Kinh tế

Giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường

H.Hương 04/07/2024 07:46

Tại Hội thảo Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2024 diễn ra sáng 3/7 tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, để ổn định giá, đặc biệt trước việc tăng tiền lương, cần giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường.

anh-bai-duoi-trang-2.jpg
Quang cảnh hội thảo.Nguồn: VNE.

Theo TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, không có nhiều yếu tố gây tăng giá đột biến trong 6 tháng cuối năm 2024. Vì vậy, có thể kỳ vọng tốc độ tăng giá trong 6 tháng cuối năm sẽ ở mức tương đương so với trong 6 tháng đầu năm 2024. Dự báo lạm phát trung bình cả năm 2024 sẽ xoay quanh mức 3,2 - 3,6%.

Tuy nhiên, theo đại diện Cục Quản lý giá, áp lực lạm phát trong nửa cuối năm rõ nét và mạnh hơn so với nửa đầu năm và việc điều hành giá tiếp tục chịu áp lực lớn do ảnh hưởng từ tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo. Thị trường trong nước cũng đã xuất hiện những yếu tố rõ nét gây áp lực lên mặt bằng giá như việc thực hiện lộ trình giá thị trường, tính đúng tính đủ chi phí trong giá các hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá; giá mặt hàng năng lượng biến động khó lường; chính sách cải cách tiền lương từ 1/7/2024.

Do đó, để góp phần ổn định mặt bằng giá cả, nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, cần có các giải pháp đồng bộ cả về tuyên truyền nhận thức, kinh tế, tài chính, hành chính - pháp lý cùng với các chủ thể có liên quan như nhà nước, doanh nghiệp, dân cư, các đối tượng hữu quan khác. Nhà nước cần có nguồn hoặc cơ chế dự trữ hàng hóa đáng kể để cung ứng ra thị trường vào thời điểm cần thiết, hình thành cơ chế giá trần phù hợp với những mặt hàng thiết yếu, tăng cường hiệu năng quản lý thị trường khi có hiện tượng đầu cơ tăng giá hoặc tăng giá không đủ cơ sở và căn cứ phù hợp, chú trọng tuyên truyền để ổn định tâm lý công chúng trước tình hình tăng lương, khuyến khích cạnh tranh theo giá, tăng cường nhập khẩu để ổn định giá và tăng lãi suất huy động... Đối với DN cần tái cơ cấu, áp dụng mô hình kinh doanh mới, quản trị tinh gọn để tiết kiệm chi phí, khai thác mọi sự hỗ trợ để tiết kiệm chi phí. Với công chúng, cần ổn định tâm lý, không tự gây ra làn sóng đổ xô mua hàng hóa khi chưa có nhu cầu thực sự, giảm thiểu tâm lý tích trữ và có phương thức chi tiêu cá nhân hợp lý, tiết kiệm và bền vững.

Để ổn định giá cả thị trường từ nay tới cuối năm, đặc biệt trước việc tăng tiền lương, Cục Quản lý giá cho biết cần giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường, các mặt hàng vẫn có biến động tăng giá để tham mưu chính sách, kịch bản điều hành giá phù hợp, linh hoạt, kịp thời, nhất là với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá; điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương chủ động chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, đánh giá kỹ tác động để thực hiện điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mức độ điều chỉnh phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường.

Ngoài ra, đối với các mặt hàng Nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường như điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát các phương án, lộ trình giá do các Bộ xây dựng, đề xuất để cập nhật kịch bản lạm phát làm cơ sở tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác quản lý, điều hành giá đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân năm 2024 theo mục tiêu Quốc hội đề ra từ 4,0-4,5%. Đồng thời, tiếp tục chú trọng thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch, trung thực thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường