Việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế suất MFN) đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì từ 20% xuống 10% sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung, tạo cơ hội tiếp cận nguồn cung mới cho các doanh nghiệp nhập khẩu thay vì phụ thuộc vào nguồn xăng từ Hàn Quốc hay các nước trong ASEAN. Qua đó thúc đẩy sự ổn định thị trường xăng dầu trong nước.
Thúc đẩy tính cạnh tranh
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2021, tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế mặt hàng xăng dầu của nước ta là 475,26 triệu USD, trong đó nhập khẩu từ các nước có ký kết Hiệp định FTA với nước ta là 474,1 triệu USD (chiếm 99,7%) và trong 5 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế mặt hàng xăng là 826,53 triệu USD, cơ bản cũng được nhập khẩu từ các nước có ký kết hiệp định FTA với Việt Nam. Như vậy có thể thấy hiện nay, mặt hàng xăng được nhập khẩu chủ yếu từ các quốc gia có ký kết Hiệp định FTA với Việt Nam nên thuộc diện được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu FTA thấp hơn so với mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN.
Việc giảm thuế ưu đãi nhập khẩu MFN từ 20% về 10% vì vậy được kỳ vọng sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung từ các quốc gia khác như Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia khu vực Trung Đông.
Tuy nhiên, theo ông Trịnh Quang Khanh - Tổng thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, nếu so sánh với mức thuế nhập khẩu xăng dầu từ thị trường ASEAN, Hàn Quốc thì việc giảm thuế không có ý nghĩa nhiều với việc giảm giá xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, chính sách này sẽ là đòn bẩy để các thương nhân đầu mối chuẩn bị sẵn sàng đa dạng hóa thị trường, thêm nguồn cung, khi thị trường FTA khó khăn.
Mặc dù vậy, Tổng thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nhận định, trong thời gian tới, những thị trường FTA mà các doanh nghiệp (DN) Việt Nam nhập khẩu xăng dầu khá ổn định, không có biến động, bởi đây là những thị trường lớn. Nhưng khi nguồn cung cấp xăng dầu trong nước khó khăn, các DN xăng dầu đầu mối phải tăng cường nhập khẩu, thì chính sách giảm thuế nhập khẩu sẽ giúp các DN tìm thêm nguồn cung từ các quốc gia khác như Hoa Kỳ và các quốc gia khu vực Trung Đông… để bù đắp phần thiếu hụt hiện nay.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, bên cạnh câu chuyện giá xăng dầu ổn định để không gây tác động ngược đến quá trình phục hồi kinh tế, cơ quan quản lý cần đặc biệt lưu tâm để có thể bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như cho người tiêu dùng. Đặt trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu của thị trường trong nước rất dễ bị ảnh hưởng bởi sự việc đến từ Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn, thì việc đa dạng hoá nguồn cung nhập khẩu xăng dầu là cần thiết. Chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, việc điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu sẽ tạo điều kiện cho DN có thể nhập khẩu xăng từ nhiều quốc gia khác, qua đó thúc đẩy tính cạnh tranh để giảm giá mặt hàng này.
Đảm bảo tính liên thông giữa giá hàng hóa và giá xăng
Tuy nhiên, điều đáng bàn là câu chuyện giá xăng, dầu dù đã được điều chỉnh giảm mạnh hơn 1 tháng nay, song giá hàng hóa không hề giảm.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh rằng, nhiều hàng hóa, dịch vụ không nằm trong diện bình ổn giá của Chính phủ, do đó bằng các biện pháp thị trường, sự cạnh tranh hoặc có sự liên kết khống chế giá, lũng đoạn thị trường sẽ chi phối và tạo ra mức giá vẫn cao như hiện nay. Ngoài ra, trong cơ cấu của giá cả hàng hóa dịch vụ không có sự đồng nhất về mức độ ảnh hưởng trực tiếp của giá xăng dầu, do đó không có sự xuống giá đồng loạt. Chưa kể các cơ quan chức năng dường như đang bỏ ngỏ các công cụ quản lý giá trực tiếp. Ông Phong đưa ví dụ như giá dịch vụ vận tải, về nguyên tắc, hiện nay tất cả các DN kinh doanh dịch vụ vận tải (trừ hàng không) phải kê khai, đăng ký và giải trình giá. Tuy nhiên, hiện nay xăng dầu đã giảm nhưng chưa có một động thái nào của các cơ quan chức năng buộc các đơn vị vận tải kê khai, đăng ký lại giá cũng như giải trình mức giá hiện nay. “Như vậy, có một sự buông lỏng nhất định các công cụ quản lý giá của Nhà nước mà điển hình là của Bộ Giao thông vận tải” – ông Phong nói.
Cũng theo vị chuyên gia, việc cung cấp thông tin chưa thật đầy đủ bởi lẽ nếu thông tin tốt về các yếu tố đầu vào, các cơ cấu biến động giá căn cứ vào thời điểm khác nhau tương xứng với giá xăng dầu thì xã hội sẽ phát hiện ra ngay sự bất hợp lý của việc chênh lệch giá.
Điều cần thiết bây giờ đó là các bộ, ngành, địa phương phải chủ động quán triệt cụ thể từng giải pháp, hành động. Có thể bổ sung thêm các cơ chế, biện pháp, thậm chí cả những chế tài để tạo áp lực, buộc các đơn vị, DN phải giảm giá tương ứng với giá xăng dầu vì chúng ta không thể chấp nhận một nghịch lý giá xăng dầu vừa chớm lên đã tạo áp lực tăng giá nhưng khi giá xăng dầu xuống rất mạnh thì giá cả lại “lặng im”...