Ngay trong những ngày đầu năm mới Quý Mão, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp đi kiểm tra nhiều dự án, công trình trọng điểm quốc gia. Theo ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, điều đó cho thấy cần phải tăng tốc giải ngân các dự án đầu tư công ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2023.
PV: Thưa ông, ngay từ những ngày đầu năm mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp đi kiểm tra các công trình trọng điểm quốc gia. Với sự quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta càng nhận định rõ hơn vai trò quan trọng của đầu tư công và cần phải tăng tốc trong giải ngân, quan điểm của ông?
Ông Trần Văn Lâm: Cơ sở hạ tầng là một trong ba đột phá chiến lược được Đảng xác định. Thời gian qua, dù có cải thiện nhưng tốc độ xây dựng hạ tầng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đặt ra, nguyên nhân chính là do đầu tư công, giải ngân kém hiệu quả. Chưa năm nào chúng ta giải ngân hết 100%.
Nguồn lực dành cho đầu tư công rất lớn, 5 năm đã hơn 2 triệu tỷ đồng. Riêng năm 2023 vốn phục hồi kinh tế cũng dành cho đầu tư công tăng hơn 140 nghìn tỷ đồng so với năm 2022. Nguồn lực tăng mạnh, do đó, Thủ tướng đã rất quyết liệt, ngay từ đầu năm đã trực tiếp đi từng dự án, kiểm tra từng công trình, cho ý kiến chỉ đạo để đôn đốc, nhắc nhở, thúc đẩy để nâng cao trách nhiệm trong triển khai thực hiện các dự án của các cơ quan, địa phương, đơn vị.
Thủ tướng quyết liệt ngay từ tháng đầu năm vì thông thường tháng đầu năm các dự án mới sẽ triển khai, quá trình chuẩn bị dự án nếu không quyết liệt, tích cực, chủ động các biện pháp nhằm rút ngắn tiến độ thì sẽ lại chậm quá trình triển khai. Nhất là khi tâm lý “tháng Giêng là tháng ăn chơi” vẫn còn ở đây đó, ở nhiều cơ quan, đơn vị...
Để đẩy nhanh quá trình giải ngân, theo ông cần lưu ý đến vấn đề gì?
- Đầu tư công rất quan trọng trong giai đoạn phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch. Vì đây cũng là cách để đưa vốn vào nền kinh tế, tạo kích thích, hỗ trợ các lĩnh vực khác tăng trưởng, phát triển, lan toả nguồn lực, và thu hút thêm các nguồn lực cho phát triển kinh tế sau đại dịch. Giai đoạn này đầu tư công chính là “vốn mồi” khởi động cho quá trình tái hồi phục và phát triển của nền kinh tế.
Các vướng mắc đã được nhận diện rất rõ. Thứ nhất do giải phóng mặt bằng. Thứ hai, quy trình thủ tục. Thứ ba, chất lượng chuẩn bị các dự án. Thứ tư, chất lượng, năng lực của các nhà thầu và cuối cùng là năng lực, trách nhiệm quản lý thực hiện nhiệm vụ của các cấp các ngành, của người đứng đầu.
Để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, Quốc hội đã có nhiều biện pháp hỗ trợ, gỡ khó bằng việc đưa ra các cơ chế đặc thù, giao quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định chỉ định thầu, tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư để giúp nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ, đơn giản và thuận tiện hơn trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư công.
Rõ ràng các vấn đề đã được nhận diện, vậy tại sao đến nay vẫn chưa tháo gỡ được,khi mà giải ngân đầu tư công các năm đều không đạt, thưa ông?
- Chủ yếu vướng ở giải phóng mặt bằng, chất lượng chuẩn bị dự án, năng lực nhà thầu và trách nhiệm của người đứng đầu nơi thực hiện các dự án đầu tư công. Dù đã có cơ chế tách chính sách giải phóng mặt bằng ra để hỗ trợ thúc đẩy giải phóng mặt bằng nhưng vẫn vướng một số yếu tố liên quan đến Luật Đất đai như: vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng, người dân không đồng thuận nên có sự chậm trễ, chưa kể thủ tục phức tạp cũng làm chậm quá trình này.
Bên cạnh đó, cũng có trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, sợ trách nhiệm không dám mạnh dạn, quyết liệt trong giải phóng mặt bằng. Đặc biệt là chất lượng nhà thầu được quyết định bởi các tổ chức, cơ quan lựa chọn nhà thầu. Nghĩa là trách nhiệm của người lựa chọn nhà thầu, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ, triển khai các dự án đầu tư công. Nhiều người sợ sai không dám làm, không thực sự quyết liệt, không chủ động. Như đã nói, Quốc hội và Chính phủ cũng đã có nhiều chủ trương, giải pháp để hỗ trợ và thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Nhưng yếu tố then chốt vẫn là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tổ chức triển khai nhiệm vụ trong giải ngân dự án. Đó chính là yếu tố con người.
Tổng vốn đầu tư công năm 2023 được phân bổ là rất lớn, hơn 700 nghìn tỷ đồng. Vậy làm sao giám sát việc giải ngân đúng mục đích, hiệu quả, tránh xảy ra các tiêu cực, thưa ông?
- Khối lượng giải ngân vốn đầu tư công của năm 2023 rất lớn. Cho nên Thủ tướng đã quyết liệt thúc đẩy công việc ngay từ tháng đầu năm.
Tuy nhiên, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công không có nghĩa là chúng ta bỏ qua trình tự, thủ tục, quy định chặt chẽ của pháp luật về đầu tư và giải ngân đầu tư công. Mà đôn đốc để tăng cường trách nhiệm, nỗ lực quyết tâm, làm quyết liệt, làm nhanh. Bên cạnh đó, còn có sự giám sát của các cơ quan chức năng, cộng đồng dân cư, người dân, nhất là hiện nay công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đang rất quyết liệt, nhiều trường hợp đã bị xử lý trách nhiệm cá nhân, hình sự chính là để chấn chỉnh các cơ quan tổ chức, cá nhân khác về những ý đồ tham nhũng, tiêu cực... bởi vậy chúng ta có thể yên tâm.
Đầu tư công có tác động lan toả. Chính vì vậy, Quốc hội và Chính phủ đã quyết định tăng quy mô đầu tư công. Đầu tư công tức là đưa một nguồn lực, lượng tiền lớn vào nền kinh tế. Đầu tiên là đưa vào lĩnh vực xây dựng, vật tư sắt thép, giải quyết việc làm cho lĩnh vực xây dựng, từ đó sẽ tác động lan toả tới các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị công trình, vật tư nguyên liệu liên quan được huy động. Tiền đổ cho đầu tư công nhưng không chỉ nằm trong vật tư máy móc mà còn thúc đẩy dịch vụ phát triển đi theo, người lao động có thêm việc làm. Khi người lao động có thêm việc làm thì có nhu cầu mua sắm hàng hoá, từ đó thúc đẩy các lĩnh vực dịch vụ khác.
Trân trọng cảm ơn ông!