Dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp Thuế Giá trị gia tăng, Thuế Thu nhập doanh nghiệp, Thuế Thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2022 được đánh giá là động lực giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh có thêm nguồn lực để hồi phục trong bối cảnh bình thường mới.
Doanh nghiệp thêm nguồn lực
Bộ Tài chính vừa chính thức có Tờ trình số 98/TTr-BTC trình Chính phủ về dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp Thuế Giá trị gia tăng, Thuế Thu nhập doanh nghiệp, Thuế Thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2022.
Theo Bộ Tài chính, gói hỗ trợ này sẽ góp phần hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp (DN), cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Đồng thời Bộ Tài chính sẽ đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid -19 phù hợp với bối cảnh ngân sách nhà nước.
Bộ Tài chính cũng khẳng định, chính sách này phù hợp với bối cảnh chung của nhiều nước trên thế giới trong việc đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch Covid-19. Bộ Tài chính cho biết, mục đích của chính sách này là nhằm khôi phục sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu và qua đó tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Theo đó, Bộ đề xuất gia hạn 6 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng từ tháng 3-5/2022 và quý I/2022; gia hạn 5 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 6 và quý II; gia hạn 4 tháng với số thuế giá trị gia tăng của tháng 7 và gia hạn 3 tháng của số thuế giá trị gia tăng tháng 8 của DN, tổ chức thuộc đối tượng áp dụng. Thời gian gia hạn được tính từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định.
Theo Bộ Tài chính, việc gia hạn này sẽ nâng tổng số Thuế Giá trị gia tăng được gia hạn từ tháng 3-8/2022 và quý I, II là khoảng 53.300-54.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, số thu ngân sách nhà nước của năm 2022 không giảm do DN phải nộp vào trước ngày 31/12/2022.
Đối với Thuế Thu nhập DN, để tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho DN, nhất là trong giai đoạn hiện nay, Bộ Tài chính đề nghị gia hạn Thuế Thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của quý I, II kỳ tính thuế năm 2022. Thời gian gia hạn là 3 tháng kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp Thuế Thu nhập doanh nghiệp theo quy định. Với đề xuất này, dự kiến số thuế được gia hạn khoảng 51.000-52.000 tỷ đồng.
Riêng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thời hạn nộp Thuế Thu nhập cá nhân, giá trị gia tăng đối với sô tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2022. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp tiền thuế được gia hạn chậm nhất vào ngày 30/12/2022. Dự kiến số thuế được gia hạn khoảng 15.304 tỷ đồng nhưng số thu ngân sách nhà nước không giảm.
Theo TS Nguyễn Đình Chiến - Phó Trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính), chính sách này giúp DN, hộ kinh doanh có thêm nguồn tài chính để giải quyết các khó khăn trong thời gian trước mắt, từ đó có thể ổn định và phát triển trong tương lai. Đối với ngân sách nhà nước, chính sách gia hạn nộp thuế sẽ không làm giảm thu trong năm 2022 vì số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn sẽ được nộp đủ trước ngày 31/12/2022.
Kỳ vọng phục hồi nhanh
Dù dịch Covid -19 đã được kiểm soát nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, nhiều DN đã phục hồi song vẫn còn không ít DN, nhất là DN nhỏ và vừa gặp khó khăn. Tổng cầu giảm mạnh khiến cho các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng cũng giảm theo. Trong khi đó, chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào, làm đội chi phí giá thành sản xuất. Nhiều DN sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khóa Việt Tiệp Nguyễn Văn Tuấn cho biết, với chính sách này, DN có thể sử dụng số tiền tạm thời chưa phải nộp để tập trung cho sản xuất, kinh doanh. Đây là sự hỗ trợ cần thiết, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ và các cơ quan chức năng với cộng đồng DN. Cùng với chính sách giảm thuế giá trị gia tăng và một số chính sách khác, việc gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước sẽ góp phần giúp doanh nghiệp hồi phục sau đại dịch Covid-19” - ông Tuấn nói. Theo ông Tuấn, năm 2021, công ty đã làm thủ tục gia hạn thuế và số tiền gia hạn đã giúp DN duy trì sản xuất, kinh doanh, chi trả các chi phí hoạt động.
Nói về vấn đề này, TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, do tác động của dịch Covid-19, hơn lúc nào hết, chính sách hỗ trợ càng trở nên quan trọng với cộng đồng DN. Theo khảo sát của Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, có tới 70% DN đánh giá hài lòng với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Những chính sách tài khóa không chỉ hỗ trợ về tài chính mà còn tạo niềm tin, giúp cộng đồng doanh nhân cảm nhận được trách nghiệm cũng như sự quan tâm từ Chính phủ và cơ quan Nhà nước.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, các chính sách tài khóa được đưa ra hiện đã khá phù hợp về liều lượng, thời hạn hỗ trợ khi xét trên 2 phương diện là nguồn lực của Nhà nước cùng những khó khăn thực tế mà DN gặp phải. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ chỉ góp phần vào khả năng phục hồi của DN, vấn đề cốt lõi vẫn nằm ở nội tại DN và khả năng phục hồi của nền kinh tế nói chung. Bởi lẽ, những chính sách đó chỉ như những chiếc “cần câu”. Còn nếu muốn “câu được cá” thì vẫn phải phụ thuộc vào năng lực của từng DN.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Mạc Quốc Anh - Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội cho rằng, nhiều chính sách hỗ trợ được đánh giá hữu ích nhưng còn khoảng cách khá xa từ chủ trương đến triển khai thực tế. Theo ông Quốc Anh, các chính sách khi ban hành nên tính toán dài hơi và phải đi vào thực tế một cách hiệu quả với DN. “Cộng đồng DN đánh giá rất cao các chính sách về gia hạn thuế, giảm thuế được áp dụng trong thời gian vừa qua, nhưng DN cũng mong muốn môi trường kinh doanh phải thật thuận lợi” – ông Quốc Anh nhấn mạnh.