Thứ Hai, 12/05/2025
Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Đó là chủ đề hội thảo do Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Công ty Luật Trường Lộc tổ chức hôm qua (7/9).
Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát, từ năm 2010 đến nay, cả nước đã có hơn 4.900 vụ việc liên quan đến tội phạm “tín dụng đen”, trong đó, có gần 2.300 vụ liên quan đến lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản... với số tiền thiệt hại gần 5.500 tỷ đồng. Tính chất các vụ án về “tín dụng đen”, tín dụng ngân hàng ngày càng phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Công ty Luật Trường Lộc) cho biết “tín dụng đen” có hình thức khá đa dạng, với quy mô, hệ quả ngày càng khó lường. Thủ tục “tín dụng đen” thì rất nhanh và gọn, thậm chí không cần hợp đồng, chỉ cần ký vào sổ, không cần thế chấp, không phương án sản xuất kinh doanh….
Bên vay phải ký Hợp đồng mua, bán, chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở hoặc Hợp đồng ủy quyền cho bên cho vay “tín dụng đen” toàn quyền định đoạt tài sản nhà đất của mình để làm tin, xem như một hình thức thế chấp tài sản. Hai bên thống nhất khi nào bên vay trả tiền vay cho bên “tín dụng đen” sẽ hủy hợp đồng.
Việc ký kết chỉ hình thức, không có việc giao nhận nhà đất và tiền chuyển nhượng. Nhưng trên thực tế, sau khi nắm được hợp đồng mua bán chuyển nhượng trong tay, bên cho vay “tín dụng đen” đã làm thủ tục đăng ký thay đổi người sử dụng đất, sở hữu nhà, rồi bán tiếp cho đối tượng khác, hoặc dùng làm tài sản thế chấp cho ngân hàng để vay vốn.
Ông Vũ Anh Tuấn, một trong những nạn nhân chia sẻ, khi đối tượng “tín dụng đen” vay và rút tiền ngân hàng để sử dụng vào mục đích riêng, không có khả năng thanh toán hợp đồng tín dụng, ngân hàng yêu cầu phát mại tài sản bảo lãnh, tôi mới biết mình bị lừa, nhà đất của mình đã được sang tên cho người khác.
“Tôi rất ngạc nhiên vì vẫn ăn ở trong nhà của mình, không có bất kỳ ai đến đo đạc, xem xét, kiểm tra, đánh giá hay ký tá các văn bản giấy tờ để thế chấp ngân hàng”, ông Tuấn cho biết.
Trong khi đó, pháp luật hiện hành lại có nhiều kẽ hở. Đối tượng cho vay “tín dụng đen” đã lợi dụng điều này để vi phạm mà vẫn không bị xử lý.
Để “tín dụng đen” không có đất tồn tại, các chuyên gia pháp lý, luật sư đều nhấn mạnh đến việc nâng cao khả năng quản trị tài chính, giúp người dân có được những kiến thức cơ bản về quản trị dòng tiền, quản trị rủi ro; hoàn thiện hệ thống pháp luật, kiên quyết đấu tranh với những công ty, tổ chức, cá nhân sử dụng xã hội đen tham gia vào những việc liên quan đến vay mượn, giao dịch dân sự.