Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nước sạch Hà Nội vừa công bố biểu giá áp dụng từ 1/10. Nếu áp dụng theo biểu giá mới này giá nước sẽ tăng trung bình 20% so với hiện tại. Câu hỏi được đặt ra là tăng giá nước sinh hoạt, chất lượng dịch vụ có tăng và người dân có thoát khỏi cảnh “khát nước”.
Tăng giá nước sạch phải đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ.
Rục rịch tăng giá
Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nước sạch (VIWACO) cho biết sẽ tăng giá nước sạch từ ngày 1/10 với mức tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/m3 tùy vào khối lượng nước sử dụng theo bậc thang lũy tiến, tăng khoảng 20% so với biểu giá hiện tại.
Cụ thể, giá bán nước sinh hoạt của hộ dân từ ngày 1/10 sẽ tăng lên gần 6.000 đồng/m3 cho mức 10m3 đầu tiên và từ 10m3 - 20m3 sẽ có giá bán hơn 7.000 đồng/m3 và với mức trên 20m3 - 30m3 sẽ có giá gần 8.700 đồng/m3. Còn mức trên 30m3 sẽ tăng lên tới gần 16.000 đồng/m3.
Đối với nước sử dụng cho cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp sử dụng dịch vụ công cộng sẽ có giá bán là gần 10.000 đồng/m3. Nước sử dụng cho các đơn vị sản xuất sẽ có giá bán hơn 11.600 đồng/m3 và nước sử dụng cho kinh doanh dịch vụ có giá bán cao nhất là hơn 22.000 đồng/m3. Giá bán trên chưa có thuế giá trị gia tăng và phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt.
Lý giải vì sao phải tăng giá nước ông Nguyễn Anh Việt- Giám đốc Viwaco cho biết, việc tăng giá nước sinh hoạt sẽ giúp cho doanh nghiệp có điều kiện trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng để phục vụ khách hàng nhiều hơn. Hiện Cty đang phải bù lỗ về giá, bởi thời gian qua, một số khoản chi phí sản xuất kinh doanh đã tăng nhanh do thay đổi cơ chế chính sách của Nhà nước hoặc theo lộ trình biến động của thị trường như phí bảo vệ môi trường tăng 6 lần, chi phí từ điện tăng bình quân 10%/năm, chi phí nguyên liệu tăng 105%.
Chị Nguyễn Thu Hà ở ngõ 25/77 phố Vũ Ngọc Phan, quận Đống Đa - khu vực nhiều lần chịu ảnh hưởng bởi sự cố đường ống cấp nước sông Đà vỡ cho biết: Cty nước sạch đòi tăng giá nước để bù đắp chi phí dân không phàn nàn, vì kinh doanh thì phải có lãi. Tuy nhiên, ngoài các chi phí đầu vào tăng, có nguyên nhân thất thoát nước do quá nhiều lần vỡ đường ống cấp nước hay không? Tăng giá, có đi kèm tăng chất lượng phục vụ? Đến khi nào người dân mới hết “khát” nước vì sự cố đường ống?
Cần xây dựng cơ chế giá minh bạch
Về thông tin tăng giá nước 20%, bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội HĐND TP Hà Nội cho biết: Đề xuất tăng giá nước nằm trong lộ trình đã được HĐND TP Hà Nội thông qua từ năm 2013. Tuy nhiên, tăng giá nước phải đi liền với vấn đế chất lượng và đảm bảo nguồn cung cấp cho người dân.
Bà Thùy cũng cho biết, tỷ lệ dân cư sống tại nông thôn của Hà Nội được dùng nước sạch hiện vẫn rất thấp. Đối với khu vực này bà Thùy đề nghị chính quyền TP phải có chính sách trợ giá với giá bán nước cho người dân.Tại buổi kiểm tra tình hình cung cấp điện, nước sạch phục vụ người dân diễn ra mới đây, trả lời về kiến nghị tăng giá nước sạch theo lộ trình để ngân sách không phải bù lỗ cho ngành nước, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, việc tăng giá nước không phải để tăng thu cho ngân sách mà để có nguồn lực đầu tư các dự án, mở rộng phạm vi phục vụ tốt hơn cho nhiều người dân trên địa bàn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, giá nước sạch tăng theo nhiều loại hàng hóa, sản phẩm khác là chuyện không mới, nhưng điều quan trọng là phải minh bạch cơ chế xây dựng giá đối với loại “hàng hóa” đặc biệt này. Thực tế dù năm 2015 ngành nước Hà Nội chưa có số liệu thống kê đầy đủ về lượng nước bị thất thoát nhưng những năm trước Hà Nội và TP HCM là hai địa phương đứng đầu bảng về tỉ lệ thất thoát nước (40%) vì đường ống quá cũ, nước rò rỉ là điều khiến người dân lo lắng về các chi phí này sẽ được tính gộp vào đẩy giá nước tăng cao.
Việc điều chỉnh mức giá nước sạch sẽ không có gì phải bàn cãi nếu nó tỷ lệ thuận với chất lượng nước sạch cung cấp cho khách hàng. Tuy nhiên, vấn đề tăng giá một số loại hàng hóa đặc biệt (điện, nước) lâu nay để lại khá nhiều điều tiếng về sự thiếu minh bạch, biểu hiện của sự độc quyền.
Thực tế, vấn đề dư luận quan tâm không phải là lộ trình tăng giá các loại hàng hóa đó ra sao, mà ở chỗ có được thực hiện minh bạch hay không? Việc giá nước sinh hoạt không được bóc tách rành mạnh, không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng, mà còn là kẽ hở gây thất thoát. Tăng giá nước sạch, ngoài việc phải nghĩ đến sức dân, thì phải nâng cao chất lượng nước sạch, hạn chế các sự cố làm mất nước sạch và giảm tỷ lệ thất thoát nước sạch xuống mức thấp nhất.