Trước đây người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) hết sức “tù mù”, không biết mình đã đóng được bao nhiêu năm, liệu cơ quan, doanh nghiệp nơi mình làm việc có nợ đọng hay trốn đóng BHXH hay không, thì nay có thể tự kiểm soát bằng VssID.
VssID (BHXH số) là một ứng dụng được phát triển trên nền tảng thiết bị di động, nhằm hướng tới đông đảo người lao động có tham gia đóng BHXH. Mục đích là để minh bạch hóa mọi khâu trong quy trình tham gia BHXH của người lao động, từ khâu đóng BHXH của đơn vị, doanh nghiệp, tới việc thụ hưởng, thời gian đóng BHXH... Ứng dụng này vừa được BHXH Việt Nam ra mắt chiều ngày 16/11.
Lâu nay, thực trạng nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (cả quốc doanh và tư nhân) nợ đọng, thậm chí trốn đóng BHXH cho người lao động xảy ra khá phổ biến. Vì thế, quyền lợi của người lao động không được đảm bảo, từ khám chữa bệnh, đau ốm, thai sản, tới việc sau này lấy sổ nghỉ hưu. Dù các cơ quan chức năng đã đau đầu giải bài toán khó về nợ đọng và trốn đóng BHXH cho người lao động, nhưng xem ra mọi việc không hề dễ dàng.
Bài toán trên không dễ có lời giải là bởi hành lang pháp lý hiện nay chưa có chế tài đủ mạnh để các “ông chủ” biết sợ mà không dám chây ì dẫn tới nợ đọng và trốn đóng BHXH cho người lao động. Dù đã có quy định, công đoàn các cấp có thể lập hồ sơ, giúp người lao động khởi kiện doanh nghiệp, đơn vị nợ đọng, trốn đóng BHXH ra tòa. Song, trên thực tế dù quy định đã có từ lâu, nhưng số vụ bị khởi kiện ra tòa chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Nói vậy thôi chứ để công đoàn có thể giúp người lao động khởi kiện các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ra tòa cũng không hề đơn giản. Tạm loại bỏ các thủ tục nhiêu khê, rườm rà khi chuẩn bị hồ sơ khởi kiện, chỉ quan tâm đến “lợi ích” của công đoàn cũng đã là một nút thắt khó vượt qua rồi. Chẳng hạn công đoàn cơ sở sẽ không thể khởi kiện “ông chủ” về tội trốn đóng BHXH cho người lao động, bởi vì họ đang được “ông chủ” đó trả lương.
Đó là công đoàn cơ sở, còn công đoàn cấp trên thì còn hàng “tỷ việc” phải lo, thời gian đâu mà lo cho người lao động bị cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng và trốn đóng BHXH. Đó là lý do giải thích tại sao tình trạng nợ đọng và trốn đóng BHXH cho người lao động mới còn khá phổ biến như vậy. Khi mà một hành vi vi phạm không bị chế tài, không có ai “hỏi đến”, có lý do gì để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải sợ?
Tất nhiên, cũng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự với những hành vi nợ đọng và trốn đóng BHXH cho người lao động, được quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017. Song, để có thể xử lý hình sự cũng không hề đơn giản. Chưa kể điều kiện số tiền nợ đọng tối thiểu phải trên 50 triệu đồng, nợ quá 6 tháng, hoặc đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn tái phạm... Vậy nên hầu như chưa có ai đi tù vì trốn BHXH.
Bất cập ở chỗ, dù cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có trốn đóng BHXH, nhưng người lao động lại không hề hay biết gì cả, cứ cung cúc tận tụy cống hiến mồ hôi, nước mắt. Chỉ đến khi ốm đau, thai sản, nghỉ hưu hay vì một lý do bất khả kháng nào đó phải sử dụng đến BHXH, lúc đó mới “ngã ngửa người” rằng lâu nay không được “ông chủ” đóng BHXH. Rơi vào tình cảnh đó thì người lao động chỉ còn nước cười mếu chứ biết làm sao hơn?
Song, giờ đây khi BHXH Việt Nam ra mắt ứng dụng VssID, nếu người lao động nạp ứng dụng này vào điện thoại thì có biết được ngay cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã đóng BHXH cho mình đến năm nào, tháng nào, còn nợ bao nhiêu thời gian... Với việc giám sát “ngay và luôn” đó, người lao động có rất nhiều lựa chọn: Yêu cầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải lập tức đóng BHXH, hoặc có thể rời khỏi nơi làm việc đến cơ quan mới.
Ngoài ra, ứng dụng VssID còn là một kênh truyền thông trực tiếp của BHXH Việt Nam kết nối đến người sử dụng, nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin về chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp... Tóm lại, ứng dụng VssID vừa giúp ích cho cơ quan quản lý nhà nước, lại đặc biệt hữu hiệu với người tham gia đóng BHXH trong việc tuyên truyền, kiểm soát các vấn đề liên quan đến BHXH.
Đây là lý do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi tham dự Lễ ra mắt ứng dụng VssID đã hết sức phấn khởi. Thủ tướng mong muốn các bộ, ngành, địa phương khác cũng nhanh chóng áp dụng ứng dụng số vào lĩnh vực của mình, vừa để công khai minh bạch thông tin, vừa để giúp người dân thuận tiện hơn trong giám sát và thực hiện các giao dịch. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu: Cái gì có lợi cho dân thì phải ưu tiên làm ngay!