Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế Vũ Vĩnh Phú cho rằng vào thời điểm cuối năm, cơ quan quản lý cần chú trọng hơn công tác kiểm soát giá, bình ổn giá hỗ trợ cho người dân.
PV: Do sức mua tăng, giá cả ở ngoài thị trường đã bắt đầu biến động. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Ông Vũ Vinh Phú: Hai lần điều chỉnh gần đây giá xăng dầu giảm, nhưng cũng như các lần trước giá cả nhiều loại mặt hàng thiết yếu vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí một số mặt hàng tăng giá. Khi lên giá, một trong những lý do phổ biến nhất là do giá xăng dầu tăng. Đến khi giá xăng dầu giảm thì người kinh doanh không vội giảm giá ngay. Ngoài ra, một trong những “căn bệnh” nữa trong hoạt động quản lý thị trường hiện nay là sự phân phối không công bằng, cấp trung gian hưởng lợi quá nhiều trong khi bản thân nhà sản xuất chưa chắc đã lãi nhiều cũng như người tiêu dùng phải mua hàng giá đắt. Nếu không có giải pháp quản lý hiệu quả hơn, không giải quyết được điểm nghẽn trên thì câu chuyện "té nước theo mưa" sẽ rất khó chấm dứt.
Những điều đó sẽ tác động tới việc bình ổn giá cả, nhất là những mặt hàng thiết yếu. Vậy, ông dự báo như thế nào về công tác kiểm soát lạm phát tháng cuối năm?
- Mặc dù thị trường hàng hóa đã có sự chuyển biến nhưng sức mua còn yếu, cơ cấu tiêu dùng thay đổi theo hướng tập trung chủ yếu vào mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, sức mua của người tiêu dùng trong thời gian còn lại của năm sẽ tăng cao hơn những tháng của quý 2, quý 3. Dự báo cả năm nay mức tăng trưởng của bán lẻ dịch vụ sẽ dao động trong khoảng 14 đến 17%. Điều quan trọng là hệ thống phân phối, các kênh bán lẻ, các nhà sản xuất nhập khẩu hàng hóa có chuẩn bị hàng đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng hay không? Có tổ chức phục vụ bán ra, nhất là các thời điểm sức mua tăng cao hay chưa? Và nhất là phải giảm tối đa các khâu trung gian, làm sao để cho sản phẩm từ người trồng, người làm đến tay người tiêu dùng qua ít thương lái. Như vậy người sản xuất ra cũng được lợi mà người tiêu dùng cũng không mua phải sản phẩm bị đội giá nhiều.
Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối chính của nền kinh tế, thực hiện tốt chính sách tài khóa, tập trung vào hỗ trợ cho doanh nghiệp... Làm được như vậy chắc chắn không chỉ việc mua bán cuối năm tốt mà còn làm tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm tiếp theo.
Xu hướng mua sắm đang thay đổi, sức mua tăng cao vào dịp cuối năm và người dân cũng chuyển sang mua sắm online nhiều hơn. Ý kiến của ông?
- Mấy năm trở lại đây các sàn thương mại đã triển khai hàng loạt chương trình ưu đãi, giảm giá đặc biệt thông qua các lễ hội mua sắm. Đặt trong bối cảnh thu nhập của người dân bị tác động do kinh tế khó khăn nói chung, người dân cũng sẽ chọn hình thức mua sắm nào tiết kiệm nhưng hiệu quả. Tôi có đọc được thông tin khi mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng dành nhiều công sức và thời gian tìm kiếm các ưu đãi kèm theo tốt nhất để tiết kiệm chi tiêu. Tuy nhiên, vẫn có một số người tiêu dùng khác lại thích mua sắm trực tiếp vì thích được nhìn kỹ, thử trực tiếp bằng mắt. Theo tôi, cả hai cách mua sắm như vậy cũng đều tốt.
Trân trọng cảm ơn ông!