Trước tình hình thế giới vẫn còn những biến động khó lường về giá xăng, đặc biệt là mặt hàng dầu Diesel thành phẩm tăng 16%, hiệp hội đã gửi kiến nghị Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu vào ngày nghỉ lễ 1/9 để đảm bảo phản ánh sát với diễn biến thị trường.
Theo thường lệ, các phiên điều hành sẽ diễn ra khoảng 10 ngày/lần vào các ngày 1,11 và 21 hàng tháng. Tuy nhiên, theo lãnh đạo của Hiệp hội Xăng dầu, nếu rời việc điều hành giá xăng sang ngày 5/9 sẽ khiến giá bán lẻ xăng dầu có một độ trễ nhất định. Xu hướng tăng của giá xăng dầu không được phản ánh đúng dẫn đến các thương nhân kinh doanh xăng dầu gặp khó khăn hay tình trạng găm hàng, đầu cơ ngay trong kỳ nghỉ lễ.
Chính vì vậy, Hiệp hội Xăng dầu đã kiến nghị Bộ Công Thương giữ đúng lịch điều hành giá xăng dầu vào ngày 1/9 để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp cũng như không để xăng lên giá trong bốn ngày nghỉ lễ Quốc Khánh năm nay. Nhiều dự báo cho thấy, giá xăng có thể tăng từ 380 - 390 đồng/lít, giá dầu có thể tăng từ 2300 - 2400 đồng/lít.
Dữ liệu từ Bộ Công Thương còn cho thấy giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore hiện tăng mạnh. Cụ thể, ngày 26/8, xăng RON 92 (để pha chế xăng E5 RON 92) tăng lên mức 108,18 USD/thùng, Xăng 95: 111.05 USD/thùng, Dầu hỏa: 146,85 USD/thùng, Diesel: 149,03 USD/thùng, dầu Mazut: 500,33 USD/tấn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, ý kiến của Hiệp hội Xăng dầu là có cơ sở bởi nếu điều hành giá xăng chậm hơn các kỳ trước xu hướng tăng giảm giá xăng sẽ không được phản ánh đúng gây khó khăn cho thương nhân, kinh doanh giá xăng dầu trong việc tạo nguồn. Đồng thời gây ra tâm lý thương lái đầu cơ trong dịp nghỉ lễ Quốc Khánh 2/9.
“Xăng dầu là mặt hàng chiến lược thường xuyên phải phục vụ các nhu cầu sản xuất kinh doanh, dịch vụ, đời sống và cả an ninh quốc phòng của đất nước Do đó, việc điều hành giá cần thực hiện ngày càng đổi mới khoa học hiệu quả. So với chu kỳ điều hành giá xăn dầu trước kia (15 ngày/lần), chu kỳ mới 10 ngày/lần khá hợp lý. Tuy nhiên, theo tôi thấy, để có thể tiếp cận gần hơn với diễn biến của giá xăng dầu thế giới có thể rút ngắn hơn nữa chu kỳ điều chỉnh khoảng 5 ngày/lần. Bộ Công thương nên nghiên cứu, xem xét và áp dụng nếu thấy có lợi và hiệu quả hơn”, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú.
Cùng với đó, tại TP.HCM, 24 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cùng ký tên trong một văn bản “Trải lòng khuất mắc về tình hình hoạt động” gửi đến Bộ Công thương, UBND TPHCM, Sở Công Thương TPHCM và các cơ quan ban ngành trên địa bàn thành phố. Nội dung văn bản chia sẻ về việc khó khăn trong việc kinh doanh xăng dầu hiện nay. Với mức hoa hồng chỉ 200 đồng/lít xăng dầu, nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh "thoi thóp". Cùng với đó là chi phí nhân viên, mặt bằng... khiến họ phải chịu lỗ nặng.
Văn bản kiến nghị Nhà nước bỏ trích quỹ bình ổn vì không đúng với mục đích Chính phủ đề ra và bất ổn trong điều hành quản lý giá. Thay vào đó, Nhà nước nên hỗ trợ cho nền kinh tế bằng cách bỏ ra số vốn nhất định nhập khẩu phần xăng dầu để duy trì an ninh năng lượng quốc gia, phân bổ cho các kho đầu mối lưu giữ (không được thâm hụt khi chưa được phép của Chính phủ) để tránh trường hợp các đầu mối thấy giá xăng dầu thế giới xuống không nhập hàng làm cho chuỗi cung ứng ra thị trường xảy ra tình trạng khan hiếm cục bộ như hiện nay.
Về vấn đề bỏ quỹ bình ổn, TS. Đinh Trọng Thịnh (Chuyên gia kinh tế) bày tỏ quan điểm: "Tôi cho rằng bỏ quỹ bình ổn xăng dầu là hợp lý khi mà chúng ta muốn xây dựng một thị trường xăng dầu, nơi các đầu mối được cạnh tranh tự do, công bằng. Tuy nhiên, trong khoảng 7-9 năm tới, việc bỏ quỹ bình ổn phải thật thận trọng và còn nhiều khó khăn. Bởi đây là một mặt hàng được Nhà nước coi là thiết yếu trong nền kinh tế và cần điều chỉnh giá cả. Chúng ta phải có một công cụ để quản lý giá xăng dầu trước mới tính đến bỏ các quỹ bình ổn, chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu".
Bên cạnh đó, TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết thêm tại một số nước phát triển, Nhà nước có kho dự trữ xăng dầu đủ lớn. Nếu Nhà nước xăng bán xăng dầu, mọi thứ sẽ rẻ đi và sản xuất kinh doanh và kích thích tăng trưởng tốt hơn. Khi cảm thấy giá xăng dầu ở mức thấp, Nhà nước lại mua vào.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã trải qua 22 lần điều chỉnh, trong đó có 13 lần tăng, 8 lần giảm và một lần giữ nguyên. Để có được lần giảm thứ 6 liên tiếp, doanh nghiệp và người dân còn phải trông đợi vào mức chi của Quỹ bình ổn xăng dầu.