Ngày 16/4, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM đã tổ chức Hội thảo “Vai trò của MTTQ Việt Nam Thành phố thực hiện giám sát và phản biện xã hội (GS&PB), tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”.
Giúp giảm thiểu rủi ro cho cán bộ
Hội thảo nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp của Thành phố về vai trò, ý nghĩa, mục đích, yêu cầu của công tác GS&PB về xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND Thành phố nhận định, TP HCM là địa phương đang triền khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị nên việc tăng cường hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là ở những nơi không tổ chức HĐND trong việc thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước là hết sức cần thiết.
Theo bà Thảo, hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội sẽ giúp phát hiện những bất cập và có những đề xuất nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật cũng như phòng ngừa sai phạm, giúp giảm thiểu rủi ro cho cán bộ, công chức trong thực thi công vụ…
Ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức cho rằng, để nâng cao hiệu quả GS&PB, MTTQ Việt Nam Thành phố cần xác định nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, không thực hiện dàn trải; đối tượng, nội dung, phạm vi giám sát cụ thể, xuất phát từ lợi ích hợp pháp và chính đáng của người dân; phát huy vai trò của Ban Tư vấn, Tổ tư vấn và những người am hiểu đối với các lĩnh vực GS&PB xã hội nhằm tư vấn, đề xuất trong quá trình thực hiện hoạt động giám sát.
Quan tâm đến phản hồi sau giám sát
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố, thành viên Hội đồng Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đánh giá, thực tế hoạt động GS&PB của Mặt trận tại Thành phố cho thấy, vẫn còn những hạn chế cần khắc phục để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về vai trò của Mặt trận trong xã hội, nhất là vấn đề giải quyết và phản hồi các vấn đề sau giám sát.
Vì vậy, theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, để nâng cao hiệu quả giám sát, Mặt trận Thành phố cần tập trung đẩy mạnh hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên nơi cư trú như giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống; trách nhiệm nêu gương và việc giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú.
Ông Hậu đề nghị, cần tăng cường giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng để góp phần tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thất thoát nguồn lực trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, công trình công trên địa bàn…
Cũng tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp phát huy vai trò của các tổ chức thành viên Mặt trận đối với hoạt động GS&PB của MTTQ Việt Nam; giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, hỗ trợ của chính quyền đối với hoạt động GS&PB của hệ thống Mặt trận…
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận MTTQ Việt Nam TP HCM cho rằng, hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các chương trình, kế hoạch được triển khai đồng bộ, chặt chẽ theo đúng quy trình, góp phần xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, hoạt động này vẫn còn một số hạn chế như: chưa phát huy tốt vai trò giám sát của nhân dân, việc theo dõi, đôn đốc xử lý các kiến nghị sau giám sát còn chưa kịp thời, hoạt động phản biện xã hội tập trung chủ yếu ở cấp Thành phố và quận, huyện...
“Để khắc phục những hạn chế này, MTTQ Việt Nam thành phố đề xuất tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản liên quan, đổi mới công tác tiếp dân, tổ chức các cuộc đối thoại, gặp gỡ trực tiếp giữa lãnh đạo Đảng, chính quyền với người dân”, bà Thúy nhấn mạnh.