Năm 2023, Việt Nam có hơn 16 triệu người cao tuổi. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2036, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ dân số già, với hơn 21 triệu người cao tuổi, chiếm 19,48% tổng dân số.
Trong khi đó, kinh tế Việt Nam vẫn chưa thể vượt qua ngưỡng thu nhập trung bình thấp. Báo cáo tình hình việc làm của thanh niên giai đoạn 2020 - 2025 công bố mới đây, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục dẫn thống kê cho thấy số thanh niên giảm mạnh kéo theo lực lượng lao động giảm từ 12,55 triệu năm 2020 xuống 10,6 triệu vào năm 2022. Lao động trong độ tuổi (15 - 24) mỗi năm giảm bình quân 170.000, khoảng 2,1%. Nguyên nhân là già hóa dân số nhanh. Việt Nam mất 25 năm để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số (nhóm từ 60 tuổi trở lên chiếm 10%) sang giai đoạn dân số già (nhóm từ 60 trở lên chiếm 20%), trong khi các nước phát triển mất lâu hơn, thậm chí gần thế kỷ. Mức sinh của Việt Nam giảm mạnh dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguồn lao động. Số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ năm 2001 là 2,28 giảm còn 2,1 vào năm 2021. Phụ nữ TPHCM hiện có mức sinh thấp nhất cả nước, bình quân chỉ 1,39 con. Quy mô gia đình nhỏ dần, gia đình 3-4 thế hệ ngày càng ít.
Theo các chuyên gia dân số, già hóa nhanh trong khi nền kinh tế chưa phát triển để chuẩn bị nguồn lực đón nhận số người cao tuổi ngày càng tăng lên đang trở thành nỗi lo thực sự đối với cả thị trường lao động lẫn phúc lợi xã hội ở Việt Nam.
Cùng với áp lực về nguồn nhân lực, già hóa dân số cũng tạo lên những áp lực về an sinh xã hội rất lớn. Theo kết quả khảo sát giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Quỹ dân số Liên hợp quốc, đầu tư của Chính phủ cho các hoạt động trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi trong năm 2020 là 6,13 nghìn tỷ đồng; đạt 0,15% GDP của nền kinh tế. Nếu so sánh với các quốc gia có trình độ phát triển tương đương, thì tỷ lệ GDP dùng để hỗ trợ cho người cao tuổi ở Việt Nam là thấp. Vì vậy, tận dụng hiệu quả các cơ hội từ cơ cấu dân số vàng, thích ứng với quá trình già hoá dân số là một trong những nhiệm vụ tối cần thiết mà cần làm hiện nay.
Nhiều vấn đề đặt ra đối với một nền kinh tế già hóa. Dân số trong độ tuổi lao động suy giảm gây áp lực lên thị trường lao động và các quỹ phúc lợi của nhà nước. Ngoài chi phí lương hưu tăng lên, dân số già sẽ cần nhiều nhu cầu về y tế, điều này đòi hỏi phải đầu tư, nâng cấp trang thiết bị và cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, nếu có chính sách thích ứng phù hợp cùng việc thay đổi cách nghĩ, lối sống của chính những người cao tuổi thì có thể tận dụng được những lợi ích mà già hóa dân số mang lại.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, tỷ lệ người cao tuổi tham gia làm việc ngày càng tăng trong 20 năm qua. Năm 1999, có 19,40% người cao tuổi là nữ, 35% người cao tuổi nam làm việc; đến năm 2020, tăng lên thành 38% và 46,10%. Giai đoạn 2010 - 2020, bình quân mỗi năm lao động người cao tuổi tăng thêm khoảng 160.000 người, tương ứng tăng khoảng 4%/năm, cao hơn 2 lần so với mức tăng trưởng việc làm chung của cả nước.