Giá lợn hơi liên tục lao dốc, cá biệt tại một số địa phương, giá đã chạm đáy - ở mức 30 nghìn đồng/kg, trong khi giá thức ăn tăng khiến các hộ nuôi lợn khóc ròng vì lỗ. Nếu không sớm có các chính sách, giải pháp tháo gỡ, ngành chăn nuôi sẽ rơi tình cảnh đứt gãy chuỗi sản xuất, vì nhiều hộ đang ngại tái đàn.
Giá chạm đáy
“Chưa khi nào giá thì lợn xuống đến mức này, chỉ từ 30.000 đến 32.000 kg. Giá xuống chạm đáy nhưng cũng khó xuất vì cầu chững, trong khi đó giá thức ăn thì tăng phi mã. Lợn không bán được mà hàng ngày vẫn phải “gánh” thêm chi phí mua thức ăn. Bán không được, để nuôi cũng không xong” - bà Nguyễn Thị Loan xóm Trại Gà, xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc than.
Bà Loan cho biết cả xóm có gần 200 hộ, 100% các hộ nuôi lợn và nuôi gà công nghiệp nhưng mấy năm trở lại đây nuôi lợn là chủ yếu. Nhà ít nuôi 30-40 con, có những hộ nuôi nhiều vài trăm con. Cuối năm 2019 ảnh hưởng dịch tả châu Phi nhưng người nuôi lợn cũng không lâm vào tình cảnh khốn đốn như thế này. Năm nay mỗi nhà lỗ ít nhất từ 50 triệu đồng, có những nhà xuất xong đàn lợn nhận lỗ vài trăm triệu.
“Trước chi phí nuôi một con lợn từ khi vào giống đến khi xuất chuồng mất khoảng 3-3,5 triệu đồng tiền cám, nhưng hiện nay chi phí này đã lên mức 5-5,5 triệu đồng. Trong khi đó lợn hơi giờ giá chỉ 30.000 đến 32.000 đồng. Chưa khi nào chúng tôi lâm vào tình cảnh khó như hiện nay” - bà Loan cho biết.
Không riêng gì gia đình bà Loan mà hàng chục triệu hộ nuôi lợn cả nước đang khóc ròng vì giá lợn hơi lao dốc. Trong khi giá thức ăn tăng phi mã cộng với việc nguồn cầu chững khiến người chăn nuôi như ngồi trên đống lửa. Báo cáo từ Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), tính từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng 7 lần, trung bình 250 - 400 đồng/kg. Tính đến nay, mỗi bao thức ăn chăn nuôi tăng khoảng 60.000 đồng/bao 25kg. Trong khi đó, giá lợn hơi giảm theo ngày.
Các doanh nghiệp ngành chăn nuôi cũng gặp nhiều khó khăn. Tập đoàn Dabaco Việt Nam thông báo quý III ước đạt 4.133 tỷ đồng doanh thu và 138 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Doanh thu tăng 56% nhưng lợi nhuận lại giảm 64% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là quý ghi nhận mức thấp nhất tính từ quý 4/2019.
Đánh giá nguyên nhân khiến giá lợn hơi giảm mạnh, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, thời gian này ngành chăn nuôi đang chịu áp lực lớn do chuỗi cung ứng bị đứt gãy vì dịch Covid-19. Chưa kể, khâu lưu thông, vận chuyển vẫn gặp khó khăn dẫn đến chi phí phát sinh nhiều nên có sự chênh lệch rất lớn giữa giá lợn hơi tại chuồng và giá thịt lợn tại chợ. Theo ông Trọng, do các địa phương thực hiện giãn cách nên tiêu dùng giảm, khiến ngành chăn nuôi bị ứ đọng khoảng 30%.
Không để tồn kho
Đưa ra dự báo diễn biến giá đầu ra trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi miền Bắc, miền Trung, cho rằng giá lợn hơi sẽ còn rất nhiều biến động và có thể tiếp tục giảm sâu.
“Trong khi đó, giá thành sản xuất nếu người nuôi phải mua con giống thì mỗi kg thịt lợn hơi xuất chuồng đã lên đến 60.000-65.000 đồng. Còn với các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn theo chuỗi từ nuôi lợn nái đến nuôi lợn thịt, thì giá thành vào khoảng 45.000-50.000 đồng/kg”, ông Thành cho biết.
Thống kê của Cục chăn nuôi cho biết, đàn lợn cả nước đến hết tháng 9/2021 có khoảng 28 triệu con, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2020. Những địa phương có đàn lợn lớn như Đồng Nai, Hà Nội, Bình Phước, Bắc Giang, Thanh Hóa. Sản lượng thịt lợn hơi cả nước trong 9 tháng đầu năm ước đạt khoảng 2,9 triệu tấn. Thực hiện giãn cách xã hội, nhu cầu tiêu dùng giảm nhiều, nên đàn lợn quá lứa còn đọng lại trong chuồng khoảng 30% đã quá tuổi xuất bán. Vấn đề này đã gây tác động tiêu cực dây chuyền, khiến giá thịt lợn xuất chuồng đang giảm rất mạnh.
Trước thực trạng trên, đề cập về giải pháp vực dậy ngành chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, hiện nay nhiều địa phương đã khống chế được dịch Covid-19. Do đó, nhiệm vụ đặt ra là cần đẩy mạnh phát triển sản xuất, tiêu thụ để hỗ trợ và bù đắp lại phần thiếu hụt cho các tỉnh phía Nam khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
“Việc cần làm hiện nay là tiêu thụ hết sản phẩm gia súc, gia cầm hiện còn tồn đọng trong chuồng trại của các cơ sở chăn nuôi”, ông Tiến nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tiến, để ngành chăn nuôi trụ vững, rất cần Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương có các giải pháp tháo gỡ mạnh tay. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng cơ chế mở cửa hoạt động xã hội đối với những người dân đã được tiêm đủ 1 mũi và 2 mũi vaccine ở các tỉnh, thành phố để có lao động duy trì sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hóa.
Nếu như đầu tháng 10 giá lợn hơi dao động ở mức 38 nghìn đồng đến 42 nghìn đồng/kg hơi thì đến nay chỉ còn 30 nghìn đến 32 nghìn đồng. Thậm chí nhiều hộ phải chấp nhận bán giá 28 nghìn đồng để chạy non vì không đủ tiềm lực giữ chuồng.