Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến hết ngày 16/6/2022, Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội huyện Gia Lâm đã có 800 hồ sơ thủ tục hành chính đất đai bị chậm. Đáng nói, có những yêu cầu “vô lý” để hoàn tất thủ tục hành chính.
Theo ông L.Q.H. người dân tại thôn 5, xã Đông Dư, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, khi gia đình có nhu cầu tách, chuyển nhượng một phần mảnh đất của gia đình từ đầu năm 2022.
Bên nhận chuyển nhượng một phần thửa đất đã được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất.
"Khi tôi muốn chuyển nốt phần còn lại, nộp hồ sơ lên Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội huyện Gia Lâm (VPĐK huyện Gia Lâm), đến ngày hẹn lên lấy kết quả tôi được thông báo chờ quyết định của Giám đốc VPĐK huyện Gia Lâm, tức bà Nguyễn Thị Thúy".
Tiếp tục chờ đợi sau hơn 2 tháng kể từ ngày nộp hồ sơ, ông L.Q.H. được VPĐK huyện Gia Lâm trả lời phải bổ sung Văn bản “Cam kết phần ngõ đi chung” của các hộ do Văn phòng công chứng làm chứng.
Đồng thời cán bộ VPĐK huyện Gia Lâm cũng nói với ông L.Q.H. rằng, Giám đốc VPĐK là bà Nguyễn Thị Thúy yêu cầu phải làm như vậy.
Theo một luật sư: Phần diện tích sử dụng làm ngõ đi chung đã được quy định rõ ràng không được chuyển nhượng, nên khi nhà nước công nhận Quyền sử dụng đất ngoài phần đất riêng được chuyển nhượng, phần diện tích đất sử dụng chung bên nhận chuyển nhượng cũng được phép sử dụng. Trong trường hợp này là ngõ đi chung.
Văn bản cam kết chỉ dùng trong các trường hợp là đồng sử dụng đất (tài sản) được nhà nước công nhận trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Không chỉ trường hợp của ông L.Q.H., nhiều gia đình khác cũng rơi vào trường hợp tương tự khi làm hồ sơ tại VPĐK huyện Gia Lâm, dù đã có đầy đủ hợp đồng được lập tại văn phòng công chứng theo các quy định của pháp luật, nhưng khi nộp hồ sơ tại VPĐK huyện Gia Lâm đều nhận được thông báo “đủ điều kiện nhưng vẫn cần bổ sung Văn bản cam kết của các hộ sử dụng ngõ đi chung”.
Tuy nhiên, sự khác biệt ở chỗ, khi một vài hộ dân vướng mắc trong quá trình làm thủ tục tại VPĐK huyện Gia Lâm, chuyển hồ sơ sang VPĐK Hà Nội đề nghị tách thửa lại được giải quyết nhanh chóng và không đính kèm yêu cầu nào cả.
Theo thông tin phóng viên tìm hiểu, chỉ tính từ đầu năm 2022 đến hết ngày 16/6/2022, VPĐK huyện Gia Lâm đã có 800 hồ sơ thủ tục hành chính đất đai bị chậm.
Cụ thể: Nhóm Nguyễn Thị Hoa Hồng 254 hồ sơ đang giải quyết, quá hạn nhưng chưa có kết quả; nhóm Đinh Đức Cường 153 hồ đang giải quyết, quá hạn nhưng chưa có kết quả; nhóm Nguyễn Thanh Tuyền còn 383 hồ sơ đang giải quyết, quá hạn nhưng chưa có kết quả; nhóm Nguyễn Đinh Quý còn 10 hồ sơ đang giải quyết, quá hạn nhưng chưa có kết quả.
Vậy làm cách nào để gỡ khó cho người dân trong các thủ tục hành chính đất đai tại huyện Gia Lâm, Hà Nội, Báo Đại Đoàn kết sẽ tiếp tục thông tin.