Giám sát trình tự bỏ phiếu, thể thức bỏ phiếu, kiểm phiếu

QUỐC ĐỊNH (thực hiện) 22/05/2021 06:54

Cùng với các địa phương cả nước, tỉnh Bình Dương đã và đang tích cực triển khai thực hiện kế hoạch bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Văn Lộc, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương cho biết, đến nay công tác chuẩn bị cho kỳ bầu cử đã hoàn thành, tỉnh Bình Dương đã sẵn sàng cho ngày hội của toàn dân.

Ông Nguyễn Văn Lộc.

Theo ông Nguyễn Văn Lộc, tỉnh Bình Dương đã hoàn thành các nội dung công việc đảm bảo các bước, quy trình và thời gian theo luật định. Công tác tuyên truyền được địa phương triển khai thực hiện sớm, đồng bộ với hình thức đa dạng, phong phú. Tỉnh Bình Dương đã thành lập 4 đơn vị bầu cử, 4 Ban bầu cử Quốc hội; 18 đơn vị bầu cử và 18 Ban bầu cử HĐND tỉnh, hoàn thành việc rà soát, thống kê và lập danh sách, niêm yết danh sách cử tri ở các khu vực bỏ phiếu.

Việc kiểm tra, giám sát về công tác bầu cử được các cấp, các đơn vị thực hiện thường xuyên, chặt chẽ; kịp thời hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác bầu cử. Đối với công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý, phân loại, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác bầu cử được Ủy ban bầu cử các cấp trong tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện theo quy định. Nguồn kinh phí và cơ sở vật chất phục vụ bầu cử cũng được chuẩn bị đảm bảo và bổ sung tăng cường phù hợp với phương án phòng chống dịch bệnh Covid-19.

PV: Tuyên truyền là một trong những khâu rất quan trọng của công tác chuẩn bị bầu cử. Ông có thể cho biết cách thức thực hiện, kết quả và ý nghĩa của công tác tuyên truyền bầu cử trên địa bàn tỉnh?

Ông Nguyễn Văn Lộc: Nhiệm vụ tuyên truyền được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm, đẩy mạnh. Cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến khu dân cư, khu nhà trọ, doanh nghiệp đã và đang tiếp tục tập trung thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội về tiểu sử tóm tắt và chương trình hành động của người ứng cử.

Về quyền của công dân, của cử tri, tự mình đi bỏ phiếu để lựa chọn người xứng đáng bầu vào Quốc hội, HĐND để ngày bầu cử thật sự là ngày hội của toàn dân; tuyên truyền về mô hình phòng bỏ phiếu mẫu và quy trình đi bầu cử tại các khu vực bỏ phiếu nhằm hướng dẫn và tạo được sự thống nhất trên địa bàn tỉnh trong trang trí phòng bỏ phiếu và quy trình bầu cử.

MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, trực quan, sinh động phù hợp với điều kiện và đặc thù, thế mạnh của địa phương, tổ chức như: Trên hệ thống loa, đài truyền thanh các cấp, trong các doanh nghiệp; cấp phát tờ rơi, pano, áp phích; trên hệ thống mạng xã hội.

Tổ chức các hội thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về bầu cử; tuyên truyền miệng thông qua các hội nghị mạn đàm tiểu sử của người ứng cử trong các chi đoàn, chi hội thanh niên, phụ nữ, nông dân và công đoàn tại các khu dân cư, khu nhà trọ, ký túc xá, công ty, xí nghiệp… nhằm giúp cử tri, nhân dân trên địa bàn tỉnh hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử. Từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc lựa chọn những người thật sự tiêu biểu bầu vào Quốc hội, HĐND các cấp.

Ông đánh giá như thế nào về chất lượng của những người ứng cử và cơ cấu các thành phần trong xã hội mà hội nghị hiệp thương ở các cấp đã lựa chọn lần này?

-Qua kiểm tra, giám sát và tổng hợp danh sách những người ứng cử sau hội nghị hiệp thương lần thứ 3 đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần hợp lý, đại diện tiêu biểu cho tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước, đơn vị hành chính cấp dưới, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế, đại diện các thành phần của xã hội, nghề nghiệp, tôn giáo, dân tộc, độ tuổi… đảm bảo theo quy định của Nghị quyết số 1187/NQ-UBTVQH14 11/01/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người nhiệm kỳ 2021-2026. Chất lượng người ứng cử được quan tâm, thật sự là những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức, uy tín, trình độ học vấn, năng lực và bản lĩnh, trí tuệ.

Trong tình hình phức tạp của dịch Covid-19, tỉnh Bình Dương sẽ chỉ đạo thế nào để bảo đảm cuộc bầu cử thành công, thưa ông?

