Giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống - Dân vận khéo nâng cao hiệu quả tuyên truyền

Minh Anh 19/12/2022 09:30

Nhận thức được tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể đã chú trọng tuyên truyền, vận động bà con giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Cán bộ Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải và chính quyền địa phương vận động bà con chấp hành các quy định về pháp luật, hôn nhân gia đình.

Tại Tà Ngảo (Sìn Hồ, Lai Châu)

Xã Tà Ngảo huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, vấn nạn tảo hôn và kết hôn cận huyết thống từng có tại địa phương. Đây là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Mông và Dao. Ngày trước, một số người nói rằng con cháu thích nhau, không có trâu, bò, lợn, tiền nhiều để làm đám cưới thì mua mấy đồng bạc trắng về làm cái lý theo phong tục rồi về ở với nhau cho nên vợ, nên chồng.

Như trường hợp Tẩn Mý Dao (dân tộc Dao, ở bản Thà Giàng Chải, xã Tà Ngảo, huyện Sìn Hồ) 22 tuổi, nhưng con lớn 6 tuổi, học lớp 1, con thứ hai lên 3 tuổi.

Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn trên địa bàn, những năm qua xã Tả Ngảo đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân nói không với nạn tảo hôn. Đối tượng tuyên truyền là những thanh niên trong độ tuổi chuẩn bị lập gia đình; với nội dung phân tích rõ những hệ lụy, hậu quả của việc tảo hôn đến hội viên phụ nữ. Ngoài ra, các cấp hội, câu lạc bộ phụ nữ ở địa phương còn vận động hội viên phụ nữ tích cực phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần.

Theo ông Sùng A Binh - Chủ tịch UBND xã Tả Ngảo: Từ năm 2017 xã đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền như thành lập Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, Câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật và Câu lạc bộ không sinh con thứ 3 ở các bản làng. Các câu lạc bộ tập trung tuyên truyền các chính sách pháp luật, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho hội viên phụ nữ. Cấp ủy chính quyền địa phương phân tích cho bà con hiểu tác hại của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em, làm suy giảm chất lượng dân số mà còn là rào cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Việc vi phạm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống được đưa vào hương ước, quy ước của bản.

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn xã tình trạng kết hôn cận huyết thống không còn xảy ra. Tuy nhiên tình trạng tảo hôn vẫn còn, trong 8 tháng năm 2022 đã có 7 cặp tảo hôn.

Thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn tổ chức tại xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm.

Tại Cổ Linh (Pác Nặm, Bắc Kạn)

Bắc Kạn là một tỉnh miền núi với gần 90% dân số là DTTS, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên trước đây tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống xảy ra khá phổ biến. Trong đó, xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm, là địa bàn từng xảy ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Có em mới 14, 15 tuổi nhưng đã được cha mẹ chấp nhận phạt hành chính để cho đi lấy chồng. Theo số liệu thống kê, tính từ năm 2018 đến nay, xã Cổ Linh có tới hơn 20 trường hợp tảo hôn. Người trẻ nhất mới chỉ 14 tuổi, có trường hợp là cả vợ, chồng cùng chưa đủ tuổi.

Thực hiện Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã lựa chọn xã Cổ Linh để tổ chức mô hình điểm phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết tại địa phương.

Các mô hình có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều sở, ngành, tổ chức, đoàn thể và chính quyền địa phương. Nội dung chính là tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động, tuyên truyền, phát tờ rơi, trình chiếu phim bằng tiếng Mông, Dao, tư vấn, can thiệp về pháp luật. Đặc biệt, Bắc Kạn còn triển khai qua các hình thức sân khấu hóa tại trường học, các thôn bản và tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Luật Hôn nhân và Gia đình cho học sinh…

Ông Đinh Hồng Kiên - Phó Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn cho biết: Từ các mô hình sân khấu hóa, khéo léo biên tập lại các nội dung quy định pháp luật lồng ghép các tiểu phẩm tuyên truyền. Các hình thức tuyên truyền còn được thể hiện bằng tiếng dân tộc để bà con dễ hiểu, dễ tiếp thu.

Ngoài việc tuyên truyền, chính quyền địa phương cũng đã kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình vi phạm về tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Nhiều gia đình cũng đã được nâng cao nhận thức, không còn cố tình nộp phạt để con mình được tổ chức hôn lễ nữa.

Từ việc nâng cao nhận thức cho đồng bào, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trên địa bàn đã giảm dần. Theo thống kê trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn xã Cổ Linh có 1 trường hợp tảo hôn.

Tuyên truyền xóa bỏ nạn tảo hôn

Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai Tiểu dự án về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Theo đó, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh và UBND các huyện Trà Bồng, Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây tổ chức tuyên truyền cho học sinh ở bậc THCS tại một số trường học. Tại các buổi truyền thông, tuyên truyền viên đã trực tiếp truyền đạt đến các em những nội dung liên quan đến giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, phòng, chống bạo lực học đường và những kỹ năng sống cần thiết.

Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện mục tiêu xóa bỏ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong cộng đồng các DTTS trong tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh sẽ phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng phụ nữ, thanh thiếu niên và địa bàn có nguy cơ cao về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ báo cáo viên, cán bộ tuyên truyền xã, thôn; thông tin lưu động, sân khấu hóa, tổ chức hoạt động ngoại khóa trong các trường học.

Gia Lai tuyên truyền xóa bỏ hủ tục hôn nhân cận huyết thống

UBND TP Pleiku (Gia Lai) vừa tổ chức hội nghị tuyên truyền pháp luật về hôn nhân, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, sức khỏe sinh sản năm 2022. Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe báo cáo viên của Ban Dân tộc tỉnh, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh truyền đạt nội dung 2 chuyên đề: Tuyên tuyền pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và hôn nhân, sức khỏe sinh sản. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, phát huy vai trò của già làng, Người có uy tín trong các làng đồng bào DTTS trong tham gia công tác tuyên truyền, vận động xóa bỏ những hủ tục. Phấn đấu giảm bình quân 2 - 3%/năm số cặp tảo hôn và duy trì không phát sinh kết hôn cận huyết thống. Từ đó, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh công cuộc giảm nghèo bền vững tại địa phương.

M.Quân

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống - Dân vận khéo nâng cao hiệu quả tuyên truyền