Ngay sau khi Cơ quan CSĐT và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết chưa đủ căn cứ để ra quyết định khởi tố vụ án sản xuất, buôn bán phân bón giả (như Đại Đoàn Kết đã thông tin), đối với Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Thuận Phong (gọi tắt là Công ty Thuận Phong), Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai không đồng ý với kết luận của 2 đơn vị trên do việc thu thập hồ sơ hiện có là chưa đầy đủ đã yêu cầu điều tra lại.
Nguồn: vietgiaitri.com
Tại buổi làm việc với với thành viên của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ngày 27/8 mới đây để thống nhất quan điểm xử lý vụ việc có dấu hiệu kinh doanh trái phép của Công ty Thuận Phong, Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh đến dấu hiệu phạm tội sản xuất hàng giả, gây bức xức dư luận.
Theo ông Khánh, qua báo cáo tóm tắt kết quả điều tra và đề xuất xử lý vụ việc cho thấy, việc thu thập thông tin của các đơn vị chưa đầy đủ. Ví dụ nhãn mác (Mỹ) đưa vào hồ sơ của Công ty Thuận Phong được in ở các công ty tại TP Hồ Chí Minh liệu đã đảm bảo về pháp lý chưa? Điều này tối quan trọng, khi người dân chỉ nhìn nhãn mác Made in USA và coi đó là sản phẩm nhập từ Mỹ. Đó là chưa kể hành vi tiêu hủy nhãn mác khi bị lập biên bản, vì sao có sự mập mờ vậy?
Ngoài ra, ngày 25/4, khi điều tra Công ty Thuận Phong đã bán sản phẩm ra thị trường từ 1/4/2014, tuy nhiên trong sổ sách lại cho biết tháng 8/2014 mới nhập hàng về.
Đó là chưa kể, thử nghiệm mẫu sản phẩm của Công ty Thuận Phong 2 lần, 19/29 mẫu phân bón không đạt chuẩn. Trước đó, Công ty Thuận Phong đã từng bị Chi Cục QLTT xử phạt hành chính với số tiền 45 triệu đồng về sản xuất phân bón giả…
“Tôi đề nghị cơ quan điều tra làm lại theo đúng qui trình, xem xét làm sao trong quá trình chứng minh phạm tội đảm bảo khách quan” - Giám đốc Khánh kết luận.
Trước đó, theo báo cáo của PC 46 Công an Đồng Nai, Công ty Thuận Phong được Công ty Bio Huma Netics ký cho phép được sang chiết đóng gói và sử dụng tem nhãn sản xuất tại Việt Nam trên các sản phẩm. Công ty Thuận Phong được Trung tâm Khảo nghiệm phân bón vùng Nam Bộ, cấp 35 giấy chứng nhận đăng ký hợp qui cho 35 sản phẩm. Hiện nay chưa có văn bản qui định chất chính trong phân bón nên việc xác định một chỉ tiêu là chưa có căn cứ để kết luận phân bón giả…
Về kết luận này, ông Lại Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ 3, Viện VKSND tối cao cho biết, dù Thuận Phong được công ty ở Mỹ cho phép sang chiết sử dụng tem nhãn sản xuất tại Việt Nam nhưng đấy chỉ là quyết định một chiều. Cơ quan nào ở Việt Nam sẽ cho phép? Đối với sản xuất phân bón, ngoài giấy tờ câ#n thiết, nơi sản xuất cần những điều kiện đạt chuẩn về máy móc thiết bị, phòng phân tích thí nghiệm…
Tuy nhiên, khi đơn vị liên ngành “đột nhập” hiện trường, một sự thật là phương tiện thô sơ nhếch nhác, sang chiết sản phẩm thủ công. Chỉ như vậy thôi, liệu sản phẩm nói của Mỹ đã “an toàn”?
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Đình Được, Phó Chánh Thanh tra Bộ Quốc Phòng cho biết, dù công ty ở Mỹ cho phép sang chiết sử dụng tem Made in USA sản xuất ở Việt Nam nhưng nếu thương hiệu đó chưa được bảo hộ tại Việt Nam cũng không đúng pháp luật. Vì điều này làm cho người dân hiểu lầm là nhập nguyên từ Mỹ.
“Trong quy định phân bón thuộc sản phẩm hàng hóa nhóm 2, tức nhóm này khi nhập khẩu phải có chứng nhận hợp quy mới được thông quan. Tuy nhiên, trong toàn bộ hồ sơ chưa thấy nói về điều này. Đó là chưa kể đến việc Trung tâm cấp chứng nhận hợp qui cho 35 sản phẩm là sai quy định vì không được chỉ định chứng nhận”- ông Được cho biết thêm.
Theo Văn bản số 794/ CHC-QLTC ngày 17/8, tham vấn chuyên môn về lĩnh vực phân bón, Cục Hóa chất, Bộ Công thương đã khẳng định Cục chưa nhận được Thông báo xác nhận công bố hợp quy về sản phẩm của Công ty Thuận Phong….
Trước đó, như thông tin đã đăng tải tháng 4/2015, liên ngành đã bắt quả tang công nhân của Công ty đang thực hiện hành vi sang chiết, đóng gói phân bón với số lượng lớn ngay tại khu vực sản xuất. Đoàn kiểm tra đã niêm phong số lượng hàng hóa tại kho gồm 3.224 chai các loại (tương đương 4.045,39 kg) đã dán nhãn hàng hóa ghi xuất xứ Made in USA, 148 kg nhãn hàng hóa ghi xuất xứ Made in USA, 95,18 kg nhãn phụ các loại, 1.520 tem niêm phong nhãn hiệu Huma Gro…
Toàn bộ số nhãn hàng hóa của lô hàng này (nhãn tiếng nước ngoài, nhãn phụ), tem niêm phong, vỏ bao bì…được Công ty thuê in ấn và sản xuất tại Việt Nam.
Qua kiểm tra sổ sách từ 1/1/2014 đến thời điểm kiểm tra, Công ty đã sản xuất và bán ra thị trường trên 40.000 chai phân bón Mỹ các loại, tương đương trên 23.000 lít phân bón dạng nước.