Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thừa cân và béo phì đã trở thành gánh nặng bệnh tật trên toàn cầu, khi tỉ lệ béo phì trên toàn thế giới đã tăng gần gấp ba lần kể từ năm 1975, với 1,9 tỉ người lớn (tương ứng 39%) bị thừa cân và béo phì.
Có thể thấy được, như cầu giảm cân của người dân là rất cao và đó cũng là nhu cầu chính đáng của mỗi người. Thế nhưng, nếu tin vào những lời quảng cáo, những bài thuốc hay “thần dược” không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng thì hậu quả mang tới cho sức khỏe người dùng là vô cùng nguy hại.
Thông tin từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân nữ vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê, co giật sau 4 ngày uống cà phê giảm cân. Đó là bệnh nhân nữ, 37 tuổi ở Gia Lâm, Hà Nội.
Theo lời kể của bệnh nhân, sau khi sinh con thứ 3 chị tăng cân khá nhiều, ảnh hưởng đến vóc dáng. Một cô bạn cùng công ty giới thiệu một loại cà phê giảm cân rất hiệu quả, uống 1 tuần có thể giảm được 4 kg. Chị đã mua 1 hộp (30 gói) với giá 550.000 đồng, mỗi sáng uống 1 gói. Cà phê này có vị ngọt thơm như cà phê sữa. Khi uống đến ngày thứ 3, bệnh nhân thấy mệt, cảm giác khó thở, sang ngày thứ 4, sau uống 15 phút chị có cảm giác khó thở, lạnh toát, háo nước. Thân nhiệt hạ thấp đột ngột, phải bật quạt sưởi và đắp chăn bông vẫn thấy lạnh. Cuối cùng chị rơi vào trạng thái bất tỉnh (biểu hiện bên ngoài là bị co giật toàn thân, sùi bọt mép, tiểu tiện không tự chủ).
Bệnh nhân được người nhà đưa vào bệnh viện huyện sau đó chuyển thẳng đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng lơ mơ, hạ natri máu nặng, kết quả chụp cắt lớp bắt đầu thấy não bị tổn thương. Điều đáng chú ý, gói cà phê giảm cân còn lại của bệnh nhân đã được gửi tới Viện Pháp y quốc gia xét nghiệm và kết quả cho thấy có chứa sibutramine, một thuốc giảm cân đã bị Bộ Y tế cấm sử dụng trong tân dược, thực phẩm chức năng vì những tác dụng nguy hiểm tới sức khỏe người dùng.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, giảm cân để làm đẹp là nhu cầu chính đáng của mọi người, nhất là đối với phụ nữ. Tuy nhiên, chị em không nên tin vào những lời quảng cáo có tác dụng giảm cân như “thần dược”, tìm đến các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc và chất lượng trên thị trường để nhận hậu quả đối với sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Các thực phẩm chức năng, các đồ uống quảng cáo với tác dụng hỗ trợ giảm cân hiện nay thì hiệu quả thường không rõ ràng, về tác dụng và độ an toàn không thể so sánh bằng các thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên các thực phẩm chức năng lại được quảng cáo, đồn thổi và được bán với giá rất cao.
Cách giảm cân đúng nhất là phải được khám, đánh giá và tư vấn của chuyên môn y tế, điều chỉnh chế độ ăn, tập luyện phù hợp. Khi cần dùng thuốc giảm cân thì phải có bác sỹ chuyên khoa dinh dưỡng, hoặc bác sỹ nội khoa khám và kê đơn, theo dõi sử dụng an toàn.
BS Lê Thị Hải - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, giảm cân là một quá trình lâu dài chứ không phải ngày một ngày hai. Cho dù dùng bất cứ loại thuốc hay thực phẩm chức năng hỗ trợ nào thì cũng phải nghiêm túc và kiên trì điều chỉnh lại chế độ ăn uống, luyện tập, cũng như lối sống hàng ngày để có thể kiểm soát cân nặng hiệu quả, bền lâu.
LỜI KHUYÊN CỦA BÁC SĨ CHO NGƯỜI GIẢM CÂN
-Hoạt động thể lực: Ít nhất 30 phút mỗi ngày, vừa đốt bớt lượng mỡ thừa vừa rèn luyện thể lực và sức khỏe.
-Chế độ ăn uống: Hạn chế tối đa chất béo, tinh bột và đường, nhưng không được kiêng hoàn toàn tinh bột. Đường, đặc biệt là loại đường lỏng trong các loại nước ngọt có ga, trà sữa là “thủ phạm” gây tăng cân, béo phì. Nên tăng lượng protein trong khẩu phần vì nó sẽ làm giảm cảm giác thèm ăn, tăng cường cơ bắp thay vì mỡ. Uống đủ nước hàng ngày, cung cấp nhiều chất xơ cho cơ thể thông qua rau, củ quả hoặc bổ sung chất xơ hòa tan.
-Thay đổi lối sống: Căng thẳng, thức khuya, ngủ không ngon giấc có thể sản sinh các nội tiết tố (hormone), có tác dụng kích thích sự thèm ăn và gia tăng tích lũy mỡ. Vì vậy nên có giờ giấc sinh hoạt điều độ và khoa học.