Giám sát để đồng hành phát triển - Bài 1: Phải làm đến cùng

Dạ Yến 19/12/2015 09:10

Năm 2015 là năm sôi nổi các hoạt động phối hợp của UBTƯ MTTQ Việt Nam với các Bộ, ngành và đoàn thể. Nhìn lại một năm hoạt động, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khẳng định, giám sát của Mặt trận là giám sát của nhân dân nhưng giám sát trên tinh thần Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Vì vậy, các chương trình giám sát của Mặt trận không phải là giám sát đối đầu mà giám sát để đồng hành vì sự phát triển của đất nước. 

Giám sát để đồng hành phát triển - Bài 1: Phải làm đến cùng

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, giám sát của Mặt trận là giám sát của
nhân dân nhưng giám sát trên tinh thần Đảng lãnh đạo,
Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

Năm 2015, MTTQ Việt Nam đã triển khai 8 chương trình phối hợp giám sát ở cấp Trung ương về 8 lĩnh vực, vấn đề nhân dân rất quan tâm, trong đó đã hoàn thành xuất sắc chương trình Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi với người có công với cách mạng, thực hiện trong hai năm 2014 và 2015.

7 chương trình phối hợp giám sát còn lại đã được MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của MTTQ, các bộ ngành liên quan tích cực triển khai, qua đó cho phép rút ra các kinh nghiệm về cơ chế tổ chức giám sát, khả năng triển khai việc giám sát của các tổ chức thành viên, chọn mục tiêu, yêu cầu cho giám sát năm 2016.

Từ kết quả này, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, một số nội dung và cơ chế giám sát sẽ được hướng dẫn cụ thể để từ năm 2016 sẽ do MTTQ các tỉnh hoặc các tổ chức chính trị-xã hội sẽ tự triển khai ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. MTTQ Việt Nam các địa phương sẽ lựa chọn các nội dung giám sát cụ thể theo sức mình, không tham làm nhiều mà làm đâu chắc đó và phải làm tới cùng.

Hiến pháp 2013 trao cho Mặt trận quyền và trách nhiệm giám sát

Năm 2014 là năm đầu tiên Mặt trận triển khai chức năng giám sát xã hội theo tinh thần của Hiến pháp 2013 và Quyết định 217 của Bộ Chính trị ngày 12/12/2013 về việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Vì vậy, năm 2014 được xem là năm có ý nghĩa bước đầu làm rõ cơ chế giám sát của Mặt trận là giám sát của nhân dân, căn cứ vào nguyện vọng của nhân dân, phối hợp cùng với chính quyền để giám sát. Cơ chế này làm tiền đề để bước sang năm 2015, Mặt trận phối hợp với các tổ chức đoàn thể triển khai 8 chương trình giám sát ở cấp Trung ương. Trong đó, ngoài giám sát chính sách ưu đãi cho người có công, 7 nội dung giám sát còn lại đều hướng đến nhiều vấn đề bức xúc của các đối tượng cụ thể.

Ví dụ, để góp phần chăm lo lợi ích của đông đảo công nhân, MTTQ Việt Nam và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp triển khai giám sát về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong các doanh nghiệp nhằm xác định hiện trạng và kiến nghị các giải pháp khắc phục tình trạng nợ, trốn đóng BHXH, BHYT ở các doanh nghiệp.

Đáp ứng đòi hỏi của đông đảo nông dân, MTTQ Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp triển khai giám sát chất lượng đầu vào vật tư nông nghiệp như phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật để tìm ra các giải pháp khắc phục tình trạng hàng giả, kém chất lượng, gây thiệt hại lớn cho hàng triệu nông dân. Nhằm phát huy vai trò và đóng góp của đội ngũ trí thức MTTQ Việt Nam và Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã triển khai giám sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương VI, khóa XI về phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ và Luật Khoa học Công nghệ. Bên cạnh đó là giám sát các vấn đề xã hội rất quan tâm như chất lượng dịch vụ y tế tư nhân, việc giải quyết khiếu nại tố cáo và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan.

Đánh giá của Ban thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam cho thấy, tất cả những chương trình này đều có sự phối hợp nghiêm túc, thực chất của các bộ, ngành, đặc biệt nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Chương trình Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi với người có công với cách mạng trong hai năm 2014- 2015 được coi là hoàn thành xuất sắc.

