Giải bài toán nhân lực ngành du lịch

Nguyễn Quốc 27/04/2022 07:38

Suốt một thời gian dài “đóng băng” do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế đã và đang phát triển trở lại. Tuy nhiên, việc thiếu hụt nguồn nhân lực làm việc tại các cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng đang là một thách thức.

Du khách đến tham quan Đại nội Huế.

Bà Châu Thị Hoàng Mai, Giám đốc điều hành khách sạn Alba Hotels cho biết, trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, khách sạn vẫn mở cửa, các dịch vụ vẫn giữ được cơ bản số lượng nhân viên. Tuy nhiên, khoảng 40% nhân sự buộc phải nghỉ việc vì tình hình du lịch bấp bênh, ảnh hưởng đời sống kinh tế, phải chuyển qua công việc khác.

Theo bà Mai, khi ngành du lịch mở cửa trở lại, khách sạn gặp khó khăn về nhân sự. Khách sạn chỉ giữ 60% nhân sự, nhưng vào các dịp lễ, lượng khách du lịch đến đông, buộc phải có 100% thì mới đáp ứng đủ nhu cầu cho khách. Để giải quyết vấn đề này, khách sạn phải gọi thêm nhân viên thời vụ đến làm việc nhưng rất khó khăn.

Tương tự, bà Đinh Thị Xuân Thanh, Tổng giám đốc khách sạn Midtown cho biết, trong thời điểm dịch Covid-19, khách sạn chỉ cố gắng giữ lại khoảng 20% nhân sự chủ lực để duy trì hoạt động. Trong 4/2022, lượng khách đặt phòng ở khách sạn này đạt 100%. Để không bị động, đơn vị này đã huy động tất cả các nguồn lực, trong đó có lực lượng sinh viên trường Cao đẳng Du lịch Huế làm thời vụ, tính lương theo giờ. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời.

Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên-Huế cho rằng, khi ngành du lịch quay lại, vấn đề hàng đầu là nguồn nhân lực, bởi ngành này có đặc trưng là nhân lực phục vụ chiếm hơn một nửa chất lượng sản phẩm. Đây là bài toán đặt ra cho các cơ quan quản lý du lịch, các đơn vị kinh doanh. Nếu không giải quyết được vấn đề này, chất lượng phục vụ sẽ giảm và khách có nguy cơ không quay trở lại.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, trước mắt, Sở có kế hoạch tổ chức một số lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn cho nhân lực của doanh nghiệp khách sạn, lữ hành, các hướng dẫn viên và lái xe du lịch.

Sở cũng đề nghị các đơn vị doanh nghiệp lữ hành chủ động liên kết với các cơ sở đào tạo để đăng ký tuyển dụng các khóa sinh viên sắp ra trường, có chương trình đưa sinh viên đang học về thực tập tại doanh nghiệp, bố trí sinh viên đã được đào tạo cơ bản về hỗ trợ doanh nghiệp vào các dịp cao điểm.

“Về lâu dài, tỉnh đang xây dựng Đề án “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Thừa Thiên-Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó có nhấn mạnh về nhân lực ngành du lịch đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch - kinh tế mũi nhọn của tỉnh một cách bền vững” - ông Phúc cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải bài toán nhân lực ngành du lịch