Kinh tế

Giảm hàng giả bằng cách dùng công nghệ truy xuất nguồn gốc

Thanh Giang 15/04/2025 17:24

Ngày 15/4, tại TP Hồ Chí Minh diễn ra hội thảo “Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá trong chương trình chuyển đổi số quốc gia”.

Ông Trần Giang Khuê – Trưởng Văn phòng miền Nam Cục Sở hữu Trí tuệ cảnh báo: “Nhiều vụ hàng giả, hàng nhái khiến cho sản phẩm Việt Nam khi xuất khẩu gặp trở ngại, làm ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu Việt trên trường quốc tế”.

Theo ông Khuê, nếu không có giải pháp căn cơ chống hàng giả, doanh nghiệp làm ăn chân chính sẽ còn khó khăn dài dài. Người tiêu dùng thì cứ loay hoay mãi trong “ma trận” hàng hóa không rõ nguồn gốc. Vì vậy, phải quan tâm đến những giải pháp chống hàng giả, đặc biệt là khâu truy xuất hàng hóa.

Truy xuất hàng hóa 1
Ông Trần Giang Khuê – Trưởng Văn phòng miền Nam Cục Sở hữu Trí tuệ nói về vấn nạn hàng giả. Ảnh: C.L

Nói về vấn nạn hàng giả, TS. Trịnh Bá Dương – chuyên gia đổi mới sáng tạo quốc gia khẳng định, tình trạng làm giả hiện nay không chỉ là sao chép mẫu mã mà còn giả mạo cả thông tin, dữ liệu và mã truy xuất.

Trong khi đó, những phương pháp truyền thống – tem nhãn, mã vạch đơn thuần không còn đủ sức để đối phó với thủ đoạn tinh vi, đang bộc lộ nhiều bất cập, dễ bị làm giả, làm lại, thậm chí bị giả mạo cả mã QR. Cần những giải pháp có tính đột phá thực sự, dựa trên tích hợp công nghệ thông minh và liên kết chuỗi dữ liệu số hóa.

“Trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị vừa được ban hành – xác định rõ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là một trong ba đột phá chiến lược mới của đất nước trong giai đoạn phát triển tiếp theo. Đây là định hướng mang tính nền tảng và cấp thiết, tạo hành lang chính sách mạnh mẽ để thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào giải quyết các bài toán lớn, trong đó có bài toán truy xuất nguồn gốc và chống hàng giả hàng nhái”, ông Dương nhận định.

Truy xuất hàng hóa
Người tiêu dùng rất quan tâm đến xuất xứ hàng hóa. Ảnh: S.X

Ông Trịnh Bá Dương lấy một số nước Asean ra làm dẫn chứng. Cụ thể, Thái Lan đã bắt đầu ứng dụng công nghệ nhận dạng bằng sóng vô tuyến, bằng cách cho phép gắn chip điện tử vào từng sản phẩm hoặc lô hàng (RFID), kết hợp Blockchain trong xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. Từ đó, giúp theo dõi toàn bộ hành trình trái cây từ vườn đến cửa khẩu. Singapore đang triển khai nền tảng dùng AI, để giám sát chất lượng thuốc và thực phẩm chức năng.

Ở Việt Nam đã có những doanh nghiệp tiên phong trong ngành dược và nông sản áp dụng RFID và truy xuất số hóa, tuy nhiên quy mô còn nhỏ lẻ và thiếu tính liên kết vùng, liên kết ngành.

Liên quan đến hàng hóa không rõ nguồn gốc, ông Phạm Văn Thọ - Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ chống giả Việt Nam cho biết, trong bối cảnh kinh tế thị trường có nhiều cạnh tranh, vấn nạn hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn còn xuất hiện trên các chợ truyền thống và sàn thương mại điện tử khiến cho bao doanh nghiệp và người tiêu dùng điêu đứng.

Hàng hiệu
Không phải người tiêu dùng nào cũng "soi" rõ hàng thật - hàng giả. Ảnh: S.X

Để giúp doanh nghiệp giải được bài toán này, theo ông Thọ, True Data là giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa bằng công nghệ tiên tiến với vật mang dữ liệu là chip RFID, chíp lưu được thông tin các công đoạn trong sản xuất, kinh doanh, gồm: mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm, thời gian sự kiện truy xuất nguồn gốc của từng công đoạn,....

Ông Phạm Văn Thọ cho rằng, TrueData được ví như một “căn cước điện tử” gắn trên mỗi sản phẩm, giúp theo dõi toàn bộ hành trình từ sản xuất, vận chuyển đến tiêu thụ mà chỉ cần chiếc điện thoại và một thao tác quét chip RFID có thể xác minh nguồn gốc thật.

Theo thống kê, tính chung cả năm 2024, lực lượng quản lý thị trường đã thanh tra, kiểm tra 68.280 vụ (giảm 5% so với cùng kỳ năm 2023), phát hiện, xử lý 47.135 vụ vi phạm (giảm 10% so với cùng kỳ năm 2023); chuyển cơ quan điều tra 178 vụ có dấu hiệu tội phạm (tăng 2%). Thu nộp ngân sách trên 541 tỷ đồng (tăng 8%). Trị giá hàng hóa vi phạm 425 tỷ đồng (tăng 23% so với năm 2023), trong đó, trị giá hàng hóa tịch thu 220 tỷ đồng; trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy 205 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm hàng giả bằng cách dùng công nghệ truy xuất nguồn gốc