Giám sát để đồng hành phát triển - Bài 1: Phải làm đến cùng - 1

Đoàn viên thanh niên thuộc Thị Đoàn Phước Long (Bình Phước)
thăm và tặng quà gia đình chính sách tại xã Phước Tín (Ảnh: T.L)

Thành quả đầu tiên và lớn nhất

Chia sẻ với Đại Đoàn Kết, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Tổng rà soát chính sách ưu đãi với người có công với cách mạng giống như một cuộc giám sát thí điểm ở cấp Trung ương và đã mang lại những thành quả đầu tiên, lớn nhất của năm 2015.

Việc tổng kết chương trình giám sát Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014-2015 như một điểm nhấn ý nghĩa cho hành trình không mệt mỏi của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công trên toàn quốc.

“Ý nghĩa của công việc này đã giúp chúng ta trả lời một cách định lượng câu hỏi trước nhân dân là bấy lâu nay chúng ta thực hiện chính sách với người có công có đúng quy định hay không, sai sót nếu có đến mức nào? Tổng rà soát hai năm qua đã chỉ rõ 95,75% người có công đã hưởng đúng và đủ mọi chính sách đang có hiệu lực; 4,25% người có công hưởng đúng xong chưa đủ. Đến nay chúng ta đã khắc phục xong thiếu sót này cho khoảng 2/3 trường hợp”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Đặc biệt, theo người đứng đầu MTTQ Việt Nam, cũng nhờ chương trình này, hơn 6 vạn người xưa nay không hề đăng ký làm hồ sơ xét duyệt để được hưởng chính sách ưu đãi người có công đã tìm đến các cơ quan chức năng để đăng ký.

Điều này cũng khẳng định tính đúng đắn của việc ra đời Chỉ thị 23 của Thủ tướng Chính phủ về Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong hai năm 2014- 2015, khẳng định sự nỗ lực làm hết sức mình bằng tất cả tấm lòng của các tổ chức thực hiện tổng rà soát: ngành lao động, thương binh- xã hội, MTTQ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội cựu Thanh niên xung phong, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ, trong đó có những người trực tiếp thực hiện tổng rà soát- những tình nguyện viên.

Để giám sát việc thực hiện chính sách ưu đãi cho 2 triệu người thuộc 7 đối tượng người có công được xét trong hai năm qua, hơn 200.000 tình nguyện viên đã được huy động vào cuộc bao gồm 100.000 cựu chiến binh và 100.000 hội viên các đoàn thể khác.

Điều này thêm một lần nữa khẳng định, vai trò tập hợp và phát huy sức mạnh của nhân dân thông qua tổ chức Mặt trận khi được phát huy đúng thời điểm đã tạo nên nguồn lực vô cùng đáng quý nên việc khó mấy cũng thành. Và điều này cũng đã hiện thực hóa được một chủ trương là: khi xã hội có nhu cầu, Nhà nước có chủ trương, thì với sự tham gia của nhân dân thông qua MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân thì có thể giải quyết được nhu cầu của nhân dân.

Đặc biệt, công tác tổ chức, phối hợp giữa chính quyền, bộ máy hành chính các cấp với các đoàn thể xã hội, thông qua đầu mối Mặt trận khi thực hiện tổng rà soát được xem là bài học kinh nghiệm đáng quý.

Trong đó, Mặt trận cùng với Bộ LĐTB&XH và các tổ chức quần chúng đã tổ chức khoa học, bài bản đợt tổng rà soát, từ xây dựng chương trình, lập kế hoạch, tổ chức tập huấn, làm thí điểm, tổ chức sơ kết đến khi triển khai rộng rãi, sử dụng các kênh tuyên truyền, thông tin hiệu quả tới người dân.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao kết quả và bài học từ cách làm này, khẳng định đây là một kinh nghiệm đáng quý không chỉ đối với lĩnh vực người có công mà tới đây là nhiều lĩnh vực xã hội khác cần tiếp tục phát huy cách làm này để giải quyết các vấn đề khi cần sự tham gia của đông đảo nhân dân để giải quyết các vấn đề người dân quan tâm, trong khi bộ máy chính quyền với biên chế hạn hẹp không thể làm một mình được.

