Hiện, không ít người đang cố thể hiện “đẳng cấp giang hồ” trên mạng xã hội bằng việc quay những video clip về những hành vi vi phạm pháp luật. Họ nghĩ rằng, hành vi phạm pháp càng nghiêm trọng thì “số má” càng cao, càng nhiều người phải nể sợ.
Mới đây, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã bắt giữ Lê Thanh Ngọc (Ngọc “rambo”, 31 tuổi) và Phùng Văn Hùng (22 tuổi), đều ở xã Tiên Nha, huyện Lục Nam (tỉnh Bắc giang), để điều tra về hành vi bắt giữ người trái pháp luật. CQĐT xác định, Ngọc “rambo” và Hùng đã có hành vi đe dọa, giữ người trái phép đối với một cậu bé 16 tuổi (ở huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang), rồi quay video clip đăng lên YouTube.
Người ta biết đến Ngọc “rambo” bởi bị can này đang sở hữu kênh YouTube khá “nổi” với 456.000 người theo dõi. Nội dung các video clip được Ngọc “rambo” đăng tải trên kênh YouTube chủ yếu liên quan tới lối sống của các đối tượng giang hồ, thể hiện các xung đột và cách giải quyết hết sức bạo lực. Khi xuất hiện trên các video clip, Ngọc “rambo” thường cởi trần khoe nhiều hình xăm trổ trên cơ thể, trông khá hung tợn.
Có lẽ chính vì cách mà Ngọc “rambo” làm các video clip mang tính bạo lực, thể hiện tính cách của các “đại ca giang hồ”, cùng với đó là thân hình kín hình xăm trổ khiến người ta có phần e dè, liệt bị can này vào dạng “giang hồ mạng”. Song, có lẽ với Ngọc “rambo” như thế là chưa đủ thể hiện “số má”, nên bị can đã thực hiện cách hành xử của một giang hồ thật ngoài đời bằng việc đe dọa, bắt giữ người trái pháp luật.
Đáng nói, cách hành xử như Ngọc “rambo” lại đang có vẻ phát triển ngày càng phổ biến. Nhiều kẻ cũng đang cố thể hiện “số má” giang hồ bằng việc đăng những video clip về hành vi vi phạm pháp luật lên mạng xã hội. Đơn cử như trường hợp chủ quán nhắng nướng Hiền Thiện ở Bắc Ninh hơn 3 tháng trước. Thiện đã bắt nạn nhân quỳ xin lỗi, rồi quay video clip post lên mạng xã hội vừa để khoe khoang, vừa để đe dọa người khác.
Hay như giang hồ mạng Phú “lê” cũng luôn thể hiện đẳng cấp “số má” trên kênh YouTube cá nhân. Ngoài các video clip với nội dung bạo lực xoay quanh lối sống giang hồ, Phú “lê” còn “hợp tác” với một số giang hồ khác làm hẳn những bộ phim về cuộc đời giang hồ như: “Chạm mặt giang hồ”, “Đời là thế thôi”... Trước khi trở thành “giang hồ mạng”, Phú “lê” đã là giang hồ thực sự ngoài đời với hai tiền án.
Cùng đóng phim về cuộc đời các tay anh chị giang hồ với Phú “lê” còn có nhân vật khét tiếng đất Thái Bình mà ai cũng biết tới vì rất “nổi” thời gian qua, đó là Đường “nhuệ”. Trong phim thế nào thì ngoài đời là như vậy, Đường “nhuệ” liên tiếp phạm nhiều tội trong suốt một thời gian dài mà không ai dám động tới. Không chỉ người dân mà cả một số cán bộ của tỉnh Thái Bình khi nghe đến tên Đường “nhuệ” đều sợ mất mật.
Chính vì có “số má” cao nên hầu như đám đầu trâu mặt ngựa, du thủ du thực, lưu manh ở mảnh đất Thái Bình đều đầu quân về dưới trướng của Đường “nhuệ”, giúp đại ca giang hồ này thực hiện vô số tội ác. Chúng không từ bất cứ thủ đoạn nào, từ việc đe dọa, chèn ép để trúng thầu mua đất, cho đến bắt ép các nhà tang lễ, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hỏa táng phải “nộp sưu” thêm 500.000 đồng với mỗi trường hợp hỏa táng.
Cái gì đến rồi sẽ phải đến, Đường “nhuệ”, Phú “lê” rồi Ngọc “rambo” lần lượt sa lưới pháp luật, để trả giá cho chính cái gọi là “số má” giang hồ của chúng. Ngay cả khi những đối tượng này không mang “cuộc sống giang hồ” trong phim, trong các video clip ra ngoài đời thực thì cũng đã vi phạm pháp luật và khó có thể chấp nhận được. Pháp luật đâu cho phép tự do phát tán những nội dung độc hại, bạo lực trên không gian mạng.
Ấy vậy mà như sợ các cơ quan bảo vệ pháp luật không biết đến, các “giang hồ mạng” lại ngang nhiên hành xử theo lối côn đồ, hung bạo, trấn lột tài sản... ngay giữa đời thường. Đó chính là hành vi coi thường pháp luật, nhờn với kỷ cương phép nước cần phải bị nghiêm trị để răn đe, phòng ngừa chung. Dù chúng có ai, thế lực nào bảo kê, chống lưng thì cũng không thoát khỏi lưới Trời lồng lộng, thưa mà khó lọt.
Đáng buồn là không ít các em nhỏ, giới trẻ hiện nay lại tỏ ra hâm mộ những đối tượng giang hồ mạng như Ngọc “rambo”, Khá “bảnh”, Phú “lê”... Kênh YouTube của những kẻ này có hàng trăm nghìn lượt thích, theo dõi. Đó chính là “mảnh đất mầu mỡ” để các đối tượng giang hồ mạng có thể tung hoành, thể hiện đẳng cấp “số má”. Càng hung tợn, băm trợn bao nhiêu càng được nhiều người theo dõi, thật không thể hiểu nổi.
Thực trạng đó cũng là điều đáng báo động cho người lớn chúng ta trong cách giáo dục con trẻ. Song, để loại bỏ những “ám ảnh” của giang hồ mạng ra khỏi những bộ óc thơ ngây của con trẻ, không chỉ các bậc phụ huynh là đủ, mà cần phải có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ từ nhà trường, các thầy cô giáo, tới các cơ quan quản lý nhà nước, bảo vệ pháp luật. Có vậy mới hy vọng hết những kẻ giang hồ, cả ở không gian ảo trên mạng xã hội cũng như ngoài đời thực.