-Ủy ban bầu cử tỉnh Bình Dương tiếp tục chỉ đạo Ủy ban bầu cử các cấp trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông tạo không khí phấn khởi, thể hiện được tinh thần, ý nghĩa của đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt quan trọng của cuộc bầu cử. Tập trung tuyên truyền nội quy, thể thức bỏ phiếu, quy trình bỏ phiếu, tiểu sử, danh sách người ứng cử, chương trình hành động của người ứng cử cho cử tri và nhân dân biết.

Triển khai đồng bộ các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trước, trong và sau ngày bầu cử; triển khai phương án phân công, bố trí lực lượng bảo đảm an ninh trật tự ngày bầu cử; đấu tranh, phản bác, hiệu quả với các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, thông tin sai lệch trên mạng xã hội. Nắm tình hình an ninh trong công nhân tại các khu, cụm công nghiệp. Đặc biệt, tập trung bám sát địa bàn, theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến dịch Covid; chỉ đạo kịp thời việc thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên phạm vi địa bàn gắn với công tác tổ chức cho cử tri đi bầu cử tại các khu vực bỏ phiếu theo phương án về đảm bảo y tế, phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong quá trình tổ chức cuộc bầu cử.

Các cấp, các ngành, các tổ chức bầu cử tiếp tục thực hiện công tác kiểm tra, giám sát công tác bầu cử thuộc chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý của ngành, địa phương theo kế hoạch đề ra. Tăng cường kiểm tra tổng thể công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử tại các khu vực bỏ phiếu từ chiều ngày 21/5/2021 đến tối ngày 22/5/2021. Bên cạnh đó, MTTQ các cấp trong tỉnh thực hiện giám sát trình tự bỏ phiếu, thể thức bỏ phiếu, kiểm phiếu theo quy định trong ngày bầu cử 23/5/2021.

Trân trọng cảm ơn ông!

Cán bộ xã Thượng Lan (Việt Yên, Bắc Giang) hoàn thành những phần việc cuối cùng của cuộc bầu cử.

Bắc Giang chuẩn bị phương án bỏ phiếu cho những nơi cách ly

Để cuộc bầu cử diễn ra thành công, bảo đảm an toàn, từ ngày 20/5, nhiều đơn vị, địa phương trong tỉnh Bắc Giang đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho toàn bộ thành viên các tổ bầu cử.

Ông Hoàng Công Bộ, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa cho biết, Tổ bầu cử rất quan trọng, là đội ngũ trực tiếp triển khai công tác bầu cử trong ngày 23/5, tiếp xúc với nhiều cử tri. Bởi vậy để bảo đảm an toàn, huyện đã xét nghiệm cho lực lượng này.

Ngày 21/5, các địa phương trong tỉnh cũng đồng loạt tổ chức phun khử khuẩn các điểm bỏ phiếu. Tại các trung tâm cách ly của tỉnh, công tác bầu cử được chuẩn bị chu đáo, đúng quy định. Theo Thiếu tá Trịnh Văn Tùng, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 831 (Bộ CHQS tỉnh), khu cách ly tập trung của tỉnh Bắc Giang tại Trung tâm giáo dục Quốc phòng và An ninh tỉnh có gần 100 cử tri là người cách ly, cán bộ công an, quân đội, y tế làm nhiệm vụ. Phương án bỏ phiếu của cử tri ở khu cách ly cũng được tính toán cụ thể để bảo đảm an toàn cho tổ bầu cử.

Phương án bỏ phiếu tại các địa phương cách ly cũng đã được xây dựng. Tại xã Nội Hoàng, 1 trong 3 xã đầu tiên của huyện Yên Dũng thực hiện cách ly xã hội có 6 đơn vị bầu cử ở 6 thôn với hơn 6 nghìn cử tri. Hiện toàn xã có hơn 400 trường hợp đang thực hiện cách ly tại nhà (F2). Ban chỉ đạo bầu cử của xã có phương án dùng hòm phiếu phụ để tổ bầu cử mang đến nhà cho các F2 và thành viên trong gia đình cùng bỏ phiếu. Các hòm phiếu, phiếu khi mang ra khỏi các gia đình có F2 sẽ được khử khuẩn. Trước đây, mỗi tổ bầu cử gồm 15 người, giờ để bảo đảm đủ nhân lực, xã đã bổ sung lên 21 người. Đồng thời, xã đã chuẩn bị 200 bộ quần áo bảo hộ cho ban bầu cử để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong ngày bầu cử. PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giám sát trình tự bỏ phiếu, thể thức bỏ phiếu, kiểm phiếu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO