Làng bóng Việt đang ầm ĩ vụ tố đi, tố lại giữa Hà Nội và Thanh Hóa tại giải U15 quốc gia. U15 Hà Nội tố cáo HLV Hồng Minh mạt sát, đe dọa “cắt gân” cầu thủ, đến lượt Thanh Hóa tố cáo U15 Hà Nội gian lận tuổi. Trớ trêu thay, 2 cầu thủ mà phía Thanh Hóa tố cáo lại gian tuổi thật, mà chính gia đình đã phải thừa nhận. Từ chuyện xích mích của người lớn, 2 cầu thủ trẻ bị lôi vào cuộc và trở thành tâm điểm của một “cuộc chiến”, để rồi lúc này đứng trước nguy cơ đánh mất tương lai với giấc mơ bóng đá. Đ
HLV Dương Hồng Sơn và Lê Hồng Minh khi còn cùng làm việc tại CLB HN.T&T.
Từ cái sai của người lớn…
Trong sự việc cầu thủ U15 Hà Nội bị tố gian lận tuổi ở giải U15 quốc gia, có thể thấy căn nguyên của mọi thứ bắt đầu nằm ở chuyện lời qua tiếng lại giữa người lớn và những “đứa trẻ” có thể gánh hậu quả bằng việc phải trả giá cả sự nghiệp.
Mọi chuyện bắt đầu khi, HLV Nguyễn Sỹ Hải của đội U15 Hà Nội đã gửi đơn khiếu nại tới Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), Ban kỷ luật và BTC giải U15 quốc gia về sự việc cầu thủ Vũ Tiến Long bị HLV Lê Hồng Minh của U15 Thanh Hoá dọa “cắt gân”.
Chuyện cầu thủ hỗn hào, xúc phạm với ban huấn luyện đội bóng quê hương khi khoác áo đội bóng khác như vụ Vũ Tiến Long thường xuyên xảy ra trong làng bóng nội. Chuyện HLV bị tố sử dụng lời lẽ của xã hội đen, còn cầu thủ thì tố cáo bị đe dọa còn có nhiều zích zắc liên quan đến vùng miền và hiềm khích của hai đội bóng. Nhiều người theo bóng đá đều không hề lạ khi thành viên BHL U-15 Hà Nội là cựu thủ môn Dương Hồng Sơn vốn chẳng ưa gì HLV đội U-15 Thanh Hóa là cựu tiền vệ Lê Hồng Minh.
Cả hai từng cùng thi đấu trong màu áo CLB Hà Nội T&T nhưng được giới bóng đá nhận xét là có bất đồng ngoài sân cỏ dù khoác chung một màu áo và từng thi đấu cho đội tuyển quốc gia. Đó cũng là nguyên nhân không nhỏ dẫn đến việc hai đội hiềm khích nhau và các cầu thủ trẻ hai đội cũng không khó nhận biết điều đấy.
Mâu thuẫn của hai ông thầy trước đây đã phần nào tác động đến hành vi của cầu thủ trẻ hai đội và hành vi ăn mừng thái quá bị xem là hỗn hào của cầu thủ Vũ Tiến Long cũng được cho là xuất phát từ đấy.
Ngay sau đó, CLB Thanh Hoá đã có văn bản khiếu nại gửi VFF về việc cầu thủ U15 Hà Nội gian lận tuổi. Lần này, đối tượng CLB Thanh Hóa nhắm vào là 2 cầu thủ từng ăn tập ở xứ Thanh. Theo CLB Thanh Hoá, 2 VĐV Lê Sỹ Hà và Lê Sỹ Hồng sinh năm 2000 đang thi đấu cho đội bóng đá U15 Hà Nội trước đây thuộc Trung tâm đào tạo bóng đá FLC Thanh Hoá, nhưng không đáp ứng được chuyên môn nên đã bị loại. Hai VĐV này đều sinh năm 2000 và có hồ sơ lưu tại CLB FLC Thanh Hoá đầy đủ.
Ngay lập tức, phía CLB Hà Nội đã gửi tất cả hồ sơ giấy tờ của hai cầu thủ Lê Sỹ Hồng và Lê Sỹ Hà lên Phòng pháp chế VFF với đầy đủ các giấy tờ như Giấy khai sinh gốc, giấy chứng sinh, sổ hộ khẩu và chứng minh thư. Bên cạnh đó, gia đình của 2 em đã có đơn cam kết và chịu trách nhiệm pháp lý về tuổi thật. Theo đó, Sỹ Hồng – Sỹ Hà sinh ngày 15.8.2002 chứ không phải năm 2000 như phía FLC Thanh Hóa chứng minh và tố cáo.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, theo khẳng định từ Công an xã Đông Anh (Đông Sơn, Thanh Hóa), theo hộ khẩu của gia đình ông Lê Sỹ Thước thì Sỹ Hồng - Sỹ Hà sinh năm 2000. Về bộ hồ sơ làm lại năm 2016 để theo tập U.15 Hà Nội ghi sinh năm 2002 do không trùng khớp với hộ khẩu đăng ký ban đầu nên không có giá trị và cần phải hủy. Cặp song sinh Sỹ Hồng và Sỹ Hà đã được trả lại với tuổi thật (17 tuổi, thay vì mới 15 theo giấy tờ khai lại). Cùng với đó, ông Thước (cha đẻ 2 cầu thủ Sỹ Hồng – Sỹ Hà) cũng đã mâu thuẫn với những phát biểu của mình trước đó, khi đính chính rằng 2 con trai sinh năm 2000 chứ không phải 2002.
