Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, hiện nay, lượng tồn kho bất động sản (BĐS) hầu như chỉ có ở phân khúc căn hộ, nhà ở cao cấp, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.
Năm 2022, tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ thành công là 150.268 giao dịch, nguồn cung BĐS có 63.405 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai đưa vào giao dịch. Bộ Xây dựng đánh giá, khả năng hấp thụ của thị trường năm 2022 tốt hơn năm 2021 nhưng trong năm 2022, số lượng BĐS, nhà ở trong các dự án mới đưa ra giao dịch (nguồn cung) hạn chế, chủ yếu các sản phẩm BĐS đưa vào giao dịch là hàng tồn kho của các dự án đã mở bán. Trong khi nhu cầu đầu tư, mua sử dụng của người dân vẫn cao; các phân khúc nhà ở chung cư, nhà riêng lẻ, đất nền hầu như không phát sinh lượng tồn kho và có tính thanh khoản tốt.
Liên quan đến việc nguồn cung vẫn hạn chế, Bộ Xây dựng kiến nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; nghiên cứu hoàn thiện Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ hợp thứ 6 tháng 10/2023 đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật. Cùng đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện rà soát sửa đổi, bổ sung kịp thời quy định, pháp luật về đầu tư, đấu thầu để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư, đấu thầu dự án BĐS.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trong đó lập danh mục các dự án, rà soát quỹ đất, hoàn thiện thủ tục pháp lý, lựa chọn chủ đầu tư để thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.
Theo ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội, áp lực tăng giá cùng tỷ lệ lạm phát tăng cao trong khi tín dụng bị thắt chặt có thể sẽ khiến hoạt động thị trường BĐS chậm lại trong ngắn hạn. Tuy nhiên, đà tăng giá BĐS được dự báo sẽ khó có thể dừng lại trong bối cảnh chi phí phát triển leo thang cùng với nhu cầu đầu tư nhà đất bùng nổ tại nhiều thị trường.
Nhiều chuyên gia cũng nhận xét, BĐS có mối tương quan với lạm phát. Khi lạm phát tăng cao thì BĐS cũng sẽ tăng giá theo và được các nhà đầu tư coi là kênh trú ẩn an toàn. Lạm phát tăng, nhà đầu tư sẽ hướng đến các tài sản có giá trị tích lũy như đất đai hoặc các tài sản có giá trị tăng trưởng lâu dài.
Trong bối cảnh BĐS “rung lắc”, nhà đầu tư cũng nên có chiến lược bài bản, chuẩn bị sẵn sàng cho sự biến động cả về giá lẫn thanh khoản của thị trường. Nhà đầu tư cần tính toán chiến lược đầu tư thận trọng, tránh đi theo tâm lý đám đông hay đặt kỳ vọng cao, chạy theo sốt đất bởi dễ sa lầy và bị chôn vốn, lãi ảo.