuổi, một người dân ngụ tại xã Vĩnh Châu A (huyện Tân Hưng, Long An) - người làm nghề chạy ghe thồ gần chục năm cho biết gia đình bà có một bến đò ngang ở ven kênh Phước Xuyên, tuyến kênh nhỏ là gianh giới phân chia địa phận tỉnh Long An và Đồng Tháp. Khách qua đò ngang cũng không nhiều nhưng khách chạy ghe vào sâu trong đồng, cả bên Long An lẫn Đồng Tháp thì khá nhiều, nhất là vào buổi tối, ban đêm.
“Thế là ban ngày tôi phụ vợ chồng thằng con cả chạy ghe ngang, bán thêm tạp hoá cho bọn trẻ ở bến. Ai có thuê thì mình chở vào trong đồng, trong bưng. Mùa này nước về, dân trong đồng đi ghe rất tiện, ra kênh Phước Xuyên hay kênh 79 đều dễ. Hôm rồi, gia đình ông Tư bên kênh Tập Đoàn có con dâu trở dạ trong đêm, không biết làm sao cho kịp tới viện nên họ gọi mình qua chở. Từ đó đi lộ ra viện bên thị trấn Tràm Chim rất xa, mà đường xóc khó đi lắm. Còn tôi chạy ghe nửa tiếng là tới viện, mà cô con dâu vẫn chưa sanh. Mấy hôm sau xuất viện, tôi cũng chở cả hai mẹ con cổ về nhà luôn” - bà Thu hồ hởi cho biết.
Theo quan sát của chúng tôi, ghe vỏ lãi của bà Thu cũng khá đơn giản, nhìn như hầu hết các vỏ lãi khác. Có chăng thêm chiếc dù (ô) để cho khách che mưa nắng mà thôi. Bà Thu còn bảo mấy người bên uỷ ban họ bắt phải mua mấy cái áo phao đặt trên vỏ lãi nhưng chạy ghe cả chục năm, chưa bao giờ phải sử dụng tới cả!
Nếu như bình thường, ghe thồ có nhiều người vùng sâu, vùng xa thì mùa nước nổi, nó xuất hiện ở khắp nơi. Nước tràn về cô lập nhiều vùng đồng đất cũng như tràn vào các kênh rạch khiến cả vùng châu thổ như nối liền với nhau. Nước và nước là thế giới cho ghe thoải mái di chuyển. Chính vì sự tiện lợi ấy, những chuyến ghe thồ xuôi ngược rất nhiều.
Ngoài ra, mùa nước nổi cũng mang đến nhiều sản vật khiến cho sự trao đổi buôn bán ở khu vực này nhộn nhịp hẳn lên, nhu cầu di chuyển tăng đột biến. Chỉ kéo dài chừng hai cây số nhưng ven kênh Dương Văn Dương đoạn giao với sông Vàm Cỏ Tây ở địa phận thị trấn Thạnh Hoá (huyện Thạnh Hoá, Long An) có tới hàng chục bến đò. Ngoài một vài bến ngang, có cấp phép của chính quyền thì nhiều bến không tên, chỉ nhộn nhịp vào thời gian mùa nước về. Khi ấy, nhiều người dân trong đồng đem sản vật ra chợ Tuyên Nhơn bán lại khiến nơi này có lúc tập trung vài chục chiếc vỏ lãi.
Ông Nguyễn Văn Thái, 56 tuổi ngụ ở xã Thuận Nghĩa Hoà (huyện Thạnh Hoá, Long An) kể nhà ông bên phía Kênh 6 nhưng hay chạy qua ngã ba sông này chở khách đi chợ Tuyên Nhơn. Đây là một trong những khu chợ lớn, nhộn nhịp nhất của vùng Đồng Tháp Mười, tiếp giáp nhiều tuyến sông kênh, quốc lộ 62, N2 nên nhu cầu mua bán rất lớn. Nhiều khách ở xa chợ cả chục cây số cũng đem đồ ra bán cho thương lái để đưa đi thành phố.
“Mùa lũ về, họ đem cá cua, ốc ếch ra đây bán. Những gia đình trong đồng họ cũng có ghe nhưng đó là phương tiện để mưu sinh, dành cho người đàn ông trên đồng. Những người phụ nữ đi ra chợ hầu hết đều gọi ghe thồ, mỗi chuyến ghe có khi chỉ chục ngàn đồng cả đi lẫn về, là sự lựa chọn rất tiện lợi. Tôi cũng làm nghề lưới cá nhưng mùa lũ về, tôi ngược vỏ lãi ra đây chở khách thuê. Đêm nào rảnh thì mình đặt lưới đáy, vài ngày tháo một lần lấy cá ăn mà thôi” - ông Thái cho biết.
Không phải là điều gì quá xa lạ nhưng không hiểu sao, những chuyến ghe thồ ở vùng đồng bằng châu thổ lại vô cùng riêng biệt mà có lẽ, ngoài vùng đất này, sẽ không có nơi nào có những dịch vụ như thế. Những dịch vụ đầy tình người giản đơn nơi này, nảy sinh từ chính những nhu cầu thiết thực và điều kiện khách quan cuộc sống.
Ngoài những chiếc ghe thồ, ở ven các tuyến kênh lớn và sông Vàm Cỏ Tây, chúng tôi cũng gặp rất nhiều các bến đò của người dân mọc lên. Thậm chí nhiều bến chỉ có cái tên rất đơn giản là bến chú Sáu, bến bà Năm, bến dì Tám… Các bến này đều có số điện thoại để khách liên lạc, gọi điện nếu có nhu cầu. Những chủ ghe vỏ lãi cũng thường để lại số điện thoại ở các bến này.