Vụ việc ầm ĩ với những ý kiến “phản pháo” liên tục của cả hai bên đã khiến mọi chuyện dường như mọi chuyện đã đi quá xa. Trong vụ việc này, cái sai của người lớn rất nhiều. Các cầu thủ nhí không thể tự làm khai sinh cho mình mà phải là phụ huynh và những người hành pháp. Đừng bắt con trẻ phải chịu phạt vì lỗi lầm của người lớn. Toàn những cái sai của người lớn để giờ chịu thiệt thòi nhất sẽ là tương lai của những cầu thủ trẻ này.
…Tội cho các cầu thủ trẻ mất tương lai
VFF đã vào cuộc và bước đầu đã có quyết định cảnh cáo với HLV Lê Hồng do có hành vi không đúng mực. Cùng với đó, những thông tin ban đầu cho thấy 2 cầu thủ trẻ Lê Sỹ Hà và Lê Sỹ Hồng cũng sẽ phải nhận những án phạt trong thời gian tới. Nếu xác định cuối cùng là gian lận tuổi thì chiếu theo quy định kỷ luật của VFF thì có thể Sỹ Hà - Sỹ Hồng sẽ lĩnh án kỷ luật từ 1-5 năm và coi như kết thúc giấc mơ theo đuổi bóng đá chuyên nghiệp. Đó thực sự sẽ là nỗi đau với 2 cầu thủ trẻ cùng gia đình.
Nếu nhận án kỷ luật nhẹ nhất là cấm 1 năm thì Sỹ Hồng - Sỹ Hà nếu có cơ hội quay lại tập luyện sẽ phải chuyển lên tập cùng U.19. Nếu phải sắp xếp lại cho đúng lớp mà có thể lại là “nhầm lớp” - lý do khiến chính họ bị Thanh Hóa loại do “không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn” mà bản chất là do không theo kịp các đồng đội hơn vài tuổi - khả năng tiếp tục ăn tập chuyên nghiệp với 2 cầu thủ trẻ này là quá khó. Có thể, cánh cửa bóng đá sẽ khép lại với 2 cậu bé năng khiếu, đam mê và đã đeo đuổi giấc mơ bóng đá từ nhỏ rồi từ Thanh Hóa ra Hà Nội tập mang theo niềm hy vọng của cả gia đình.
Hậu quả lớn với những cầu thủ này khiến nhiều người xót xa và tất thảy đều mong những người lớn, những người thày tham gia công tác đào tạo trẻ hãy vì học sinh của mình, vì những cậu bé đam mê cùng theo đuổi giấc mơ bóng đá. Đừng dùng các em để làm công cụ phục vụ mục đích cá nhân.
Trong công tác đào tạo trẻ, bất kỳ vấn đề hay sai sót gì xảy ra, các em nhỏ đều là những người vô tội đầu tiên. Bởi những sai sót về gian lận tuổi, làm sao các em có thể tự làm được. Cùng với đó, các cầu thủ trẻ cũng cần sớm được chỉ bảo để không hòa cùng cái sai của người lớn. Với độ tuổi 17 như của Sỹ Hồng – Sỹ Hà thì chính các em đã có đủ nhận thức chứ không còn ở lứa tuổi thụ động trong suy nghĩ nữa để khỏi phải có những hậu quả đáng tiếc phải nhận như bây giờ.
Những ai làm sai sẽ phải nhận hình thức kỷ luật. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn nằm ở cách giải quyết làm sao để không đánh mất đi niềm đam mê với quả bóng nơi các cầu thủ trẻ. Đó không chỉ là đam mê mà còn là niềm khao khát, ước mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp của các em, không thể tước bỏ được. Không ai được quyền làm điều đó với giấc mơ bóng đá. Nếu vì mục đích cá nhân của người lớn, sai lầm của người lớn mà tước đi cơ hội của các em thì quả là bất công.
Bóng đá Việt từ trước đến nay không hiếm những ông thầy quá ích kỷ, quá vì bệnh thành tích, làm lại tuổi cho các VĐV để đá một giải duy nhất. Với họ, nhiều em không thể có khả năng thành cầu thủ chuyên nghiệp nên họ lấy để phục vụ cho căn bệnh thành tích của mình. Họ thật nhẫn tâm, thiếu đạo đức và không có tính nhân văn bởi chính họ vô tình cướp mất tuổi thơ của các em, biến tuổi thơ của các em thành một ký ức gian dối.
Có một điều chắc chắn, dù vẫn còn đam mê, có cơ hội được tiếp tục tập luyện nhưng các em sẽ vẫn còn bị mặc cảm tâm lý về cả sau này nữa chứ không chỉ hiện tại. Trước đây cũng đã có không ít trường hợp vì gian lận tuổi mà bị những mặc cảm đè nặng trong lòng suốt cả sự nghiệp. Đây sẽ là điều ám ảnh rất lớn cho các em từ khi còn nhỏ.
Vấn đề gian lận tuổi cần phải xét từ các hệ thống nghiệp dư, những người làm phong trào đã có bệnh thành tích rồi. Khi tuyển lên chuyên nghiệp, phía các CLB một mặt thẩm định không được, mặt khác họ biết nhưng cố tình cho qua để tận dụng lợi thế đó. Hơn lúc nào hết, cần có những biện pháp mạnh mang tính răn đe để ngăn chặn ngay từ hệ thống nghiệp dư và công tác tuyển chọn.
Vấn đề ở đây là những người cha, người mẹ, người thầy, những người làm công tác quản lý ở trường học, các cơ quan chính quyền đừng bao giờ tiếp tay cho những chuyện đó. Trong thể thao cũng như bóng đá, cần nhất sự công bằng, cao thượng. Khi chúng ta hướng cho con em mình tham gia sân chơi thể thao thì cũng phải công bằng với tất cả các em khác, đó là nguyên tắc mà bóng đá của chúng ta cần quán triệt nghiêm túc nhất.