Ngừng bán – ngừng mua, giao dịch gần như đứng yên, giá giảm sâu... đó là thực tế của thị trường bất động sản hiện nay. Tuy nhiên, đi ngược lại với diễn biến ảm đạm của thị trường, phân khúc nhà chung cư lại có xu hướng ổn định, nhiều giao dịch mua – bán được “khớp lệnh”.
Nhà chung cư khó giảm giá
Trong Báo cáo tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, giá giao dịch căn hộ chung cư cơ bản ổn định. Giá nhà ở chung cư tại một số khu vực ở Hà Nội, TPHCM thậm chí tăng.
Khảo sát trên địa bàn Hà Nội với những dự án đã đưa vào sử dụng, phần lớn giá nhà giao dịch từ 40 – 45 triệu/m2 tại khu vực quận Cầu Giấy, còn tại quận Hà Đông giá cũng dao động từ 35 – 42 triệu đồng/ m2. Tại quận Long Biên các dự án BerRiver Long Biên, Le Grand Jardin quảng cáo sản phẩm với mức giá từ 27-36 triệu đồng/m2. Dự án Khai Sơn City có giá từ 40-50 triệu đồng/m2.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC), phân khúc chung cư khó ghi nhận hiện tượng giảm giá. Bởi thị trường bất động sản (BĐS) năm 2022 - 2023 rất khác so với khủng hoảng thị trường BĐS năm 2012 - 2013”.
Ông Hiệp cho rằng, năm 2012 - 2013 là giai đoạn khủng hoảng thừa khi nhà nhà làm BĐS, công ty nào cũng đầu tư BĐS, khiến thị trường có một lượng nguồn cung lớn trong khi sức mua kém, dẫn đến hiện tượng giảm giá bán. Còn thị trường nhà ở, căn hộ hiện nay đang khan hiếm nguồn hàng nên giá không giảm dù sức mua giảm.
Do khan hiếm về quỹ đất, các dự án được cấp phép xây dựng mở bán cũng ít nên nguồn cung nhà chung cư năm 2022 ít hơn so với các năm trước, cùng với giá nguyên vật liệu nhân công tăng đã khiến giá nhà chung cư khó giảm. Chị Nguyễn Linh Hương (Đội Cấn, Hà Nội) cho biết, chị tìm một căn hộ chung cư có giá dưới 3 tỷ đồng là rất khó.
Thị trường sẽ sớm bật dậy?
Nhiều môi giới nhà đất cũng khẳng định giao dịch chung cư vẫn khả quan, trong khi đất nền và đất thổ cư gần như chững lại.
Anh Nguyễn Thành Luân, một môi giới chuyên phân phối chung cư ở quận Hà Đông, Hà Nội cho hay, với phân khúc chung cư thường là khách đi tìm dự án, ít khi dự án tìm khách. Theo anh Luân, dù năm 2022 không môi giới thành công nhiều thương vụ nhưng nhìn chung các dự án chung cư đang mở bán hoặc chuẩn bị mở bán đều có lượng quan tâm nhất định.
“Khi tôi đăng tin về các dự án trên trang thông tin cá nhân đều có khách hàng chủ động vào hỏi họ cũng cho biết khả năng tài chính khoảng 60%”– anh Luân nói.
Nhận định về những diễn biến của phân khúc chung cư trên thị trường, ông Vũ Cương Quyết - Tổng giám đốc Công ty Đất Xanh miền Bắc cho rằng, tại thị trường Hà Nội, lượng giao dịch chung cư vẫn diễn ra. Ông Quyết dự đoán, những loại hình hướng vào nhu cầu ở thực như chung cư vẫn sẽ ghi nhận thanh khoản trong thời gian tới. Đặc biệt với tín hiệu rới room tín dụng từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng thêm khoảng 1,5 - 2% mới đây cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, người mua nhà sẽ có cơ hội tiếp cận với vốn vay, sẽ làm gia tăng thanh khoản dự án.
Giới chuyên gia nhận định, BĐS là xương sống của nền kinh tế, là an sinh xã hội, trải dài ở tất cả các phân khúc. Năm 2023, BĐS không chỉ dừng lại ở căn hộ, đất nền, nhà ở xã hội mà còn rất nhiều phân khúc khác. Riêng về thị trường căn hộ ở Hà Nội, các khu đô thị tích hợp được các tiêu chuẩn, có chỗ đỗ xe, khả năng cung cấp chỗ đỗ xe của dự án dần trở thành yếu tố quan tâm chính đối với khách mua.
Ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam dự báo, thị trường BĐS tháng cuối năm và nửa đầu năm 2023 sẽ vẫn ghi nhận xu hướng tăng giá bán với loại hình BĐS nhà ở. Tại Hà Nội, điểm sáng là khu vực phía Đông khi quy hoạch hạ tầng ngày càng phát triển, các dự án nhà ở được đầu tư đồng bộ, nhiều tiện ích, … đáp ứng nhu cầu của người dân. Ở góc độ ngắn hạn, phân khúc bình dân và trung cấp sẽ được quan tâm và phát triển mạnh mẽ.
“Thời gian qua NHNN đã ban hành nhiều văn bản tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS.
Theo đó, NHNN đã chỉ đạo tổ chức tín dụng kiểm soát rủi ro tín dụng đối với hoạt động BĐS, đặc biệt là đầu tư kinh doanh BĐS trong đó kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp.
Ngoài ra, NHNN cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, dự án BĐS khu công nghiệp và các dự án BĐS nhà ở sắp hoàn thành xây dựng và bàn giao, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đảm bảo tính pháp lý, có thanh khoản tốt, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân...” - Bà Hà Thu Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước).
“Nếu đầu năm 2023 tăng trưởng tín dụng nới lỏng, thị trường cũng sẽ phục hồi nhanh theo đà đó. Đặc biệt, cuối năm 2022, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác gỡ khó cho BĐS và Luật Đất đai sửa đổi đang được trình Quốc hội thông qua là những tín hiệu vui cho lĩnh vực này. Các chính sách hỗ trợ, tăng trưởng tín dụng là động lực để giúp cho thị trường BĐS phục hồi” - Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn.