Gian nan 'cuộc chiến' vỉa hè

LÊ ANH 07/02/2023 08:04

Là việc “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” suốt nhiều năm qua, thế nhưng nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường tại TP Hồ Chí Minh vẫn chưa có giải pháp triệt để.

Phương tiện lấn chiếm 2 bên hành lang vỉa hè tại đường Ngô Thời Nhiệm (quận 3, TPHCM).

Đầu tháng 2/2023, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan khi làm việc trực tiếp với quận/huyện đã nhắc đến tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, hơn nữa còn có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc cho người tham gia giao thông và người đi bộ. Tại quận Gò Vấp, nhiều tuyến đường như Dương Quảng Hàm, Phạm Huy Thông, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Nghi.... trở thành những “điểm nóng” về tình trạng các cửa hàng, quán ăn, tiệm cà phê buôn bán san sát, lấn chiếm tủ kệ, bàn ghế, thậm chí nhiều nơi vỉa hè trở thành bãi giữ xe tự phát, gây mất trật tự an toàn giao thông…

Trước thực trạng này, khi làm việc để duyệt kế hoạch năm 2023 của UBND quận Gò Vấp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đã yêu cầu lãnh đạo UBND quận cần có các giải pháp quyết liệt hơn nữa để kiểm tra và kiên quyết chấn chỉnh nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường trên địa bàn này. Điều đáng nói, không chỉ riêng quận Gò Vấp, ở một số quận trung tâm TPHCM như quận 1,3,5,6,10 đã từng mở các chiến dịch khắp các phường, tổ dân phố để lập lại trật tự đô thị, giành lại không gian vỉa hè cho người đi bộ.

Dù rất quyết liệt, xử phạt nhiều trường hợp hộ kinh doanh, cơ sở buôn bán lấn chiếm hành lang vỉa hè, lòng lề đường, thế nhưng lãnh đạo nhiều quận, huyện của TPHCM đã thừa nhận, công tác quản lý trật tự đô thị với các quy định hiện hành là chưa đủ tính răn đe, việc đảm bảo hành lang riêng cho người đi bộ còn gặp nhiều khó khăn. Ngay cả những khu đã tái lập được trật tự như các tuyến đường Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Pasteur (quận 1), khu vực Bệnh viện Đại học Y Dược (cơ sở 2), Bệnh viện Từ Dũ,… thời gian sau nghỉ Tết lại tái diễn các hoạt động kinh doanh, buôn bán khiến các khu vực này luôn chịu cảnh ùn tắc giao thông và mất trật tự đô thị.

Được biết, kể từ giai đoạn 2016-2017, để tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị, Thành ủy TPHCM đã ban hành Chỉ thị 11-CT/TU và song song đó UBND thành phố tiếp tục ra Chỉ thị số 22/CT-UBND. Dù vậy, có thể nói, đến nay tác động của các chỉ đạo, chỉ thị này vẫn chưa đem lại hiệu quả như kỳ vọng. Ở một số nơi dù thường xuyên kiểm tra, xử phạt việc kinh doanh buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè nhưng hoạt động này vẫn tái diễn sau khi các cuộc kiểm tra đi qua.

Lý giải về nguyên nhân của những tồn tại, bất cập trên, có lãnh đạo cơ sở đã thừa nhận rằng, các cuộc kiểm tra “dọn dẹp” vỉa hè, lòng lề đường của chính quyền nhằm lập lại trật tự đô thị, nhưng lại chưa giúp họ giải bài toán về mưu sinh và chuyển đổi công ăn việc làm phù hợp. Ở nhiều quận với tốc độ phát triển nhanh về dân cư như quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, TP Thủ Đức do chưa đủ tiềm lực để phát triển hạ tầng nên vẫn chưa thể có giải pháp căn cơ đối với vấn nạn lấn chiếm vỉa hè. Do đó, cuộc chiến giành lại không gian riêng cho người đi bộ đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Người dân TPHCM ủng hộ cơ quan chức năng lập lại trật tự lòng, lề đường, vỉa hè để thành phố hướng đến văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Thế nhưng đằng sau mỗi gánh hàng rong là một số phận và “cuộc chiến” vỉa hè cần nhiều giải pháp để có thể vừa giải quyết dứt điểm được trật tự đô thị, vừa tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc cho chính những người trong cuộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gian nan 'cuộc chiến' vỉa hè