Trong các phiên giao dịch sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, giá vàng trong nước theo đà tăng của thế giới đã tăng mạnh. Vàng SJC trong nước chính thức vượt ngưỡng 63 triệu đồng/lượng trước thềm ngày Vía Thần Tài (ngày mồng 10 tháng Giêng âm lịch).
Nhu cầu mua vàng tăng cao
Trước nhu cầu tăng cao vào ngày Vía Thần Tài, giá vàng trong nước sáng 8/2 đã tăng chóng mặt. Cụ thể, giá vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn tại thị trường Hà Nội niêm yết ở mức 62,8 - 63,47 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); giá vàng tại TPHCM là 62,8 - 63,45 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), đi ngang so với phiên trước nhưng đã tăng gần 1 triệu đồng mỗi lượng so với thời điểm trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Vàng Bạc Đá quý DOJI tại thị trường Hà Nội Hà Nội niêm yết ở mức 62,6 - 63,35 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng SJC cũng niêm yết ở mức 62,6 - 63,35 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng SJC ở mức 62,62 - 63,33 triệu đồng/lượng.
Không chỉ vàng miếng, vàng nhẫn cũng đồng loạt tăng giá mạnh. Theo đó, giá nhẫn vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu, niêm yết tại mốc 53,94 – 54,74 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Dù còn 2 ngày nữa mới tới ngày vía Thần Tài, thị trường vàng đã khá sôi động. Chị Vũ Thuỳ Dương (Minh Khai – Hà Nội) cho biết, chị đã dùng tiền mừng tuổi của con gái để mua 1 chỉ vàng ngay ngày đầu khai Xuân (7/2, tức mồng 7 tháng Giêng âm lịch). Chị Dương cho biết, mấy năm trước chị chỉ mua vàng vào ngày Vía Thần Tài và phải mất thời gian rất lâu để xếp hàng mới mua được, nhưng năm nay chị quyết định mua sớm hơn để không mất thời gian mà còn được tư vấn kỹ lưỡng, tránh đông người, dịch bệnh.
Ghi nhận tại phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) cho thấy, người dân đến các cửa hàng vàng khá đông, trong các ngày 7,8 tháng Giêng âm lịch. Các chuyên gia cho biết, thời gian này, các cơ quan nhà nước, công sở đi làm khai xuân nên nhiều người có thời gian đến tìm hiểu mặt hàng vàng cần mua. Tuy nhiên điểm chung là khách hàng thường mua một lượng vàng rất nhỏ, chỉ từ 0,5 chỉ đến 1 chỉ, rất hiếm khách vàng mua với số lượng lớn.
Theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu, thông thường, mức chênh lệch giá vàng mua - bán khoảng 500 nghìn đồng/lượng là có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, hiện khoảng cách mua – bán giá vàng được các nhà vàng đẩy lên 1 triệu đồng là rất cao. “Không có gì đảm bảo kinh doanh vàng không thua lỗ vào ngày này vì còn phụ thuộc vào mức độ chênh lệch giá mua - bán vào ngày Vía Thần Tài”- TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Vị chuyên gia khuyến cáo, xét về góc độ kinh tế, mua vàng trước và trong ngày Thần Tài sẽ mang lại bất lợi cho nhà đầu tư. Thay vì chọn mua vàng vào ngày giá rất cao như Vía Thần Tài, người mua nên lựa chọn thời điểm sau đó.
Doanh nghiệp tất bật chuẩn bị
Đại diện nhiều DN cho biết, đã tăng lượng hàng để phục vụ nhu cầu mua sắm vàng của người dân. Chẳng hạn DOJI tổ chức “Ngày hội vàng” tại hệ thống gần 200 cửa hàng ngày 8 - 10/2/2022 (tức mồng 8 đến mồng 10 tháng Giêng âm lịch).
Để chuẩn bị cho “Ngày hội vàng”, Tập đoàn DOJI tung ra 380 ngàn sản phẩm tăng gần 15% so với dịp Thần Tài năm 2021, chủ lực là vàng ép vỉ. Còn hệ thống cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu cũng chuẩn bị số lượng lớn nhẫn tròn trơn Vàng rồng Thăng Long 999.9 tiêu chuẩn quốc tế với 6 bản vị từ 0,5 chỉ, 1 chỉ, 2 chỉ, 3 chỉ, 5 chỉ, 10 chỉ để đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua vàng lấy may của người tiêu dùng.
Cũng theo tư vấn của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, với ý nghĩa của việc mua sắm vàng trong ngày Vía Thần Tài thì người dân nên chọn những địa chỉ uy tín để tránh trường hợp vàng không đủ tuổi cũng như dễ dàng hơn trong việc bảo hành và thu đổi lại sau này. Nếu mua vàng miếng, cần kiểm tra số seri, kiểm tra tuổi, hóa đơn chứng từ của sản phẩm.
Nhận định về triển vọng giá vàng từ nay đến cuối năm, một số nhà phân tích thị trường nhận định trong năm 2022, giá vàng đạt trung bình ở mức 1.871 USD/ounce và giao dịch ở mức 1.900 USD/ounce trong quý 4.
Bà Georgette Boele - chiến lược gia cao cấp về ngoại tệ và kim loại quý của Ngân hàng Hà Lan ABN Amro dự báo, giá vàng sẽ giảm xuống 1.500 USD/ounce vào cuối năm 2022 và giảm tiếp xuống 1.300 USD/ouncevào cuối năm 2023. Nguyên nhân là do Mỹ và các ngân hàng Trung ương khác trên thế giới sẽ có xu hướng đẩy nhanh việc thắt chặt chính sách tiền tệ hơn. Trong bối cảnh lãi suất có xu hướng tăng, vàng khó có thể chống lại sức mạnh của USD cũng như các đồng tiền mạnh khác trên thị trường.
Trong khi đó, ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam dự báo giá vàng thế giới có thể đạt ngưỡng 2.000 USD/ounce và giá vàng trong nước sẽ cán mốc 65 triệu đồng/lượng trong năm 2022.
“Các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước không chỉ duy trì chênh lệch giữa thị trường trong nước - thế giới ở mức rất cao mà chênh lệch mua vào - bán ra cũng lớn. Do đó, người mua vàng khó có lãi nếu giá tăng cao mà nếu giảm thì còn chịu “lỗ kép”, vừa lỗ do giảm giá, vừa lỗ chênh lệch mua - bán. Trong khi đó, đầu tư vàng thì sẽ không có khả năng sinh lời nào khác ngoại trừ giá tăng” - Chuyên gia tư vấn đầu tư Phan Dũng Khánh.