Trong khi người tiêu dùng phấn khởi vì trước bạ giảm thì một số người dân đi “dạo” thị trường xe cho biết, các hãng xe đã nhanh tay cắt khuyến mãi.
Mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự được sản xuất, lắp ráp trong nước chính thức được giảm 50% cho đến hết năm 2020. Cùng với đó, ngày 10/7 tới, linh kiện ô tô cũng được miễn thuế. Liệu ưu đãi chồng ưu đãi có kích được cầu tiêu dùng khi các hãng xe cũng như đại lý kinh doanh ô tô đang có những toan tính khác?
Trong thời gian thực hiện cách ly xã hội, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô lớn như Thaco, Thành Công, VinFast, Toyota, Honda, Mercedes... phải tạm ngừng hoạt động sản xuất, lắp ráp. Hai tác động rõ nhận thấy của dịch Covid-19 đối với ngành sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ôtô trong nước là gián đoạn chuỗi cung ứng và nhu cầu tiêu dùng ôtô suy giảm.
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tính chung cả 4 tháng đầu năm 2020, doanh số bán ra của toàn thị trường giảm 38,8% (chỉ còn 60.825 xe) so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, xe lắp ráp trong nước giảm 33% trong khi xe nhập khẩu giảm 40% so với cùng kỳ 2019. Theo đó, các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị như vận tải, cung ứng, phân phối... cũng gặp khó khăn theo hiệu ứng domino, doanh thu giảm đáng kể.
Đến nay, dịch Covid-19 tại Việt Nam cơ bản được kiểm soát, các hãng ô tô đã tái khởi động việc sản xuất, nối lại chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, trước tác động nặng nề của dịch Covid-19, việc tái sản xuất và nối lại các chuỗi cung ứng sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước. Do lượng xe tồn kho còn cao nên công suất sản xuất, lắp ráp hiện chỉ duy trì ở mức rất thấp. Dự báo của các doanh nghiệp cho thấy, thị trường ôtô không chỉ bị ảnh hưởng trong năm 2020 có thể còn kéo dài sang các năm tiếp theo.
Trước thực trạng trên, Chính phủ quyết định giảm 50% phí trước bạ ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước để kích cầu tiêu dùng. Việc giảm phí trước bạ ô tô được kỳ vọng sẽ thúc đẩy người tiêu dùng sở hữu ô tô, bởi số tiền mà người dân có thể tiết kiệm được từ chủ trương trên là từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Sẽ có khoảng trên dưới 40 mẫu xe hiện đang bán tại Việt Nam được hưởng mức ưu đãi này, chẳng hạn như: Grand i10, Accent, Elantra, Kona, Tucson, Santa Fe, Vios...
Trong khi đó những dòng xe đang được người tiêu dùng ngóng đợi như: Mitsubishi Xpander, Suzuki XL7, Ford Ranger, Subaru Forester lại không được hưởng lợi trong đợt này do đều là mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc. Cùng với việc giảm phí trước bạ ô tô, từ ngày 10/7 tới, thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện sản xuất ô tô chưa sản xuất được trong nước cũng được giảm về mức 0%.
Anh Cường, nhân viên bán hàng showroom Hyundai trên đường Hoàng Cầu (Hà Nội) chia sẻ, sau khi có thông tin giảm lệ phí trước bạ 50% cho xe lắp ráp trong nước, số lượng khách hàng tham khảo và tìm hiểu các mẫu xe đã tăng lên đáng kể. Trước khi phí trước bạ được điều chỉnh giảm chính thức khoảng 2 tuần, nhiều khách hàng đặt sẵn tiền cọc 20–30 triệu đồng để nhanh được nhận xe.
Theo dõi phản ứng từ thị trường cho thấy, nhiều người tiêu dùng đã lên kế hoạch sắm xe ôtô. Doanh số được dự báo cũng sẽ tăng vọt.
Tuy nhiên, một số người dân đi “dạo” thị trường xe cho biết, các hãng xe đã nhanh tay cắt khuyến mãi. Chẳng hạn như các dòng xe Vios hay Innova đã cắt giảm bớt khuyến mãi 10-15 triệu đồng so với thời gian trước. Các mẫu xe Mazda do Thaco lắp ráp như Mazda3 hay CX-5 cũng tương tự.
Còn đối với các hãng xe, đã có động thái chuyển từ nhập khẩu nguyên chiếc sang sản xuất lắp ráp trong nước để hưởng ưu đãi tối đa từ các chủ trương khuyến khích tiêu dùng của Chính phủ, áp dụng cho những mẫu xe có doanh số tốt, được khách hàng ưa chuộng.