Một số ý kiến lo ngại rằng khi giá đất sát với thị trường sẽ khiến thuế, phí bất động sản chuyển nhượng cao hơn và sẽ làm giảm đi tính hấp dẫn của việc đầu tư vào đất đai.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng: Hiện nay việc xác định giá đất không sát với thị trường, cho nên sinh ra các khoản lợi nhuận qua các hoạt động đầu cơ, mua bán, chuyển nhượng. Từ đó làm cho hoạt động đầu cơ ngày càng bùng lên, thị trường hầu như không kiểm soát được, đất đai trở thành công cụ để đầu cơ. Lúc đó thị trường không phải là nơi điều tiết đất đai từ nơi sử dụng không hiệu quả đến nơi sử dụng hiệu quả hơn.
Từ đó, ông Lâm nhìn nhận: Đất đai lúc này trở thành công cụ đầu cơ tích trữ như là vàng. Với cách xác định giá đất không đúng thị trường đã thúc đẩy việc thị trường đầu cơ đất đai.
“Chức năng của thị trường trong giao dịch đất đai là để thị trường điều tiết đất từ nơi người không có nhu cầu sang có nhu cầu; người sử dụng không hiệu quả sang người hiệu quả hơn. Khi biến thành công cụ đầu cơ thì đất cứ lòng vòng như vàng, chạy từ người này sang người khác chứ không vì mục đích sử dụng. Do đó hiệu quả sử dụng đất đai kém đi. Lúc này thị trường đất đai trở thành thị trường đầu cơ. Và lập tức có hiện tượng thổi giá khiến giá trị thật không sát với giá trên thị trường, bong bóng bất động sản nổ ra. Từ đó rất dễ dàng đổ vỡ, gây hệ luỵ đến cả nền kinh tế” - ông Lâm bày tỏ.
Cho nên theo ông Lâm, dù trong ngắn hạn hay dài hạn thì mục tiêu của chúng ta là làm sao để đưa giá đất, các loại giá giao dịch về sát với giá thị trường. Khi đã định giá thì trong giao dịch người mua và người bán phải cân đối, phải đảm bảo các yếu tố giữa mua và bán. Nghĩa là hai bên phải đàm phán với nhau để ra một giá hợp lý. Lên và xuống là do thị trường điều tiết chứ chúng ta không lo khi định giá đất sát với thị trường thì thị trường sẽ không sôi động. Bởi người có nhu cầu bán và người có nhu cầu mua sẽ gặp nhau để đàm phán. Việc đàm phán đó tạo ra giá giao dịch xung quanh giá thị trường.
“Chúng ta không lo khi định giá sát với thị trường thì không giao dịch được và không có lãi. Không phải như vậy. Ông kinh doanh đầu cơ đất, đi vay ngân hàng, bạn bè để đi mua đất nếu không bán được thì cũng “chết”. Vì thị trường chỉ đến thế và chỉ được bán đến thế thôi chứ không phải như trước đây cứ chờ thị trường “thổi giá” để bán với giá cao. Bây giờ giá đất phải về đúng với giá thị thực của nó, khi giao dịch sát với giá thị trường, sát với giá trị thực. Lúc đó mới chính là cơ chế thị trường thực sự để điều tiết và quản lý sử dụng hiệu quả đất đai. Việc định giá thị trường một cách sát là tốt cho thị trường đất đai, tốt cho hoạt động mua bán. Lúc bấy giờ người mua mới có thể yên tâm mua được miếng đất phục vụ cho nhu cầu của mình, và người bán cũng yên tâm là bán không bị hớ. Tức là thuận mua vừa bán” - ông Lâm nói, đồng thời cho rằng khi thị trường minh bạch, giá bình quân của thị trường “chỉ đến thế này” thì không thể bán hơn được. Lúc đó hiện tượng đầu cơ sẽ giảm đi. Khi nhu cầu sử dụng không hết thì bán đi, còn người mua được giá với đúng giá trị thực thì mới làm ăn có hiệu quả.
“Chứ giá đất cứ “đội” lên ầm ầm, có bao tiền đổ vào đầu tư thì vốn đâu mà sản xuất kinh doanh. Như vậy nền kinh tế luôn dựa trên giá trị ảo tăng thêm của đất đai. Nay 1 tỷ, mai 2 tỷ và bảo đó là tăng trưởng và lấy tiền đó ra để tiêu xài. Khi giá đất sát với thị trường sẽ khiến thuế, phí bất động sản chuyển nhượng cao hơn và sẽ làm giảm đi tính hấp dẫn của việc đầu tư vào đất đai. Nhưng qua đó thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh hơn, giảm tình trạng đầu cơ, sốt ảo” - ông Lâm nói.