Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, triển khai Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động (diễn ra từ ngày 1 đến ngày 31/5) các cơ quan chức năng sẽ tổ chức các đoàn đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại doanh nghiệp, khu công nghiệp tại 13 tỉnh, thành phố đồng thời kiểm tra, giám sát công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp.
Bảo vệ người lao động
Chia sẻ lý do chọn chủ đề cho Tháng hành động, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, Lê Tấn Dũng cho biết, qua các báo cáo tổng hợp và phân tích của Ban Chỉ đạo Tháng ATVSLĐ Trung ương, một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến các vụ tai nạn lao động (TNLĐ) là do người lao động không được huấn luyện, hoặc huấn luyện không đầy đủ các kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn, vệ sinh lao động. Bên cạnh đó chất lượng môi trường làm việc cũng như vấn đề sức khỏe người lao động (NLĐ) vẫn chưa thực sự được cả doanh nghiệp cũng như NLĐ quan tâm.
Chính vì vậy, Tháng hành động về ATVSLĐ được phát động với chủ đề: “Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động và sự tham gia của an toàn, vệ sinh viên” nhằm đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp và nâng cao năng suất lao động tại nơi làm việc.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, hướng ứng Tháng hành động, Bộ LĐTBXH sẽ tổ chức đối thoại giữa Hội đồng quốc gia về an toàn vệ sinh lao động với doanh nghiệp về thiết bị nâng, kết hợp đối thoại chuyên đề về công tác huấn luyện, kiểm định an toàn cho vệ sinh viên. Đặc biệt, Bộ Y tế sẽ tổ chức các đoàn đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại doanh nghiệp, khu công nghiệp tại 13 tỉnh, thành phố; kiểm tra một số cơ sở sản xuất kinh doanh, một số đơn vị trong ngành y tế về phòng chống dịch, công tác an toàn vệ snh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp. Để từ đó thiết lập môi trường làm việc an toàn cho NLĐ trước bối cảnh dịch Covidvẫn còn đang rất phức tạp.
Hiện nay hưởng ứng Tháng hành động, các địa phương trong cả nước cũng đã đồng loạt ban hành Kế hoạch tổ chức Tháng hành động với những hoạt động cụ thể nhằm nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, NLĐ về các nguy cơ rủi ro mất ATVSLĐ, cũng như các biện pháp kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc, hướng dẫn kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động để phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đồng thời thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra giám sát các hoạt động tại các doanh nghiệp.
Cần thiết lập hệ thống an toàn sức khỏe nghề nghiệp
Theo các chuyên gia, việc thiết lập các đoàn kiểm tra, giám sát công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp là việc làm cấp thiết lúc này. Báo cáo “Dự báo, chuẩn bị và ứng phó khủng hoảng: Hãy đầu tư cho các hệ thống an toàn sức khỏe nghề nghiệp có sức chống chịu tốt ngay từ bây giờ” vừa được Tổ chức Lao động quốc tế ILO công bố cũng cho thấy, NLĐ đứng trước nhiều nguy cơ trở thành nguồn lây truyền Covid-19 vì phải làm việc trong những môi trường kín và tiếp xúc gần với nhau, bao gồm cả việc sử dụng chung nơi ở hay phương tiện đi lại.
Báo cáo cho biết các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có thể đáp ứng được những yêu cầu chính thức về an toàn sức khỏe nghề nghiệp, vì nhiều doanh nghiệp thiếu nguồn lực để ứng phó với những mối đe dọa do đại dịch gây nên. Đáng lưu ý, trong khu vực kinh tế phi chính thức có đến 1,6 tỷ người lao động, đặc biệt là ở các nước đang phát triển vẫn phải làm việc trong thời kỳ áp dụng các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại và giao tiếp xã hội cũng như các biện pháp khác. Họ đứng trước nguy cơ cao bị lây nhiễm virus trong khi đa phần những người lao động này không được tiếp cận các chế độ bảo trợ xã hội cơ bản như nghỉ ốm hay nghỉ ốm có hưởng lương.
Theo chuyên gia ILO các quốc gia cần triển khai những hệ thống an toàn sức khỏe nghề nghiệp đảm bảo và có sức chống chịu tốt. Điều này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro cho tất cả người lao động trong những tình huống y tế khẩn cấp trong tương lai.
“Việc xây dựng hệ thống đòi hỏi phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng an toàn sức khỏe nghề nghiệp, trong đó vấn đề an toàn sức khỏe nghề nghiệp phải được tích hợp trong các kế hoạch tổng thể của quốc gia về chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó các tình huống khủng hoảng khẩn cấp. Điều này sẽ bảo vệ sự an toàn và sức khỏe của người lao động cũng như đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp được diễn ra liên tục” - Tổng Giám đốc ILO ông Guy Ryder đề xuất.