3 kết quả quan trọng

Nhìn lại sau một năm sôi nổi các hoạt động giám sát, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, có 3 kết quả quan trọng trong quá trình triển khai nhiệm vụ.

Thứ nhất, lần đầu tiên Mặt trận huy động 14 tổ chức quần chúng vào giám sát thí điểm như Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Hội liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Cựu chiến binh, Cựu thanh niên xung phong, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ.

Tiếp đó là huy động Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật, Tổng hội Y học Việt Nam, Hội Dược học Việt Nam vào cuộc. Đặc biệt, lần đầu tiên có sự tham gia của Liên đoàn Luật sư và Hội Luật gia Việt Nam. Đồng thời cũng huy động được Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tham gia giám sát.

Với chức năng của mình, Mặt trận đã hiệp thương và hỗ trợ cho các tổ chức thành viên “ra trận” trong lĩnh vực giám sát, trong đó có những tổ chức, hội nếu như không có Mặt trận đồng hành thì không thể làm được giám sát. Ví dụ, Liên đoàn Luật sư, Hội Luật gia, Tổng hội Y học và Hội Dược học theo quy định của Hiến pháp 2013 không độc lập làm giám sát được.

Kết quả thứ hai là tạo ra cơ chế giám sát. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, muốn giám sát phải tạo được 3 sự đồng thuận.

“Một là Mặt trận thấy cần thiết phải làm. Hai là ít nhất một tổ chức đoàn thể nhân dân ở lĩnh vực liên quan cũng muốn thực hiện giám sát và ba là cơ quan quản lý nhà nước đồng ý phối hợp triển khai. Nếu không có ba đồng thuận này thì chúng ta không thể làm được”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Chính nhờ sự đồng thuận này mà đến nay khi triển khai 8 chương trình giám sát, Mặt trận không gặp bất cứ một phản ứng tiêu cực nào tại các đơn vị, tổ chức được giám sát.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, tinh thần làm việc của Mặt trận là hiệp thương và đồng thuận. Hiệp thương với các tổ chức thành viên vì chỉ có các tổ chức thành viên mới có lực lượng đông đảo và mạnh mẽ nhất, có năng lực phù hợp để thực hiện.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, giám sát của Mặt trận là giám sát của nhân dân nhưng giám sát trên tinh thần Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Vì vậy, các chương trình giám sát của Mặt trận không phải là giám sát đối đầu mà giám sát để đồng hành phát triển đất nước.

Đặc biệt sau khi đã kết thúc xuất sắc việc Tổng rà soát chính sách ưu đãi với người có công và triển khai 7 chương trình giám sát khác, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, thời điểm này đã bắt đầu xác định được nội dung giám sát nào sẽ chuyển giao cho địa phương làm.

“Mục đích của Mặt trận năm 2014 và 2015 là làm thí điểm rồi sau đó chuyển giao cho Mặt trận địa phương chứ Mặt trận Trung ương không thể “ôm” hết vì trên thực tế tất cả những hoạt động giám sát đều diễn ra ở cơ sở. Nhưng nội dung nào chưa làm tốt thì Mặt trận Trung ương phải làm tiếp, đến khi chín muồi rồi tổng kết mô hình và chuyển giao cho Mặt trận địa phương”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, đồng thời lưu ý, các địa phương cần trao đổi với tỉnh ủy, thành ủy, với UBND và sở ngành, lựa sức mình làm được đến đâu thì làm đến đó. “Chúng ta không tham làm nhiều mà hãy làm đâu chắc đó và làm đến cùng”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Trên tinh thần hiệp thương và đồng thuận, nhiều nội dung giám sát sẽ được UBTƯ MTTQ Việt Nam triển khai trong năm 2016.

8 chương trình giám sát gồm chương trình phối hợp về tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014-2015; giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội trong các loại hình doanh nghiệp; giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giai đoạn 2014 – 2020; giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế tư nhân; giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở; giám sát việc thực hiện Luật khoa học và công nghệ và Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ; giám sát việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan; Chương trình phối hợp triển khai xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2015.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giám sát để đồng hành phát triển - Bài 1: Phải làm đến cùng