Gian nan tìm trường cho con

Hàn Minh 07/07/2023 09:00

Những học sinh chưa trúng tuyển lớp 10 vào các trường THPT công lập đang rối bời trong việc tìm trường phù hơp. Phụ huynh chạy đôn chạy đáo, không quản nắng nóng, xếp hàng từ sớm, thậm chí từ đêm hôm trước tại các điểm trường ngoài công lập để mong có thể nộp được hồ sơ đăng ký nhập học cho con.

Phụ huynh quây kín cổng trường THPT Tạ Quang Bửu chờ nộp hồ sơ.

Chật vật cuộc đua vào trường ngoài công lập

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội vừa khép lại, bên cạnh những thí sinh đã trúng tuyển vào các trường THPT công lập theo đúng nguyện vọng, vẫn còn khoảng 33.000 em chưa trúng tuyển. Thời điểm này, cả phụ huynh và thí sinh đều đang nóng lòng để tìm kiếm trường học tốt nhất trong điều kiện học lực của thí sinh và tài chính của gia đình.

Trên thực tế, trường học không thiếu nhưng chỉ tiêu có hạn, nhu cầu chọn trường có chất lượng giáo dục tốt cho con của các phụ huynh lại cao dẫn đến việc chính các nhà trường cũng áp lực. Dường như chưa có năm nào việc giành suất vào các trường THPT ngoài công lập lại căng thẳng như năm nay. Từ 19 giờ tối 4/7, nhiều phụ huynh đã mang theo ghế nhựa, nước uống ngồi trước cổng trường THPT Hoàng Cầu (quận Đống Đa, Hà Nội) với mong muốn có được một suất nộp hồ sơ vào lớp 10 cho con. Tới rạng sáng 5/7, cổng trường đã bị vây kín bởi hàng trăm phụ huynh.

Tương tự, tại một số trường ngoài công lập như THPT Tạ Quang Bửu, THPT Phan Huy Chú, THCS & THPT Lương Thế Vinh những ngày này cũng xảy ra cảnh tượng xếp hàng xuyên đêm đến sáng trong ngày trường thông báo chính thức tuyển sinh. Theo lý giải của nhiều bậc phụ huynh, dù có nhiều trường ngoài công lập nhưng những ngôi trường có chất lượng giáo dục tốt, môi trường “đầu ra” đảm bảo, luôn hút phụ huynh hơn hẳn.

Thậm chí, anh Đoàn Trọng Vĩ (phố Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết con anh đỗ trường công lập nguyện vọng 2 nhưng cân nhắc việc đi xa, nên gia đình quyết định nộp hồ sơ vào trường THPT Hoàng Cầu. “Tôi không nghĩ năm nay lại đông như vậy, mặc dù đã đến từ 6 giờ sáng nhưng đến gần 11 giờ trưa mới tới lượt. May mắn là cuối cùng cũng hoàn thành thủ tục nhập học theo đúng mong muốn của cả gia đình” - anh Vĩ cho hay.

Được biết, để đỗ vào những ngôi trường ngoài công lập có tiếng này, học sinh phải có điểm thi từ trên 7 đến trên 8 điểm/môn mới đủ điều kiện nộp hồ sơ. Dẫu vậy, do chỉ tiêu có hạn, trong khi cách thức tuyển sinh của các trường lại không phải là lấy điểm từ cao xuống thấp nên các phụ huynh mới lo lắng xếp hàng từ sớm để ghi tên nhập học.

Cân nhắc những hướng đi sau tốt nghiệp THPT

Liên quan đến câu chuyện tìm trường cho con, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết: Trường cho học sinh cấp THPT trên địa bàn không thiếu nhưng khi sự căng thẳng bị đẩy lên ở một vài trường đã dẫn đến tình trạng phụ huynh lo lắng, đi xếp hàng từ nửa đêm để giữ chỗ. Những trường này nhu cầu đến cả nghìn hồ sơ trong khi chỉ tiêu lại có hạn (khoảng vài trăm). Chúng tôi sẽ yêu cầu các trường tuyển sinh đúng với quy chế, đảm bảo công bằng và tạo điều kiện hết sức cho phụ huynh”.

Trên thực tế, hiện nay phụ huynh và học sinh có rất nhiều lựa chọn sau khi tốt nghiệp THCS, bao gồm học lớp 10 tại các trường công, trường tư thục và công lập tự chủ tài chính, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp...

Là người gắn bó với công tác giáo dục nhiều năm, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội cho rằng: Việc cha mẹ mong muốn chọn trường tốt nhất cho con trong khả năng là hoàn toàn có thể hiểu được.

Tuy nhiên, hình ảnh những phụ huynh thức trắng đêm xếp hàng giành suất học cho con đang cho thấy một thực trạng đó là cần nhiều hơn những ngôi trường có chất lượng giáo dục tốt, cơ sở vật chất đảm bảo để phụ huynh yên tâm gửi gắm con em mình. Trong lúc này các địa phương cần tiếp tục đầu tư xây dựng, mở rộng thêm các ngôi trường chất lượng cao, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục để học sinh có thêm các lựa chọn, giảm tải áp lực khu vực trường công…

Chia sẻ với các bậc phụ huynh, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: Cần thấu hiểu con em mình, đừng đặt kỳ vọng quá lớn ngoài khả năng của con mà cần phân tích để cùng con quyết định hướng đi phù hợp. Trong đó, phải nhìn nhận thực tế có những em nổi trội ở lĩnh vực này trong khi có những em lại có thế mạnh ở lĩnh vực khác. Việc học trong trường cũng là một hướng đi nhưng không có nghĩa là mọi học sinh đều phải giỏi toán, lý, hóa. Cũng giống như không phải mọi học sinh đều phải học đại học mà có thể chọn học cao đẳng, học nghề… miễn là thấy phù hợp với bản thân. Vấn đề cơ hội việc làm, thu nhập, cơ hội thăng tiến sẽ phụ thuộc vào nỗ lực của mỗi người, không phụ thuộc vào bằng cấp người đó có.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gian nan tìm trường cho con

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO