Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội vừa phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống”, UBND Quận Hoàn Kiếm và UNESCO công bố kết quả Cuộc thi thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội. Đây được xem là “nền móng” trong việc hình thành các điểm đến văn hoá đặc sắc của Thủ đô trong tương lai.
Nhiều phương án thiết kế sáng tạo
Sau 8 tháng phát động, cuộc thi nhận được sự quan tâm hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của những người yêu Hà Nội. Tổng kết cuộc thi, có 93 phương án dự thi từ các cá nhân, tổ chức trong nước, quốc tế (gồm 41 phương án đăng ký đối tượng dự thi chuyên nghiệp và 52 phương án đăng ký đối tượng dự thi bán chuyên nghiệp và không chuyên).
Trải qua các vòng chấm và bình chọn đã có 18 giải thưởng được trao cho cá nhân, đơn vị với 6 giải Nhất, 6 giải Hội đồng và 6 giải Bình chọn của 2 nhóm đối tượng chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp tại 3 hạng mục dự thi.
Ban tổ chức cuộc thi đánh giá: Với những phương án được trao giải hoàn toàn có cơ sở để triển khai thành các không gian sáng tạo cho Thủ đô, thậm chí là các ý tưởng của các tác giả bán chuyên nghiệp và không chuyên.
Đơn cử, như phương án “Quận đường tàu 4.0” với kỳ vọng chuyển đổi Nhà máy xe lửa Gia Lâm thành một “thung lũng Silion” mới tại Hà Nội. Đây sẽ là nơi kết nối các doanh nghiệp trẻ, đặc biệt là các nhà khởi nghiệp về công nghệ với nhau, cũng như kết nối đến người tiêu dùng, họ có thể là sinh viên, các nhà đầu tư, khách du lịch,…
Ngoài các không gian sáng tạo, trải nghiệm cho khách đến thăm thì nơi đây cũng phát triển các không gian dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của những người ở và làm việc tại đây như sinh hoạt, giải trí, làm việc...
Hay phương án “Hà Nội phố cổ - Nghìn năm văn hiến” được lấy cảm hứng từ quá trình phát triển đặc biệt của phố cổ Hà Nội với những “khoảng trống” bị xen lẫn một cách lộn xộn bởi quá trình đô thị hóa mạnh mẽ.
Theo đề xuất của phương án những giá trị văn hóa xưa vẫn được lưu giữ ở một đời sống mới, hòa trộn hỗn độn giữa hai giá trị cũ và mới cùng tồn tại song song, tác động qua lại với nhau. Đặc biệt, phương án “Quận nghệ thuật Sông Hồng” hướng tới trung tâm của khúc sông Hồng thành một không gian dành riêng cho sự sáng tạo.
Theo phương án đây sẽ trở thành không gian xanh và giảm mật độ xây dựng xuống thấp nhất để du khách có thề tiếp xúc gần gũi với thiên nhiên. Điểm nhấn của phương án là không gian thỏa mãn được sở thích chụp ảnh ở bến sông, tham quan ngắm cảnh ở ven sông Hồng.
Nghệ thuật và sáng tạo là hai yếu tố xuyên suốt từ không gian bên trong các tòa nhà cho đến không gian ngoài trời như triển lãm nghệ thuật ánh sáng, công viên…
Kỳ vọng những không gian công cộng mới
Theo KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo đánh giá, các phương án dự thi chất lượng tốt, thể hiện tâm huyết, tình yêu của các tác giả đối với Hà Nội. Các hạng mục đều được phân tích, triển khai giải quyết vấn đề đến chi tiết.
Phần lớn các giải pháp được đề xuất trên cơ sở cải tạo, chuyển đổi chức năng không gian trên cơ sở phát huy các giá trị vốn có, khai thác được không gian trở thành những không gian sáng tạo cho cộng đồng.
Cũng theo KTS Sơn, Hội đồng Giám khảo đánh giá cao những phương án đề xuất ý tưởng độc đáo, giải pháp mới mẻ, ngôn ngữ tạo hình hiện đại. Những phương án được lựa chọn để trao giải đã có một điểm chung là đặc biệt chú ý đến tính khả thi thực tế, độ gắn kết với văn hoá và môi trường, có những phương án có thể triển khai dự án xây dựng được ngay.
“Sau khi kết thúc cuộc thi, Hội đồng sẵn sàng trao đổi thêm với các tác giả và UBND TP Hà Nội nếu có điều kiện để thi công thực tế các công trình này” - ông Sơn chia sẻ.
Đồng quan điểm, PGS.TS. KTS Phạm Thuý Loan chia sẻ: Với tư cách là thành viên Hội đồng giám khảo hạng mục “Tổ chức không gian sáng tạo trên cơ sở khai thác các công trình công nghiệp trong đô thị phải di dời hoặc chuyển đổi chức năng” tôi đánh giá các bài thi đều có chất lượng tốt với nhiều đề xuất thú vị, thuyết phục và có chiều sâu tư duy.
Với các phương án được đề xuất, chúng ta cùng một lúc có thể nhanh chóng có các cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế sáng tạo, cho ngành công nghiệp văn hoá, vừa bảo tồn các giá trị lịch sử và cảm thức cho các nơi chốn cũ ở Hà Nội, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường khi phá bỏ xây mới các công trình nhà máy khi chúng vẫn còn tốt, và quan trọng hơn cả là tạo thêm nhiều không gian công cộng cho Hà Nội.
Đây là cách làm khác, mang lại nhiều lợi ích cho tất cả hơn so với cách làm trước đây khi các nhà máy cũ thường chuyển thành các dự án chung cư - thương mại cao tầng, càng làm tăng mật độ dân cư, tăng tải lên khu vực nội đô Hà Nội.
Có thể nói, với các phương án đang là cơ hội để nghiên cứu chuyển đổi toàn phần hoặc một phần các công trình “xưa cũ” thành các không gian sáng tạo rộng lớn, linh hoạt, phục vụ đông đảo công chúng. Không những vậy nếu được bảo tồn đúng cách, đây sẽ là nguồn lực để Hà Nội phát triển thành phố sáng tạo sau khi được công nhận là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.